Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là lúc mọi người dành thời gian nhìn lại những việc đã làm trong năm qua. Với tính cầu toàn, luôn đặt ra những mục tiêu lớn và nỗ lực hoàn thành nó, không ít doanh nhân thấy bị áp lực khi điều hành doanh nghiệp. Kết quả, họ bị mắc kẹt, mệt mỏi và thất vọng trước kết quả không như ý.
Doanh nhân Nellie Akalp – CEO Công ty CorpNet chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý về chuẩn bị hồ sơ, soạn thảo giấy tờ, hợp đồng… chia sẻ, bà cũng từng rơi vào bế tắc giống vậy, nhưng sau đó bà nhận ra cách giải quyết tốt nhất là tiếp cận vấn đề bằng tư duy đúng đắn.
Tư duy đúng đắn giúp doanh nhân làm việc hiệu quả hơn, cảm thấy hứng khởi hơn, hạnh phúc hơn.
Dưới đây là 5 bí quyết giúp doanh nhân “lên dây cót” tinh thần, tăng năng lượng cho năm mới, được đúc kết từ kinh nghiệm lãnh đạo doanh nghiệp của Akalp.
1. Xem lại mục tiêu đề ra
Khi điều hành doanh nghiệp trong thời gian dài, doanh nhân sẽ rất dễ “mất lửa” – thứ từng giúp họ vượt qua khó khăn trong công việc. Do đó, điều quan trọng cần làm là thường xuyên xem lại mục tiêu ban đầu, mục đích kinh doanh, lý do muốn trở thành doanh nhân,…
Doanh nhân đừng nhầm lẫn giữa mục tiêu kinh doanh với thành tựu hay lợi nhuận. Chúng có thể là công cụ giúp doanh nghiệp sớm hoàn thành mục tiêu nhưng chưa phải là lý do ban đầu thôi thúc bạn bước chân vào thế giới kinh doanh.
Hãy tập trung vào câu hỏi “tại sao”, “bằng cách nào” khi điều hành doanh nghiệp. Có người làm doanh nhân vì muốn tạo ra thay đổi, sửa chữa một vấn đề nào đó; có người kinh doanh vì muốn thay đổi bản thân,… Dù vì mục đích gì thì bạn cũng nên tìm lại chúng, lấy đó làm động lực để tiến lên phía trước.
2. Thực hành thiền chánh niệm
Thiền chánh niệm có xuất xứ từ một kỹ thuật thiền Phật giáo cổ xưa, sau đó phát triển thành một chuỗi hoạt động tập trung vào việc nâng cao nhận thức tại thời điểm hiện tại. Trang Mindful.org định nghĩa, chánh niệm là khả năng cơ bản của con người trong việc nhận thức đầy đủ nơi chúng ta sống, việc chúng ta làm và không phản ứng thái quá hay bị choáng ngợp bởi những điều đang xảy ra.
Việc ngồi thiền có thể không có tác dụng với tất cả mọi người nhưng với Akalp, nó rất có hiệu quả. “Tôi ngồi thiền mỗi sáng và thực hành chánh niệm trong ngày. Điều đó giúp tôi điềm tĩnh hơn, suy nghĩ rõ ràng hơn, bình tĩnh trước những rắc rối, đặc biệt là có nhiều cảm hứng thay đổi mọi thứ hơn”, bà nói.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu đã chỉ ra việc ngồi thiền thường xuyên có thể có tác dụng tăng độ dày vỏ não trước trán. Đây là khu vực liên quan với các chức năng như: nhận thức, tập trung, giải quyết vấn đề, tầm nhìn và ra quyết định.
Bạn không cần ngồi thiền trong thời gian dài. Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra từ 10-15 phút ngồi thiền là được.
>> 17 triết lý sống của thiền sư số một Nhật Bản
3. Biết ơn
Nghiên cứu về tâm lý học chỉ ra, những người sống biết ơn sẽ trở nên lạc quan hơn và nhìn cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn. Ngược lại, những người chỉ chăm chăm nghĩ cho bản thân lại trở nên tiêu cực, thiếu sức sống cũng như sức khỏe giảm sút.
Theo Robert Emmons – tác giả cuốn Thanks! How practicing gratitude can make you happier, bạn có thể ghi lại những thứ mà bạn biết ơn hằng ngày và lưu giữ chúng trong cuốn sổ “hành trình biết ơn”. Có ba bước cần thiết trước khi biết ơn ai đó/điều gì đó, đó là xác định đó là gì, hiểu lý do tại sao và luôn trân trọng nó.
4. Không ngừng học hỏi
Cho dù doanh nghiệp thành công đến đâu thì bạn cũng không thể ngủ quên trên chiến thắng. Thế giới đang không ngừng thay đổi, do đó rất có thể những thứ đúng với bạn hôm nay sẽ không còn tác dụng trong ngày mai. Bạn cần liên tục trải nghiệm và học hỏi xung quanh. Quan trọng nhất, đừng bao giờ nghĩ rằng mình biết hết mọi thứ, hãy luôn mở lòng lắng nghe người khác.
Nhà văn, triết học gia nổi tiếng Lev Tolstoy từng nói: “Ai cũng nghĩ đến việc thay đổi thế giới nhưng không ai nghĩ đến việc thay đổi chính mình”. Hãy luôn học hỏi và phát triển bản thân, không chỉ bản thân doanh nghiệp mà cả bản thân nhà lãnh đạo.
5. Học cách cho đi
Doanh nhân không phải là những người đơn độc, đâu đó trên hành trình vẫn có người giúp đỡ, tiếp sức cho họ. Đó có thể là người thầy, người bạn, đồng nghiệp, trường học, tổ chức hay cộng đồng địa phương. Và hầu hết các doanh nhân đều nhận ra họ may mắn như thế nào. Điều đó góp phần lý giải tại sao doanh nhân lại có nhiều hoạt động từ thiện hơn những người bình thường khác.
Ngoài vai trò CEO, Nellie Akalp còn tham gia giúp đỡ những doanh nhân gặp khó khăn về mặt pháp lý, giải thích để họ hiểu đúng luật, hướng dẫn họ làm theo quy định nhà nước.
“Bạn có thể cho đi bằng cách giúp đỡ về mặt tài chính, tham gia các hoạt động cộng đồng, hoặc “quyên góp” một vài tiếng đồng hồ làm cố vấn cho ai đó, dạy học cho một tổ chức doanh nhân của các doanh nghiệp nhỏ…”, bà nói.
Việc làm đó có thể chẳng là gì với bạn nhưng với người khác lại vô cùng quý giá. Bằng việc đồng ý đi uống cà phê với một bạn trẻ có ý định khởi nghiệp, trả lời thắc mắc của họ qua điện thoại, bạn không chỉ đặt nền móng cho thế hệ doanh nhân tiếp theo mà còn thắp lại ngọn lửa doanh nhân bạn từng có.
Vân Thảo | Theo Doanh Nhân Sài Gòn