Đây có lẽ là một câu hỏi ngày càng có nhiều người tìm kiếm trên google. Tôi đã thử tìm kiếm với từ khóa này và thấy những câu trả lời rất đa dạng. Có những bài viết khá chi tiết nhưng lại đứng trên góc độ của người không mất phương hướng để suy nghĩ. Có những bài viết thì đúng với mục đích câu view với lời khuyên vô thưởng vô phạt.
Tôi không dám chắc mình có thể trả lời câu hỏi này tốt hơn những câu trả lời của những người đi trước nhưng thấy đây là một câu hỏi thú vị, bản thân mình cũng có lúc rơi vào trạng thái này vì vậy tôi xin được trả lời với hiểu biết mình đang có.
Khi nào bạn rơi vào trạng thái này?
Sinh viên ra trường, người đang thất nghiệp mất phương hướng nghề nghiệp, không biết mình thích gì, mình muốn gì và đã nỗ lực rất nhiều tìm việc mà không được.
Khi bạn đạt tới một mục tiêu A và không biết sẽ phải đi tới điểm nào tiếp theo. Đừng tưởng chỉ có những người đang gặp khó khăn mới mất phương hướng; ngay cả khi hoàn cảnh đang rất thuận lợi bạn vẫn có thể rơi vào trạng thái này.
Khi bạn cảm thấy chán nản do công việc quá nhàm chán muốn có một công việc sôi động, thử thách hơn.
Cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt, ngày qua ngày, chẳng có gì mới mẻ. Đây là tâm lý chung của những người làm những công việc có tính lặp đi lặp lại nhàm chán như công nhân ở các khu công nghiệp.
Khi bạn cảm thấy mệt mỏi do công việc quá cẳng thẳng và muốn có một công việc nhẹ nhàng hơn.
Khi bạn nhìn lại quá khứ và thấy rằng mình chưa làm được điều gì lớn lao trong khi tuổi trẻ đã bay vụt qua. Chưa lập gia đình, chưa có một công việc ổn định, chưa có nhà cửa và bạn chẳng thấy mình có cơ hội nào để thực hiện trong tương lai.
Khi bạn cố gắng hết sức mình nhưng vẫn cứ không đạt được điều mình mong muốn.
Khị bạn là người tàn tật, không thể làm gì để kiếm được tiền nuôi bản thân mình và giúp đỡ những người thân vốn đang ngày càng già yếu đi.
Khi bạn mắc một thứ nghiện nào đó mà bạn không thể thoát ra được, lúc nào bạn cũng hứa với lòng mình đây là lần cuối để rồi lại tự xỉ vả mình sao không đủ mạnh mẽ.
Khi bạn tức giận với những người đáng nhẽ họ phải hành sử như những gì bạn mong muốn.
Tình hình chính trị rối ren, kinh tế thì xuống dốc, môi trường thì ngày càng ô nhiễm, khí hậu thì ngày càng khắc nghiệt …
“Mất phương hướng” cũng là một vấn đề mà theo Quy trình giải quyết vấn đề thì bạn phải xác định được nguyên nhân gây ra vấn đề này. Mỗi nguyên nhân sẽ có các giải pháp tương ứng.
Chúng ta phải làm gì?
1. Hiểu rằng mọi khó khăn rồi sẽ qua
Bạn biết tại sao các tôn giáo ngày càng phát triển cho dù khoa học có tiến bộ tới đâu không? Lý do đơn giản là tôn giáo là nơi để cho con người bám víu vào, để họ có niềm tin vào mục đích sống của mình, để họ thấy những khó khăn trở ngại trên đường đời chỉ là những thử thách của đấng tối cao, để họ cảm thấy mình thuộc về một nơi nào đó.
Tôi tin rằng những người theo đạo sẽ ít gặp vấn đề về mặt này hơn những người khác, nhưng tôi không cổ vũ bạn theo đạo mà chúng ta chỉ nên học hỏi những triết lý tôn giáo là được.
Trong entry về Triết học phật giáo tôi có trình bày các khái niệm quan trọng liên quan tới cuộc sống. Bạn sẽ thấy rằng cuộc sống là vô thường và vì vậy trạng thái bạn đang rơi vào chỉ diễn ra trong một giai đoạn ngắn.
Trước đây khi tôi làm nhà nước với mức lương không đủ trả tiền thuê nhà tôi cũng mất phương hướng nghề nghiệp. Nhưng ngay lúc đó tôi cũng đã nghĩ rằng hãy tận hưởng môi trường làm việc không áp lực nhưng cũng rất nhiều cái để học này. Một ngày nào đó tôi sẽ làm một công việc khác, công việc đó chắc chắn sẽ rất vất vả vì vậy hãy cứ hưởng thụ và học. Nếu lúc đó tôi luôn ở trong trạng thái lo lắng thì chắc chắn cuộc sống và công việc của tôi sẽ chẳng ra gì.
Khi ta cảm nhận được điều này chúng ta sẽ có cái tâm bình an hơn. Nhờ vậy suy nghĩ của chúng ta sẽ sáng suốt hơn và ta sẽ không bỏ lỡ thưởng thức những hương vị cuộc sống xung quanh.
Trong quyển “Từ tốt tới vĩ đại” có trình bày về nguyên lý Stockdale. Giống như con người, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những khó khăn để tồn tại và phát triển. Nguyên lý Stockdale phát biểu rằng ” Mọi khó khăn rồi sẽ qua, bạn hãy đối mặt với nó”. Nguyên lý này giúp cho bạn thưởng thức cuộc sống ngay cả những lúc khó khăn nhờ vậy bạn sẽ vượt qua khó khăn với ít mất mát nhất.
Bạn chỉ cần tin rằng một ngày nào đó khó khăn sẽ qua chứ đừng đặt ra một mốc thời gian cụ thể. Có hai người tù, cả hai đều có niềm tin một ngày nào đó sẽ được ra khỏi tù nhưng cách nghĩ của hai người khác nhau. Một người thì chỉ tin rằng một lúc nào đó sẽ được ra và anh ta thoải mái sống trong tù, một người thì đặt ra mốc thời gian là năm sau mình sẽ được ra và mong chờ ngày đó tới nhanh, khi ngày đó tới mà anh ta vẫn không được ra anh ta lại tiếp tục đặt ra mục tiêu là năm sau nữa. Dần dần người thứ hai mất dần niềm tin và gục ngã trong khi người thứ nhất vẫn còn nguyên niềm tin.
2. Đừng quá tham vọng
Bạn có thấy là cuộc sống càng hiện đại thì để thỏa mãn nhu cầu càng phức tạp hơn không? Hồi xưa làm gì có ô tô, xe máy, điện thoại, …quanh ta cũng toàn người như ta nên ta chẳng có nhu cầu phải sở hữu một cái gì đó thì mới thấy cuộc sống hạnh phúc. Những nhu cầu mà ngày nay vô cùng khó thực hiện như có một môi trường sống nhiều cây xanh, có mảnh vườn trước mặt thì hồi đó phải trả giá rất rẻ, thậm chí miễn phí.
Ta cứ trong vòng luẩn quẩn, kiếm tiền để mua những vật chất bên ngoài với mục đích nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ nhưng vì mải kiếm tiền nên cũng chẳng có thời gian để thưởng thức những vật chất đó. Càng hướng ra bên ngoài với mong muốn phải có nó thì mới thấy vui thì càng dễ mất phương hướng.
Mỗi một ham muốn là một mục tiêu, khi không tìm được con đường đi tới mục tiêu ta trở nên mất phương hướng. Ham muốn của bạn càng đơn giản trong thực hiện thì bạn càng thấy thoải mái và ngày càng trở nên tự tin khi liên tiếp đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Tất nhiên bạn không thể không có các mục tiêu đầy tham vọng nhưng mục tiêu khi bạn lập ra phải khả thi, phải từng bước vừa đủ để thực hiện. Bạn có thể đặt mục tiêu 10 năm, 5 năm, 2 năm, 1 năm, 6 tháng,….điều quan trọng nhất là nó phải rõ ràng và khả thi.
Bạn có nhận thấy là khi bạn sống giữa những người thành công bạn sẽ càng dễ mất phương hướng không? vì đơn giản là bạn mong ước những thành quả mà người khác đang có nhưng lại không biết cách thực hiện và bạn mất phương hướng.
Vì vậy có những lúc bạn phải tìm về nơi yên tĩnh, sống giữa những người bình thường, đọc các mảnh đời còn khổ cực hơn bạn đang có,…Bạn sẽ cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn rất nhiều khi từ bỏ các ham muốn.
Bây giờ mỗi khi bạn phải ngồi một mình cho dù với mục đích là chờ ai đó hay để thưởng thức một cái gì đó thì theo thói quen bạn sẽ cầm trên tay cái điện thoại. Hồi xưa khi chưa có điện thoại thông minh người ta có thể đọc sách hoặc là ngồi ngẫm nghĩ về sự đời, việc nhắn tin với cái Nokia đen trắng cũng rất thú vị.
Ngày nay ta không có nhiều thời gian trong việc hướng vào bên trong vì vậy ta rất ít hiểu về chính ta, về cái ta thực sự muốn, thực sự ham thích,..Cuộc sống như dòng nước cứ thế cuốn ta đi, rồi bỗng một lúc ta bị rơi vào một vòng xoáy, ta nhanh chóng cảm thấy hoang mang là mình đang ở đâu? mình sẽ đi đâu? rồi thì ta trôi qua chỗ vòng xoáy và lại tiếp tục trôi theo dòng nước. Ta lại quay lại với trạng thái ban đầu và tiếp tục lặp lại ở vòng xoáy tiếp theo.
“Khoảng lặng” giờ đây là nỗi sợ của nhiều người. Bạn thử nhìn lại lần cuối cùng bạn ngồi và không làm gì cả, chỉ chiêm nghiệm về cuộc sống này.
3. Thoát khỏi môi trường làm bạn mất phương hướng
Khi chúng ta mất phương hướng chúng ta có xu hướng tìm tới một nơi yên tĩnh để tự mình suy nghĩ. Các dòng suy nghĩ cứ miên man hết dòng này tới dòng khác nhưng chỉ khiến bạn mất phương hướng hơn.
Điều chúng ta cần làm khi mất phương hướng là phải làm khác đi cái chúng ta quen làm. Hãy đi gặp bạn bè, hãy học một khóa học, hãy đọc một cuốn sách, chơi một môn thể thao bạn yêu thích, tham gia một câu lạc bộ, đi làm từ thiện,…Khi buông lỏng chúng ta sẽ đạt được cái mình muốn.
Khi mất phương hướng chúng ta cũng có thói quen tìm kiếm những người cũng mất phương hướng như ta. Điều này không sai nhưng không nên lạm dụng. Khi ở bên những người cùng hoản cảnh ta sẽ cảm thấy đồng cảm nhưng vấn đề sẽ vẫn còn đó, những người cùng hoàn cảnh với ta sẽ không thể giúp ta thoát khỏi tình trạng này.
4. Có thể ngày mai bạn sẽ chết
Chết là hết, là nỗi sợ lớn nhất, chẳng có gì đáng sợ hơn chết. Trong khi bạn đang lo lắng về việc không kiếm được một công việc tốt, không có người yêu, cuộc sống vô vị nhàm chán thì bạn đã bỏ quên một điều rằng chưa chắc bạn đã sống được hết ngày mai.
Mỗi ngày có hàng trăm vụ tai nạn giao thông, một trong những clip mà tôi vô cùng ấn tượng đó là cảnh hai mẹ con đi qua đường; đứa con tung tăng kéo mẹ đi. Một chiếc ô tô con đi tới dừng lại nhường đường nhưng nó lại che khuất tầm nhìn của người mẹ với chiếc xe buýt đang phóng nhanh lên. Chiếc xe đâm vào đứa con bắn ra tới chục mét. Khi xem cảnh này, nếu ở địa vị người mẹ tôi sẽ sẵn sàng đánh đổi mọi thứ mình có bao gồm cả mạng sống để điều đó không xảy ra.
Chỉ một giây thôi, cuộc sống của người mẹ đã chuyển từ thiên đường xuống địa ngục; mà cũng có thể người mẹ sẽ mong ước có lại được cuộc sống mà trước đó bà cho rằng vô vị.
Thật kỳ cục là có người chán cuộc sống tới mức muốn tự tử. Bao nhiêu công cha mẹ nuôi họ thành hình người; có hàng triệu người còn thảm cảnh hơn họ vẫn cứ hiên ngang sống. Thế mà chỉ vì thấy cuộc sống vô vị mất phương hướng mà nghĩ tới tự tử.
Một phương thức rất đơn giản có thể khiến bạn thấy rằng mình vẫn còn hơn rất nhiều đó là vào thăm quan bệnh viện. Hãy tự nhiên vào như là một người nhà bệnh nhân, ngồi tại phòng khám, lân la phòng bệnh,… Nếu như chọn mấy khoa ung bướu thì lý tưởng nhất; bạn sẽ thấy mình quả là may mắn.
Nếu bạn đang ở độ tuổi dưới 30 thì bạn nên biết rằng sau tuổi 40 là lúc bố mẹ bạn và chính bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều bệnh tật. Bạn sẽ không có nhiều thời gian để còn cảm thấy cuộc sống quá bình lặng nữa. Hoặc nếu không có sự chuẩn bị kỹ đặc biệt là về tài chính thì bạn sẽ thấy rất bế tắc.
Bạn hãy ghi nhớ câu này “Có nhiều người chỉ đơn giản muốn những cái mà bạn cho rằng đương nhiên bạn phải có.”
5. Tìm tới những người có thể tư vấn
Việc bạn đang gặp phải có thể là việc mà những người khác đã trải qua. Một cái nhìn khách quan bên ngoài sẽ cho bạn tiếng nói khách quan. Người đầu tiên bạn có thể xin tư vấn chính là bố mẹ của bạn. Họ có tình yêu thương đối với bạn và họ có sự trải nghiệm cuộc sống hơn bạn ít nhất 20 năm. Bố mẹ của lứa tuổi 9X và 10X bây giờ hầu hết đều có tri thức đủ để hướng dẫn bạn.
Tuy nhiên thông thường thì ta luôn có xu hướng muốn giấu đi những khó khăn mà ta gặp phải. Vẻ bên ngoài của chúng ta vẫn rất tốt nhưng bên trong ẩn chứa nhiều vấn đề. Ta có thể lựa chọn phương án đọc về các cuộc đời tự thuật của các danh nhân, nhà chính trị để xem có thể học hỏi được gì không. Những bài viết kiểu này có rất nhiều, cả sách in lẫn trên mạng.
6. Dự phòng trước một ngày nào đó bạn sẽ mất phương hướng
Tất cả các vấn đề về nghề nghiệp, cuộc sống thực ra đều có thể dự đoán trước. Việc bạn cần làm là đừng để cho nó xảy ra. Tại sao bạn không tìm hiểu về nghề nghiệp yêu thích ngay trong 5 năm học đại học? mà phải tới khi ra trường mới bắt đầu quan tâm tới thị trường việc làm.
Bạn có thể làm cuộc sống trở nên thú vị hơn nếu tìm cho mình các thú vui lành mạnh, đặc biệt là các thú vui bạn có thể thực hiện dễ dàng như đọc truyện, nghe nhạc, chạy bộ, thiền,… Nếu bạn làm cho mình bận rộn bạn sẽ không có thời gian để mà thấy nó nhàm chán.
Nếu bạn muốn có thu nhập cao thì không có cách nào khác là phải nâng cao năng lực của chính mình. Học hỏi liên tục, tận dụng từng phút giây sẽ giúp bạn có những bước tiến vững chắc trong sự nghiệp.
Rất nhiều các vấn đề của chúng ta đang gặp liên quan tới Tiền. Nếu như thu nhập của bạn phụ thuộc vào sức khỏe thì đồ thị thu nhập của cuộc đời ta là một hình sin có đỉnh ở đầu đó vào năm cuối 30 tuổi. Nếu thu nhập của bạn phụ thuộc vào tri thức thì đồ thị thông thường vẫn cứ hình sin nhưng đỉnh thu nhập vào khoảng gần 40 nhưng đỉnh sẽ cao hơn so với thu nhập phụ thuộc vào sức khỏe.
Thông thường chúng ta có xu hướng thu nhập bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu nên khi đồ thị thu nhập tới đỉnh thì chi phí của ta cũng sát con số đó mà không có tích lũy. Thế là khi hình sin đi xuống thì ta bắt đầu gặp các vấn đề về tiền bạc. Tiền bạc liên đới trực tiếp tới công việc, cuộc sống gia đình,…-> bạn phải có tích lũy nếu muốn tránh vấn đề trong tương lai.
7. Dành cho những ai sắp ra trường hay thất nghiệp
Công việc dù sao cũng chiếm 1/3 cuộc đời bạn vì vậy cảm nhận của bạn về công việc sẽ quyết định rất nhiều tới chất lượng sống của bạn.
Tìm được công việc mà mình yêu thích tất nhiên là tuyệt vời rồi. Ví dụ như anh nghiện game thì thích làm test game; anh thích bơi lội thích làm huấn luyện viên bơi lội, anh thích vẽ tranh muốn vẽ tranh bán được tiền, anh thích hát thì làm ca sỹ, anh thích đi du lịch muốn làm hướng dẫn viên, ….
Nhưng nói chung giữa làm chơi và làm ăn tiền là cả một khoảng cách lớn. Nhiều khả năng chỉ một thời gian bạn sẽ chán công việc mà trước đó bạn cho rằng mình yêu thích.
Phương án an toàn không phải là chọn việc mình thích mà chọn việc mình có thể làm giỏi nhất. Làm giỏi sẽ dẫn tới thích còn thích chưa chắc đã dẫn tới làm giỏi. Muốn biết mình giỏi cái gì thì tự vấn lại trong quá khứ khi làm một việc gì mà bạn thấy quên đi thời gian, cảm thấy tự tin, bạn tự cảm thấy mình đã làm tốt hơn những người khác.
Cái giỏi một nghề nào đó phụ thuộc vào 1. Tố chất khi sinh ra; 2. Học hỏi ở nhà trường 3. Môi trường sống và 4.Tự học.
Có những yếu tố nằm ngoài khả năng can thiệp của bạn như 1 và 3 nhưng có những yếu tố bạn có thể tự chủ được đó là 2 và 4, đặc biệt là 4. Nếu bạn chuyên tâm nghiên cứu một nghề nào đó một cách chăm chỉ thì bạn sẽ giỏi còn nếu bạn không có khả năng tự học thì đành phải phụ thuộc vào 3 yếu tố đầu.
Ở cái xã hội này nếu bạn giỏi bất cứ cái gì cho dù có là kỳ cục nhất thì cũng đều có thể kiếm ra tiền cả. Cái làm đòn bẩy mà ai cũng phải học đó là Quản trị kinh doanh, quản trị kinh doanh sẽ giúp biến các thế mạnh của bạn thành tiền. Chính do vậy mà khi bạn mất phương hướng không biết nên học gì thì tốt nhất nên chọn môn học này.
Tuy nhiên nhiều khi ta vấp ngay phải rào cản đầu tiên là xin vào một vị trí mà mình có thể làm giỏi, đại loại chưa có cơ hội chứng minh rằng mình giỏi. Rất nhiều than thở đều xuất phát từ việc không kiếm được việc làm cho dù có là việc không phải mình yêu thích.
Đúng là hiện nay tổng cầu đang giảm sút khiến cho cầu lao động giảm. Cầu giảm thì đương nhiên kiếm việc sẽ khó khăn rồi. Đó cũng là thiệt thòi cho những người đang có nhu cầu tìm việc ở giai đoạn này.
Lời khuyên khi gặp tình huống này là phải kiếm cho mình một việc bất kỳ mà công việc đó có cơ hội tiếp xúc với công việc mình ao ước càng gần càng tốt. Ví dụ như nếu ham thích kinh doanh nhưng phỏng vấn mãi không được thì cứ xin vào làm nhân viên kỹ thuật hay nhân viên hành chính.
Trong trường hợp bạn đã có công việc nhưng lại bế tắc trong việc thăng tiến để có chức vụ và thu nhập cao hơn
Các công ty có những môi trường làm việc rất khác nhau vì vậy việc bạn vào làm ở một công ty mà thuận lợi cho việc thăng tiến thì là điều may mắn của bạn. Công ty càng to thì việc thăng tiến sẽ chỉ dành cho những người rất giỏi, công ty càng nhỏ thì cơ hội thăng tiến của bạn sẽ thuận lợi hơn.
Nếu như bạn không thăng tiến được ở công ty bạn đang làm thì đừng vội nghĩ tới việc nhảy việc, cần phải tìm hiểu nguyên nhân cụ thể của việc không thăng tiến là gì:
1. Nếu như nguyên nhân xuất phát từ năng lực của bản thân bạn thì việc nhảy sang công ty tương đương hoặc to hơn sẽ không giải quyết được vấn đề. Biện pháp là nhảy sang công ty nhỏ hơn hoặc nỗ lực ở chính công ty hiện tại.
2. Nếu như nguyên nhân xuất phát từ chủ quan người lãnh đạo không nhìn nhận được hết năng lực của bạn thì nếu như bạn đã check đi check lại đảm bảo đúng vì lý do này thì đúng là nên chuyển sang công ty khác.
3. Nếu như nguyên nhân xuất phát từ quy mô công ty quá nhỏ, không có chỗ cho bạn thăng tiến cao hơn thì đừng vội nhảy sang công ty khác ngay. Bạn phải đánh giá đúng thực lực của bạn, nhiều người quá đề cao mình đến khi sang công ty khác lại bị tụt lùi về đường sự nghiệp. Sau khi đánh giá đúng yêu cầu đòi hỏi của công ty bạn sẽ sang, lúc đó hẵng sang; chú ý là đừng dại thấy họ lôi kéo mà nhảy sang, ăn thua nhau vẫn là công việc thực tế bạn làm sau này ra sao.
4. Nếu như nguyên nhân xuất phát từ công ty quá lớn, đòi hỏi các vị trí quá cao khiến bạn không thể với tới và bạn cũng không thể học hỏi gì thêm thì nên chuyển việc. Các công ty lớn thường có những quy trình rõ ràng thích hợp cho việc học hỏi theo chiều sâu mà không thích hợp học hỏi về chiều rộng. Ăn thua nhau là thu nhập của bạn bao nhiêu và trong bao lâu vì vậy đừng quan trọng hóa việc công ty to hay công ty nhỏ.
5. Nếu công việc khiến bạn nhàm chán thì nên chuyển nếu như bạn không ngại thử thách với cái mới. Hoặc bạn có thể tìm hiểu các vị trí khác trong chính công ty bạn đang làm vì việc chuyển sang công ty khác thường bạn sẽ làm đúng vị trí bạn đang làm, và làm một thời gian bạn lại sẽ thấy nhàm chán.
Trong công ty nào cũng có 4 cấp độ chính là Quản lý cấp cao, quản lý cấp trung, nhân viên key và nhân viên bình thường. Bạn tự xác định bạn xứng đáng với vị trí nào thông qua đánh giá như sau:
Nhân viên thường: trình độ bạn ở nhân viên thường và bạn xứng đáng tiếp tục làm nhân viên nếu như bạn có một số đặc điểm sau:
- Mong hết giờ làm để còn về.
- Chỉ cố gắng làm cho xong công việc mà mình được giao. Không quan tâm tới người khác đang làm gì và làm như thế nào.
- Không đọc một quyển sách nào hay tham gia bất cứ khóa học nào trong vòng 6 tháng trở lại đây.
- Làm một cách làm cũ với những công việc giống nhau, không bao giờ nghĩ tới cách làm khác.
- Phải có người nhắc mới làm.
Đừng nhầm giữa bận rộn với hiệu quả. Bạn có thể rất bận rộn nhưng nguyên nhân do năng suất lao động thấp chứ không phải bạn làm nhiều mà không ai đánh giá.
Nhân viên key: Bạn là nhân viên có tiềm năng trở thành quản lý cấp trung khi bạn có các dấu hiệu sau:
- Làm tốt công việc được giao. Khi gặp khó khăn tự tìm ra phương án giải quyết.
- Đặt kết quả công việc lên trên hết; sẵn sàng làm công việc của người khác nếu như thấy có dấu hiệu kết quả không đạt.
- Cố gắng làm nhanh hơn, chất lượng hơn ở các công việc lặp đi lặp lại.
- Ít nhất 2 tháng đọc một cuốn sách liên quan tới chuyên môn công việc.
- Sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình ngay cả khi mình không hoàn toàn là nguyên nhân.
- Giỏi chuyên môn nhất trong phòng.
Quản lý cấp trung: bạn xứng đáng ở trên đe dưới búa nếu bạn có một số dấu hiệu sau:
- Biết rõ công việc của phòng mình bao gồm những gì và phải làm như thế nào.
- Am hiểu đặc điểm mạnh yếu của từng nhân viên.
- Hiểu rõ chiến lược công ty (nếu có).
- Là chuyên gia ở lĩnh vực được phân công.
- Luôn giữ trạng thái trầm ổn cho dù có bất cứ rủi ro nào xảy ra. Điều này thể hiện khả năng làm chủ vấn đề của người quản lý. Một người quản lý lúc nào cũng cuống lên là do anh ta không làm chủ được vấn đề.
- Luôn suy nghĩ làm sao sắp xếp, tổ chức nhân sự để công việc được tiến hành hiệu quả nhất.
- Nhận trách nhiệm cho tất cả vấn đề xảy ra trong phòng mình.
Quản lý cấp cao: bạn là quản lý cấp cao có khả năng lèo lái con tàu tới đích nếu có một số đặc điểm chính sau:
- Biết rõ công ty sẽ đi về đâu và đi như thế nào.
- Khả năng dẫn dắt quản lý cấp trung để thực hiện tốt công việc ngay cả khi mình không biết công việc đó phải làm thế nào.
- Định hướng thỏa mãn khách hàng mạnh.
- Trạng thái tinh thần bình tĩnh, làm chủ được cảm xúc.
- Quản lý thời gian cực tốt.
- Tư duy hạch toán, hiểu rõ thế nào là hiệu quả.
- Am hiểu ngành hàng mình đang kinh doanh
Nếu bạn tự thấy mình xứng đáng ở một cấp bậc cao hơn mà mãi không được cất nhắc thì chắc chắn là có một nguyên nhân nào đó đòi hỏi bạn phải tìm cho ra. Nếu bạn từ bỏ việc tìm kiếm nguyên nhân thì bạn sẽ gặp lại tình huống đó ở một công ty khác.
Cảm xúc của chúng ta luôn biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác tùy thuộc vào môi trường và suy nghĩ của ta. Lúc bạn có thể rất buồn lúc bạn có thể rất hào hứng, lúc bạn có thể cảm thấy chán đời mất phương hướng lúc bạn có thể nhìn rõ cái mình mong muốn và con đường đi.
Viết nhật ký ghi lại các cảm nhận hàng ngày là việc rất nên làm. Nó giúp chúng ta năm việc:
1. Nhìn thấy được tính chu kỳ của cảm xúc
Chu kỳ cảm xúc lặp lại theo ngày, theo tuần, theo tháng, theo năm. Một phần nguyên nhân do hoàn cảnh bên ngoài thay đổi cũng có tính chu kỳ, một phần vì đó đã thành thói quen của chúng ta có tính lặp đi lặp lại.
2. Nhìn thấy cách xử lý của của chúng ta ở mỗi trạng thái cảm xúc.
Khi nhìn về một cảm xúc tiêu cực trong quá khứ bạn sẽ quan sát được chính bạn với tâm thế của người ngoài cuộc. Bạn thấy rằng bạn đã vượt qua những cảm xúc đó bằng cách có khi là chẳng làm gì cả.
3. Nhìn thấy tính vô thường của cuộc sống
Nếu bạn là người có thói quen viết nhật ký thì giờ đây có thể bạn đang xem lại những dòng cảm xúc của mình cách đây cả chục năm. Bạn sẽ thấy sao lúc đó bạn lại có những cảm xúc hết sức buồn cười như vậy. Và dám chắc chục năm nữa khi nhìn lại những dòng cảm xúc hiện thời bạn sẽ thấy vấn đề bạn gặp thật sự đơn giản.
4. Tính “khổ” của triết lý phật giáo
Bạn sẽ thấy những kỳ nghỉ trôi qua bao gồm nghỉ tết, đi chơi xa,…cũng đã là quá khứ. Bạn sẽ hình dung lại cảm xúc lúc đó với đôi chút tiếc nuối.
Đa phần khi trong lòng ta có nhiều suy nghĩ ta mới viết nhật ký vì vậy mà đa phần các sự kiện trong đó là những sự kiện buồn, nhưng là những sự kiện đã qua.
5. Học hỏi những sai lầm đã qua
Cuộc sống ai chẳng có những lúc suy nghĩ hành động nông nổi bồng bột, ta chẳng phải ngoại lệ. Vấn đề chính yếu là ta biết rằng ta đã sai, biết được chuỗi suy nghĩ và hành động dẫn ta tới cái sai đó.
Nhiều chính trị gia, các doanh nhân cuối đời viết hồi ký cũng là để nhìn lại mình.
Bạn có thể dùng nhật ký dạng truyền thống nhưng tốt nhất thì nên viết nhật ký trực tuyến vì nó sẽ giúp bạn tra cứu và viết bất cứ lúc nào. WordPress là một lựa chọn tốt vì nó lựa chọn quyền truy cập để chỉ có mình bạn có thể sử dụng.
Phải làm gì khi ta cảm thấy bất lực trước cuộc sống (Đọc tham khảo thêm)
Đôi khi trong cuộc sống ta gặp những sự kiện tưởng như không thể vượt qua được. Những sự kiện ta tưởng rằng chỉ có trên báo, trong các bộ phim hay các cuốn tiểu thuyết. Trong những sự kiện này có những sự kiện không thể dự báo và cũng có những sự kiện có thể dự báo nhưng ta không nghĩ rằng nó có thể xảy ra cho chính ta.
Sự lạc lõng
Con người ta từ khi sinh ra, lớn lên, trưởng thành, già cỗi và chết đi; mỗi giai đoạn đều tương ứng với những trạng thái cảm xúc khác nhau và đòi hỏi theo chuẩn mực xã hội khác nhau.
- Bằng tuổi này các bạn tôi đã có một gia đình êm ấm.
- Bằng tuổi này các bạn của tôi đã thành đạt trong sự nghiệp.
- Bằng tuổi này mà tôi chưa có công việc ổn định.
- Tôi đã chuyển qua nhiều công việc từ khi ra trường nhưng không có việc nào tôi thích và tôi giỏi. Vì vậy, đến giờ tôi cũng không có kinh nghiệm gì chuyên sâu.
- 40 tuổi và công ty phá sản, tôi hiện không có công việc gì.
- Dường như tôi đã lãng phí cuộc sống này.
- Tôi có cả một gia đình đằng sau, tôi rất lo lắng nếu tôi gặp bất cứ vấn đề gì.
…….
Những suy nghĩ này ai trong đời cũng sẽ phải đối mặt. Câu hỏi lớn câu hỏi nhỏ, rất nhiều các câu hỏi. Không ai trong chúng ta là hoàn mỹ, mạnh tất cả mọi mặt, có tất cả mọi thứ. Cuộc sống rất công bằng, anh có cái này hơn người khác thì cái khác anh phải yếu hơn người khác.
Do vậy mọi so sánh đều là khập khiễng. Bạn sẽ lấy chuẩn mực gì để so sánh với chính mình? bất cứ ai bạn chọn, bao gồm có là Bin Gate đi chăng nữa thì nếu liệt kê tất cả mọi thứ ra mà so sánh thì cũng khó mà biết ai hơn ai. Bạn hay so sánh những tiêu chí mà bạn cho rằng quan trọng, nhưng người khác nhau thì những điều quan trọng cũng khác nhau.
Giả sử bạn trở nên giàu có sau một thời gian gian dài miệt mài phấn đấu. Trong quãng thời gian này bạn nhìn những người chẳng có ý chí phấn đấu với dấu hỏi to . Tới một lúc nào đó khi đã đủ già, bạn nhận ra hình như mình đã không bằng họ, dường như họ mới thực sự đang sống, còn bạn thì hình như đã không coi trọng đúng cái cần coi trọng.
Những điều xã hội nói, những lời khuyên của người bạn, những gì cha ông truyền lại, những gì bố mẹ bạn nói, kinh nghiệm sống bạn đã trải qua,… Mọi thứ đều chỉ là những chủ quan của các góc nhìn khác nhau. Chừng nào bạn còn cảm thấy hài lòng với cuộc sống thì đó là bạn đang sống đúng.
Thời gian là hữu hạn, cân bằng giữa ba lĩnh vực : 1. Công việc, 2. Gia Đình, 3. Cá nhân. Làm sao cho 3 thứ đó hài hòa với nhau, bạn không cảm thấy mình phải hy sinh bất cứ lĩnh vực nào để làm tốt lĩnh vực nào. Đừng nghĩ tôi cố gắng vất vả làm việc để lo cho gia đình hay tôi phải lo cho gia đình nên không có khoảng trời riêng. Những thứ đến với bạn, bạn cho là trách nhiệm cũng đúng mà cho đó là phần thưởng cũng chẳng sai. Chỉ là cách nghĩ mà thôi.
Riêng về khái niệm “thành đạt trong công việc”, tôi nghĩ ai trong chúng ta chẳng muốn có địa vị, có nhiều tiền. Thật không may là cuộc sống có vẻ cũng không thực sự công bằng lắm trong lĩnh vực này. “Thành đạt trong công việc” phải hội tụ quá nhiều yếu tố. Hồi xưa vác cần câu ra sông, vác nỏ lên rừng là có cái ăn. Ngày nay thứ gì cũng phải mua, theo đuổi sự thỏa mãn dường như không có điểm dừng.
Nếu như ta thấy rằng ta không có duyên lắm với công việc thì hãy ưu ái cho 2 lĩnh vực còn lại. Chịu khó kìm nén những ham muốn mua sắm xuống, hãy nghĩ rằng người có nhà to mong có nhà to hơn; người có xe đẹp mong có xe đẹp hơn; người có điện thoại xịn mong có điện thoại xịn hơn. Bạn chỉ cần cố gắng hài lòng với cái bạn đang có là đủ.
Làm gì khi gặp nghịch cảnh (29/11/2014)
Dân số Việt Nam có khoảng 80 triệu người, mỗi ngày có khoảng 3000 người chết đi và cũng có khoảng hơn 3000 người sinh ra. Trong 3000 người chết đi đó số lượng không phải chết già không nhỏ. Mỗi ngày cũng có khoảng 1000 các vụ tai nạn khác nhau để lại thương tích vĩnh viễn.
Xác suất trên tổng 80 triệu người rất nhỏ vì vậy cuộc sống đa số là trôi qua êm đềm. Nhưng cuộc sống khó ai biết trước, một nghịch cảnh nào đó có thể xảy ra với bạn. Với vai trò là người trong cuộc tôi nghĩ có mấy ý sau:
Tâm lý của người gặp nghịch cảnh:
- Khi đã vượt qua giai đoạn đổ lỗi, tới giai đoạn chấp nhận thì người đó vẫn có gì đó không cam tâm. Tại sao điều đó lại xảy ra với tôi. Giá điều đó không xảy ra thì cuộc sống của tôi chắc sẽ tuyệt vời.
- Tâm lý muốn được người khác thương xót: Hãy nhìn tôi này, tôi có đáng thương không, hãy an ủi tôi, giúp đỡ tôi.
- Tâm lý phó mặc, buông xuôi: người đó giữ tâm trạng buồn bã cả ngày, không thiết bất cứ thứ gì chủ yếu là ngủ và ngồi im lặng.
- Tâm lý tìm tới chỗ dựa phật giáo: Đạo phật sẽ lý giải theo cái cách mà người đó cảm thấy an ủi. Nghịch cảnh xảy ra giúp người đó trả một món nợ trong quá khứ, hãy chịu khó cúng vái thành tâm mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp.
- Tâm lý xa lánh mọi người: Nếu nghịch cảnh cướp đi một thế mạnh nào đó mà mọi người đều công nhận trước đó thì chắc chắn 100% họ sẽ không muốn gặp bạn bè nữa, trừ những người bạn vô cùng thân thiết, thực sự hiểu họ.
Tâm lý sẽ dẫn tới hành động : Co cụm, xa lánh mọi người, không thiết làm gì, ủ rũ buồn bã. Khi gặp nghịch cảnh, người đó có xu hướng suy nghĩ cực đoan mà ít nhìn trên nhiều mặt.
Có một trường hợp thực tế như thế này:
Hai vợ chồng mới cưới nhau được khoảng 1 năm. Trong một lần hai vợ chồng đi xe máy trên đường, do sự bất cẩn của người chồng nên xe bị đổ. Người vợ bị chấn thương dẫn tới liệt toàn thân.
Thời điểm ban đầu tâm lý người chồng là hối lỗi và anh ta chăm sóc người vợ tận tình. Người vợ lúc đó rơi vào trạng thái của một người gặp nghịch cảnh. Người chồng khi chăm sóc người vợ, mong chờ sự biết ơn của người vợ nhưng không có dấu hiệu nào từ người vợ chứng tỏ điều đó.
Thời gian qua đi, cảm giác tội lỗi phai nhạt dần đã không thắng được sự vất vả về cả tinh thần lẫn vật chất khi chăm sóc người vợ. Người chồng bỏ đi.
Nếu là người ngoài chúng ta chỉ nhìn thấy việc người chồng nhẫn tâm bỏ rơi vợ trong lúc khó khăn. Nhưng lỗi ở đây một phần phải tính tới cho người vợ. Người vợ suy nghĩ rằng người chồng phải chăm sóc mình vì vậy không quan tâm tới tâm lý của người chồng.
Bạn là người gặp nghịch cảnh hay là người thân của người gặp nghịch cảnh thì phải hiểu rõ diễn biến tâm lý của cả hai đối tượng này:
4 giai đoạn tâm lý của người gặp nghịch cảnh:
- Sốc: Khi mới xảy ra thường không hiểu hết hậu quả trong khi còn nhiều thứ khác phải quan tâm như mạng sống và đau đớn. Đầu óc lúc này thường trống rỗng.
- Không chấp nhận nghịch cảnh: hoảng loạn, hối tiếc, giá như, buồn bã, khóc lóc, im lặng, đập phá.
- Chấp nhận nghịch cảnh: mọi thứ không thể thay đổi, phải đương đầu với hiện tại, bắt đầu nhìn xung quanh, nói nhiều hơn.
- Tìm giải pháp: phải làm thế nào để giảm bớt hậu quả của nghịch cảnh.
4 giai đoạn tâm lý của người thân:
- Sốc: tập trung vào cứu chữa miễn là sống, không để ý tới hậu quả khác.
- Không chấp nhận nghịch cảnh: Đổ lỗi cho người gặp nghịch cảnh, cho người gây ra nghịch cảnh. Giá như cô ta không làm thế này, không làm thế kia thì nghịch cảnh đã không xảy ra.
- Chấp nhận nghịch cảnh: đấu tranh tâm lý và đưa ra quyết định.
- Tìm giải pháp: làm sao để giảm bớt hậu quả.
Cả hai đối tượng cùng qua 4 bước nhưng 4 bước của người thân diễn ra nhanh hơn trong khi của người gặp nghịch cảnh diễn ra rất chậm. Khi người thân chuyển sang bước tìm giải pháp thì có khi người gặp nghịch cảnh vẫn đang ở bước 2. Điều này làm cho cả hai cùng mệt mỏi và chán nản.
Nhiệm vụ của người thân là phải nhận biết được các giai đoạn tất yếu phải diễn ra của người gặp nghịch cảnh để thông cảm giúp họ vượt qua nhanh thay vì oán trách. Nhiệm vụ của người gặp nghịch cảnh là phải suy nghĩ tới tâm lý của người thân để cố gắng vượt qua tới bước tìm giải pháp.
Khi gặp nghịch cảnh từ nhỏ tới lớn, chúng ta phải càng sớm chuyển sang giai đoạn tìm giải pháp càng tốt. Tìm giải pháp mới giải quyết được vấn đề; oán trách, đau đớn không giải quyết được gì cả.
Không cần bàn tới các chỉ số vĩ mô, chỉ cần nhìn xung quan thì chúng ta cũng thấy là để kiếm được việc làm ưng ý không phải đơn giản. Một phần đến từ sự dư thừa lao động, một phần đến từ số DN phá sản hàng năm.
Nhưng vấn đề là giữa cầu lao động và cung lao động cũng vẫn không khớp nhau. Ví dụ như công ty tôi, 5 năm qua luôn ở tình trạng thiếu hụt lao động do không tuyển dụng được. Tại sao lại có sự mâu thuẫn như vậy, chẳng nhẽ trong rất nhiều các ứng viên ngoài kia không ai có thể đáp ứng được yêu cầu?
Tôi nghĩ có mấy điểm sau phải suy nghĩ:
1. Ứng viên quá tự mãn hoặc quá tự ti
Tự mãn là việc ứng viên coi trọng một số yếu tố năng lực nào đó của mình là cao cấp và phải được trả tương xứng. Điều này không có gì sai cả nhưng những ứng viên này đa phần lại thiếu nền tảng trong khi mọi thứ phải bắt nguồn từ nền tảng.
Đòi hỏi quá cao trong khi không đủ năng lực đáp ứng nên công ty cũng không tuyển dụng được.
Muốn giải quyết điều này thì ứng viên phải hạ thấp sự tự tin của mình xuống để tìm hiểu thực sự thì cái gì mà tất cả các nhà tuyển dụng đang cần.
Quá tự ti thì ngược lại. Ứng viên có thể tìm được công việc cho mình nhưng thường dưới mức khả năng. Khi đó anh ta sẽ không gặp thử thách nào đáng kể vì vậy sẽ không học hỏi được gì nhiều trong quá trình làm việc. Tới một lúc không thể học hỏi gì được nữa thì cũng gặp khó khăn trong việc tìm việc tốt hơn.
Như vậy, ứng viên phải nghiêm túc hiểu rõ mình đang ở đâu; nhu cầu của các công ty như thế nào.
3. Tại sao ứng viên và nhà tuyển dụng không gặp được nhau?
Vì những thứ nhà tuyển dụng cho là quan trọng thì ứng viên không có. Ứng viên thường cho rằng những điểm A,B,C nào đó là quan trọng vì vậy cố gắng hướng vào để rèn luyện, để có được nó. Nhà tuyển dụng lại hướng vào tìm hiểu xem ứng viên có sở hữu yếu tố D,E,F nào đó hay không. Hai nhóm yếu tố này lệch nhau.
Cái A,B,C của ứng viên thường là hướng vào chuyên môn công việc cụ thể, có nghĩa là hướng vào kiến thức, kỹ năng. Các nhà tuyển dụng lại coi các yếu tố về thái độ là quan trọng. Kỹ năng, kiến thức có thiếu thì bổ sung dễ dàng, còn thái độ mà thiếu cho dù ít thì cũng không thể đào tạo được.
Một số thái độ quan trọng mà bạn phải rèn luyện để sở hữu nó:
- Thái độ học hỏi không ngừng:
- Không bao giờ khẳng định rằng mình là người giỏi, là người biết tất cả mọi thứ, có thể giải quyết mọi thứ, có thể làm mọi thứ,…..
- Ai cũng có thể dạy mình cho dù có là bà quét rác. Ở người đối diện luôn luôn có một cái gì đó để ta học, miễn là bạn mở lòng mình.
- Tự điều chỉnh mình để thích nghi.
- Kiên trì: Cho dù bạn có dốt nhưng nếu có đức tính kiên trì thì vẫn cứ hơn đứa thông minh mà không có đức tính này.
- Không ngại khó khăn: Khó khăn chỉ là khái niệm tương đối. Bạn vượt qua nó thì bạn sẽ học hỏi được nhiều thứ.
Về kỹ năng thì tôi cho là quan trọng nhất vẫn là kỹ năng tư duy logic. Rèn luyện cái này sẽ là chìa khóa để bạn mở ra những thứ khác.
Khi bạn kinh qua nhiều công việc thì nhà tuyển dụng sẽ xem xét tới kỹ năng mà bạn sở hữu. Các kiến thức mà bạn có rồi nó sẽ vô giá trị theo năm tháng, chỉ có kỹ năng là còn ở lại. Khi phỏng vấn đừng ham nói nhiều để thể hiện hiểu biết của mình, phải lắng nghe rõ họ hỏi gì và chỉ trả lời ngắn gọn đủ ý của họ.
2. Phải chấp nhận những thứ ngoài mong muốn, ngoài kế hoạch
Trong cuộc sống, công việc ta thường có một mong muốn nào đó. Ví dụ mong được ngủ muộn, được đi lang thang, được uống cafe, được tự do thời gian không bị bó buộc, được làm theo cách mà mình thích,….
Khi đã làm trong công ty thì ta phải tuân theo một quy củ của công ty, phải chịu sự quản lý của người quản lý. Có những thứ sẽ làm ta hài lòng cũng có những thứ không được như mong muốn của ta.
Bạn thậm chí rơi vào sự bất mãn, chán nản vì những thứ xảy ra không được như mong muốn.
Giải pháp ở đây là bạn phải chấp nhận những thứ đó. Phải điều chỉnh cảm xúc của mình, giữ sao cho bình lặng.
Giải quyết tận gốc của vấn đề 3/4/2015
Tất cả những thứ bạn nhận được ngày hôm nay đều gián tiếp hay trực tiếp bắt nguồn từ suy nghĩ và hành động của bạn trong quá khứ. Tìm cách giải quyết vấn để hiện tại là xử lý phần ngọn, lâu dài phải giải quyết gốc rễ của vấn đề.
Tất cả hành động bạn làm đều xuất phát từ suy nghĩ vì vậy thay đổi cách nghĩ chính là thay đổi tận gốc vấn đề. Người ta gọi đó là thay đổi Nhận thức.
1. Thay đổi nhận thức là gì?
Hầu hết các hoạt động chúng ta làm ngày hôm nay đều giống ngày hôm qua, không giống về nội dung thì cũng giống về bản chất.
Hầu hết các phản ứng của bạn khi tiếp nhận thông tin của ngày hôm nay cũng giống ngày hôm qua, cho dù nội dung tin khác nhau nhưng nó cùng tạo cho bạn những hướng suy nghĩ giống nhau.
Hầu hết những cảm xúc mà bạn đang có cũng giống với những cảm xúc của ngày hôm qua khi ở trong cùng một hoàn cảnh tương tự nhau.
Rồi bỗng nhiên vào một ngày đẹp trời, một sự kiện nào đó khiến bạn thay đổi hẳn cách bạn nghĩ, cách bạn hành động, cách bạn cảm xúc. Đó gọi là thay đổi nhận thức.
Thay đổi nhận thức bản chất là thay đổi cách nghĩ, thay đổi cái cách mà bạn suy nghĩ về những sự vật, hiện tượng khách quan bên ngoài.
2. Thay đổi nhận thức là tốt hay xấu?
Thay đổi cách nghĩ, cách hàng động, cách cảm xúc thì bạn sẽ nhận được những kết quả khác với cái bạn vẫn thường nhận. Nếu kết quả là tốt hơn thì thay đổi nhận thức là đúng; nếu kết quả là xấu đi thì thay đổi nhận thức là không đúng. Tất nhiên là tốt lên hay xấu đi phải có một quá trình đủ dài để đánh giá.
Vì vậy, thay đổi nhận thức không phải luôn đồng nghĩa với tích cực. Để chỉ rõ là theo hướng tích cực người ta thường dùng cụm từ “Nâng cao nhận thức”
3. Khi nào nên thay đổi nhận thức?
Khi bạn thấy kết quả bạn nhận được không được như kỳ vọng. Thậm chí ngay cả khi bạn không biết mình muốn gì, làm gì tiếp theo thì đó cũng là lúc bạn cần phải thay đổi một cái gì đó trong nhận thức.
4. Thay đổi nhận thức, dễ hay khó?
Nếu đơn giản là ai đó chỉ cho bạn là bạn nên bỏ một nhận thức nào đó và thay bằng một nhận thức nào đó thì vấn đề đơn giản quá. Công việc đầu tiên để làm bất cứ điều gì đó là nâng cao nhận thức, từ vĩ mô như xóa đói giảm nghèo, phòng chống AIDS tới những thứ tầm trung như tái cấu trúc công ty và cái bé tí tẹo là tuân thủ giờ giấc.
Chúng ta luôn cố gắng bảo vệ nhận thức của mình vì vậy để gỡ nó ra, cài cái khác vào thì đòi hỏi một “sự kiện”
5. Sao không thay đổi những thứ xung quanh mà lại thay đổi chính mình?
Để thay đổi kết quả nhận được hoặc là bạn thay đổi những thứ xung quanh hoặc là thay đổi chính mình. Hai việc này, việc nào dễ hơn? Thay đổi chính mình. Chắc bạn đã nghe câu “Đừng cố gắng thay đổi thế giới, hãy thay đổi mình, thế giới sẽ thay đổi theo”
6. Sự kiện giúp thay đổi nhận thức là gì?
- Một cú sốc:
Nếu bạn hàng ngày nhận được kết quả giống nhau có khi bạn thấy rằng mọi thứ đang rất tốt vì vậy không có lý gì bạn phải thay đổi. Bỗng một cú sốc nào đó xảy ra vượt xa những gì bạn có thể tưởng tượng kiểu như một vụ tai nạn, ly dị, bị đuổi việc, thằng bạn thân nhất phản bội,…
- Một người mà bạn tin tưởng
Mức độ niềm tin vào một ai đó sẽ quyết định mức độ bạn tin những lời khuyên mà họ đưa ra. Mỗi người quanh ta đều có một tài khoản niềm tin trong suy nghĩ của bạn. Người có tài khoản lớn, người có tài khoản nhỏ. Tài khoản càng lớn thì bạn càng tin tưởng những gì anh ta nói và hành động.
- Vượt quá kỳ vọng
Nếu trưởng phòng khuyên bạn có khi bạn còn chẳng buồn nghe nhưng cứ thử Tổng giám đốc, người mà ở tít trên cao, gặp bạn và bảo bạn rằng bạn nên thay đổi thái độ về cái này cái kia thì chắc bạn sẽ tin ngay.
- Một người có kinh nghiệm
Nếu một người đã phải trả giá vì một nhận thức sai lầm khuyên bạn rằng nhận thức bạn đang nắm giữ sẽ dẫn bạn tới kết cục như ông ta thì bạn sẽ tin hơn là một đứa trẻ hơn bạn chục tuổi bảo bạn không nên có thái độ thế này thế kia.
- Bạn là người cởi mở và biết lắng nghe
Bảo thủ là rào cản lớn nhất. Vì cứ khư khư cho rằng ta đúng nên bạn sẽ không chịu lắng nghe lời khuyên của người khác.
Tự cao tự đại là kẻ thù lớn thứ hai. Vì cho rằng ta giỏi nên không cần phải nghe lời người khác.
Một người biết lắng nghe sẽ tiếp nhận được những phản hồi đúng để từ đó tự nhận thức rằng nhận thức của mình có đúng không, có cần thay đổi gì không. Anh ta sẵn sàng thay đổi nếu thấy rằng mình cần phải thay đổi.
Người không biết lắng nghe có một dấu hiệu dễ nhận thấy là hay cắt ngang lời của bạn, họ trả lời còn trước khi bạn kết thúc câu hỏi muốn hỏi.
- Giọt nước cuối cùng làm tràn ly
Thực chất là cứ mỗi một tác động đều có ảnh hưởng tới bạn. Có thể cái sự kiện đó rất bình thường như khi bạn đang đọc sách, tham gia một khóa học, trò chuyện cùng bạn bè; nhưng vì nó là giọt nước cuối cùng nên nước đã tràn ra khỏi ly.
7. Một nhận thức sẽ vô giá trị khi đã quá muộn
Nhận thức lớn nhất là khi sắp từ giã cõi đời ta nhìn lại và thấy rằng ta đã lãng phí cuộc sống của mình. Ta nhận ra rằng đáng nhẽ ta nên sống chậm hơn, nên dành thời gian cho người thân nhiều hơn, nên tiết kiệm thời gian hơn, nên tận dụng những cơ hội tốt hơn, nên đối xử với người khác thân thiện hơn,….
Ở mức thấp hơn là ngay lúc này ta nhìn về quá khứ thấy cũng ối thứ đáng nhẽ ta có thể làm khác đi nếu làm lại.
2 nhận thức trên thường đã quá muộn để thay đổi. Sẽ là tốt hơn nếu ta thay đổi nhận thức khi còn chưa muộn.
8. Những nhận thức sau bạn nên sở hữu:
– Tự chịu trách nhiệm về đời mình: nó đơn giản với những người đã sở hữu nhận thức này nhưng vô cùng khó với những người còn lại. Chỉ khi ta tự chịu trách nhiệm về đời mình ta mới có cơ hội để thay đổi nó. Hệ quả của nhận thức này:
- Chủ động trong mọi thứ
- Không để người khác quyết định thay mình
- Dễ dàng nói ‘không”
- Có ý thức hoàn thiện bản thân
- Không mắc lại lỗi lầm cũ vì không đổ lỗi cho người khác.
– Cứ cho đi sẽ nhận lại nhiều hơn: Tâm lý chung là hãy trả cho tôi phần thưởng thì tôi sẽ làm việc đó. Chưa bắt tay vào làm ta đã cân đo đong đếm xe mình được lợi gì, thiệt gì. Người không có nhận thức này thường chối bỏ trách nhiệm. Hệ quả của nhận thức này:
- Nhiệt tình trong công việc
- Thể hiện là người có trách nhiệm. Làm việc hết mình, cho ra những kết quả tốt hơn những người khác.
– Hiểu quy luật nhân quả: Cứ gieo những điều tốt bạn sẽ nhận được những điều tốt bằng cách này hay cách khác. Người hiểu quy luật này không bao giờ thậm chí trong cả suy nghĩ mong muốn được trả ơn cho một hành động tốt nào đó. Hệ quả của nhận thức này:
- Suy nghĩ kỹ trước mỗi hành động.
- Chủ động tạo ra những nhân tốt.
- Có ý thức hạn chế những nhân xấu.
– Thời gian là hữu hạn: Nếu thời gian là vô hạn thì bạn có thể làm bất cứ việc gì cho dù là san bằng một ngọn núi bằng tay không hay là một mình lấp biển. Hệ quả của nhận thức này:
- Có ý thức tăng hiệu suất làm việc để có thể tạo nhiều giá trị hơn.
- Sử dụng thời gian hiệu quả hơn.
- Rất ít khi bị stress.
- Có ý thức tìm ra cái gì là quan trọng để dành thời gian nhiều hơn.
– Học là công việc cả đời: Hoặc bạn phải trả giá để có kinh nghiệm hoặc là bạn chủ động học hỏi để không phải trả giá. Học phải mang lại kiến thức thực để tạo ra giá trị thực. Hệ quả của nhận thức này:
- Đi vào thực chất của việc học mà không ham tấm bằng hay chứng chỉ.
- Chịu khó đọc sách
- Luôn rút kinh nghiệm và muốn làm tốt hơn ở những lần sau.
- Ham muốn cải tiến, tìm ra cách làm mới.
– Hiểu về nguyên tắc quả trứng và con gà: quả trứng là giá trị được tạo ra, con gà thì đẻ ra trứng. Nếu không chịu chăm con gà mà chỉ nhăm nhăm muốn có nhiều trứng thì lâu dài sẽ ít trứng dần. Ví dụ:
- Năng lực của bạn là con gà, giá trị bạn tạo ra thông qua lao động là quả trứng.
- Doanh thu là quả trứng. Năng lực cạnh tranh của công ty là con gà,
- Thành quả mối quan hệ hợp tác là quả trứng. Niềm tin với nhau của mọi người trong nhóm là con gà.
– Sức khỏe là quan trọng: Sức khỏe cũng như thời gian là hai nguồn lực mà khi sinh ra hầu hết chúng ta có như nhau. Lúc trẻ bạn nghĩ rằng sức khỏe của mình là vô biên, vì vậy bạn không chăm chút nó. Giống như một cái xe không chịu bảo dưỡng định kỳ, bạn sẽ phải trả giá rất đắt nếu không chăm chút cho sức khỏe. Hệ quả của nhận thức này:
- Chăm tập thể dục, thể thao
- Quan tâm tới hình thể và vẻ bên ngoài.
- Biết giữ gìn sức khỏe: không rượu chè, thức khuya dậy sớm,…
Nhận thức gia đình là quan trọng: Gia đình ở với bạn cả đời mà đôi khi bạn còn lo cho người ngoài, dành thời gian cho họ còn hơn cả cho gia đình. Hệ quả của nhận thức này:
- Biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống
- Có một cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Trên đây là một số nhận thức tôi nghĩ là chúng ta nên sở hữu. Chắc chắn phải có những nhận thức quan trọng khác, tôi sẽ bổ sung dần. Hy vọng rằng phần nhỏ này sẽ giúp cho bạn ít nhất là có ý niệm về điều này.
Bạn đang chới với trên dòng nước, lúc này bạn vớ tất cả mọi thứ xung quanh với mong muốn để mình nổi lên. Trường hợp này cũng vậy, khi mất phương hướng ta rất dễ bám víu vào những thứ không thực sự giúp ta.
Do vậy, phải hết sức tỉnh táo vào lúc này. Thà bạn không làm gì cả còn hơn là bạn làm những thứ không đúng. Trạng thái của bạn là trạng thái thuộc về cảm xúc, chỉ khi nào bạn chế ngự được cảm xúc thì bạn mới có thể bình tĩnh tìm nối thoát cho mình.
Nguồn http://chienluocsong.com/