88% người tiêu dùng Việt Nam nói rằng họ có dùng thử một sản phẩm mới trong chuyến mua hàng của mình – cao hơn 19% so với điểm trung bình của khu vực Châu Á Thái Bình Dương là 69%.
Khảo sát cải tiến sản phẩm mới toàn cầu của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy người tiêu dùng ở Việt Nam đặc biệt ưu ái các thương hiệu đầu tư vào việc phát triển sản phẩm mới. Đây cũng là một trong những quốc gia thích được sử dụng sản phẩm mới nhiều nhất trong khu vực.
Nhìn chung, người tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á khá nhiệt tình trong việc đón nhận các sản phẩm mới so với các quốc gia khác trên toàn cầu. Kết quả khảo sát cho thấy người tiêu dùng trong khu vực này dễ dàng hơn để mua dùng thử sản phẩm mới.
Việt Nam là quốc gia có số điểm cao nhất cho việc sử dụng sản phẩm mới trong khu vực với 88% người tiêu dùng Việt Nam nói rằng họ có mua một sản phẩm mới trong chuyến mua hàng tạp hóa vừa rồi – cao hơn 19% so với điểm trung bình của khu vực Châu Á Thái Bình Dương là 69%.
Thái Lan đứng thứ hai với 77%, theo sau là Indonesia với 72% và Philippines với 68%.
Khi nói đến nguồn thông tin về sản phẩm mới, quảng cáo truyền hình đóng một vai trò quan trọng – gần một phần năm người tiêu dùng ở Việt Nam (18%) cho biết TV là nguồn thông tin phổ biến nhất mà họ biết về thông tin sản phẩm mới. 55% người tiêu dùng cho rằng quảng cáo truyền hình nằm trong top 5 các nguồn thông tin về sản phẩm mới.
Gợi ý hay khuyến cáo từ gia đình và bạn bè cùng với việc tìm kiếm thông tin trên mạng internet cũng là hai nguồn thông tin quan trọng cho việc quảng bá sản phẩm mới với tỷ lệ lần lượt là 60% và 43% người tiêu dùng đánh giá cao.
Báo cáo của Nielsen cho thấy tiện ích là yếu tố hàng đầu thúc đẩy việc dùng thử sản phẩm mới của người tiêu dùng tại Việt Nam, tiếp theo là yếu tố phù hợp với gia đình và thương hiệu mà họ đã quen thuộc.
Trong khi đó, nếu so sánh các yếu tố này với toàn cầu thì khả năng chi trả được xếp hạng đầu tiên của việc dùng thử sản phẩm mới, tiếp theo là phù hợp với nhu cầu cá nhân và tiếp đến là yếu tố tiện ích.
THẢO MAI / Theo Bizlive