Gọi vốn là một điều không dể dàng. Do đó, để gọi vốn được thành công, các startup cần phải có kế hoạch dài hạn, lường trước các rủi ro, và “gieo mầm” cho các ý tưởng lớn…
- Các hình thức huy động vốn dành cho các startup / 10 cách huy động vốn khởi nghiệp kinh doanh hiệu quả
Dave Balter – nhà sáng lập Mylestoned vừa chia sẻ những bí quyết giúp các startup (khởi nghiệp) huy động vốn mà ông áp dụng thành công trong suốt chặng đường kinh doanh thực tế của ông gần 20 năm nay.
Bài toán “tiền đâu” luôn là câu hỏi khó đặt ra đối với những người khởi nghiệp. Việc huy động vốn cho startup được ví như việc tạo ra một bức tranh: kinh nghiệm không làm cho việc vẽ tranh trở nên dễ dàng hơn, nhưng chắc chắn nó sẽ giúp bạn có con mắt thẩm mỹ tốt hơn và biết bao nhiêu màu sắc cần sử dụng.
Trung thành
Dave Balter chia sẻ: Tôi bắt đầu kêu gọi vốn đầu tư bằng cách trực tiếp tìm đến Shikhar Ghosh và Guli Arshad – những người đã từng ủng hộ và đầu tư vào công ty của tôi từ trước đó. Họ luôn ủng hộ những ý tưởng mới của tôi, thậm chí đó là những điều họ không thích. Tôi đã tìm đến gặp họ đầu tiên. Họ trung thành với tôi và tôi trung thành với họ.
Tiếp đến, tôi tìm gặp Mark Gerson và Scott Kurnit, cư dân thành phố New York, đồng thời là những doanh nhân thiên tài. Tôi gặp họ để tìm kiếm những lời khuyên, sự ủng hộ và tư vấn. Dĩ nhiên, họ đã dành thời gian quý báu của mình để giúp đỡ tôi và truyền động lực cho tôi.
Đừng tuyệt vọng
Bạn đang rót một khoản tiền quá lớn vào danh mục nào đó, danh mục đầu tư của bạn có vấn đề, con bạn bị ốm hay thậm chí thời tiết thay đổi ảnh hưởng đến việc đầu tư của bạn… Một ngàn lẻ một vấn đề có thể xảy ra với dự án của bạn, nhưng đừng quá lo lắng.
Đó thực sự không phải vấn đề, bởi vấn đề lớn nhất là bạn đang bi quan và tuyệt vọng. Tuyệt vọng có mùi giống như mùi của cơ thể chúng ta, các nhà đầu tư khác có thể ngửi thấy nó cũng giống như con ngựa có thể ngửi thấy mùi sợ hãi.
Đặt mục tiêu đủ lớn
Khi đặt mục tiêu, các startup cần phải thực tế nhưng cũng cần phải có tầm nhìn. Không khó để nhận ra rằng nếu muốn có những công ty với giá trị khổng lồ, bạn cần phải tạo ra thật nhiều giá trị có khả năng sinh lời.
Chọn địa bàn quen thuộc
Khi khởi nghiệp, tôi đã chọn Jeff Glass, Jere Doyle, George Bell, Joe Caruso và Larry Silverstein là những nhà đầu tư tại Boston. Tôi ưu tiên họ hơn nhà đầu tư ở các thành phố khác, bởi tôi biết họ có thể cho tôi “mượn” cả tòa nhà của họ cho việc kinh doanh của tôi.
Bạn đừng nghĩ đến việc “bay cao, bay xa” ngay khi vừa khởi nghiệp, mà đơn giản hãy khởi nghiệp ở những nơi bạn thân thuộc nhất, ở “địa bàn” của bạn. Bởi đó sẽ là nơi bạn dành ra 20 giờ mỗi ngày cho công việc. Thậm chí, các nhà đầu tư cũng sẽ trở thành người ủng hộ, nhà tuyển dụng, người kết nối tương lai của bạn.
Lập kế hoạch dài hạn
Kế hoạch kinh doanh không phải là cuốn tiểu thuyết, không phải là bài thơ và cũng không phải là bảng mật mã. Trong bất cứ kế hoạch kinh doanh nào cũng đầy rẫy những giả định.
Tuy nhiên, giả định quan trọng nhất là kinh doanh của bạn sẽ thành công. Những kế hoạch kinh doanh tốt nhất phải làm rõ những giả định quan trọng nhất, chứng minh tính hợp lý của chúng và định rõ cách thức để đạt được mục tiêu đề ra.
Lường trước các rủi ro
Bất cứ nhà đầu tư nhạy cảm nào đều hiểu rằng, mọi hoạt động kinh doanh đều mang trong mình mức độ rủi ro nào đó. Là chủ của một start-up, bạn phải hiểu và lường trước những rủi ro có thể xảy ra. Khi nêu ra nguy cơ rủi ro, bạn cũng cần làm rõ cách giảm thiểu những nguy cơ đó và dự báo cho nhà đầu tư.
“Gieo mầm” cho những điều lớn lao hơn
Ai cũng cần lớn lên và start-up của bạn cũng vậy. Bạn đi lên từ con số 0, tất nhiên khi đó những mục tiêu của bạn chưa đủ lớn như bạn mong ước. Hãy thiết lập những mục tiêu lớn hơn sau khi đã đạt được mục tiêu nhỏ và chỉ ra cho nhà đầu tư thấy điều đó.
Ngoài ra, việc xây dựng các mối quan hệ cực kỳ cần thiết cho các startup để có một tương lai lâu dài và sự hỗ trợ từ nhiều phía.
Trần Ngọc | Theo VOV news