Đây là chín lời khuyên từ những nhà triệu phú thành công sớm, dành cho những ai đang nuôi giấc mơ có khối tài sản tính bằng 7 chữ số trước tuổi 30.
Bạn hoàn toàn có thể trở thành triệu phú trước tuổi 30 mà không cần phải trúng xổ số Powerball hay sáng lập một công ty cỡ Facebook.
1. Tập trung vào việc kiếm tiền
Chuyên gia bán hàng và diễn thuyết Grant Cardone, người đã vươn lên từ cảnh phá sản và nợ nần ở tuổi 21 tuổi để trở thành triệu phú ở tuổi 30, cho biết: “Trong môi trường kinh tế hiện nay, bạn không thể tính đến chuyện tiết kiệm để trở thành triệu phú. Bước đầu tiên là phải tập trung vào việc tăng dần thu nhập của bạn, và lặp đi lặp lại việc đó.”
Cardone nói lúc bắt đầu sự nghiệp thì thu nhập hàng tháng của ông là 3.000 USD / tháng, và chín năm sau đó đã tăng lên 20.000 USD. Ông khuyên mọi người hãy bắt đầu theo dõi kỹ lưỡng chi tiêu và thu nhập của chính mình, để từ đó có động lực buộc bản thân phải nghĩ cách kiếm thêm doanh thu và tìm lấy những cơ hội. Kiếm tiền bao giờ cũng là chuyện dễ nói khó làm, nhưng ai cũng có những cơ hội cải thiện thu nhập của mình.
2. Tiết kiệm để đầu tư, đừng tiết kiệm chỉ để tiết kiệm
Cardone cho biết lý do hợp lý duy nhất để tiết kiệm tiền là để dành cho các khoản đầu tư. Bạn nên bỏ tiền tiết kiệm của mình vào tài khoản đảm bảo, và không được đụng đến khoản này dù với bất cứ lý do gì, thậm chí là trong trường hợp khẩn cấp. Điều này sẽ buộc bạn phải tiếp tục làm theo lời khuyên số 1: nghĩ cách làm tăng thêm thu nhập.
Đầu tư là không phải là chuyện quá phức tạp hay khó khăn. Business Insider khuyên bạn tìm hiểu kỹ về các hình thức tiết kiệm cho lúc về hưu. Tỷ phú Warren Buffett thì khuyên là nên tìm hiểu các dạng quỹ dựa theo chỉ số chứng khoán (index fund), và ngày nay thì các chương trình tư vấn đầu tư tự động (robo-adviser) cũng đang ngày càng trở nên phổ biến.
Chìa khóa để tiết kiệm tiền là làm cho quá trình này trở thành tự động. Bằng cách đó, bạn sẽ không nhớ được mình đã có được bao nhiêu, và bạn sẽ học được cách sống mà không dựa vào tiền tiết kiệm.
3. Tìm kiếm sự giúp đỡ
Nhà tư vấn Daniel Ally, người chỉ cần 5 năm để trở thành một triệu phú ở tuổi 24 viết: “Tại một thời điểm nhất định trong quá trình kinh doanh, tôi không thể phát triển thêm nữa cho đến khi tôi săn lùng được một vài nhân sự chủ chốt”.
Ally giải thích: “Tìm kiếm sự giúp đỡ không phải là sở trường của tôi nhưng tôi vẫn phải làm việc đó. Trong vòng vài tháng tôi đã có một luật sư, một biên tập viên, một huấn luyện viên thể lực, một đầu bếp bán thời gian và các nhân viên khác. Nó tốn khá nhiều chi phí lúc ban đầu nhưng đổi lại nó giúp tôi có thời gian tập trung cho việc trở thành triệu phú. Hầu hết mọi người sẽ không yêu cầu giúp đỡ đơn giản chỉ vì cái tôi của mình.”
Theo triệu phú Steve Siebold giải thích trong cuốn sách “Người giàu nghĩ gì”, những người giàu có không ngần ngại đầu tư cho tương lai của họ bằng “túi tiền” của người khác, thông qua các hình thức huy động vốn hiệu quả. Theo Siebold, người giàu hiểu rằng chuyện bản thân có đủ tiền để làm điều gì đó hay không không phải là vấn đề, mà là ở chỗ có khả năng huy động sự giúp đỡ của người khác hay không. Do đó, câu hỏi quan trọng nhất khi gặp một cơ hội là: Liệu nó có đáng để đầu tư và theo đuổi?
4. Tập khả năng ra quyết định
Triệu phú 22 tuổi Tucker Hughes cho lời khuyên: “Hãy tránh sự mệt mỏi từ việc phải đưa ra quá nhiều quyết định”. Khả năng chú ý là một nguồn tài nguyên hữu hạn, vì thế hãy tiết kiệm năng lượng của bạn bằng cách đưa ra những quyết định linh hoạt có thể sửa đổi dễ dàng, cũng như lập kế hoạch trước cho những hoạt động hàng ngày để bạn không phải suy nghĩ quá nhiều. Hughes nói rằng anh có thể biết được mình sẽ mặc gì và ăn gì trong vòng 7 ngày tới mà không cần phải đắn đo quyết định mỗi ngày. Tương tự, không phải ngẫu nhiên mà các tỷ phú như Steve Jobs hay Mark Zuckerberg ngày nào cũng mặc cùng một mẫu áo: họ cần phải giảm thiểu số lần suy nghĩ ra quyết định mỗi ngày.
Trước đây, sau khi nghiên cứu hơn 500 triệu phú, tác giả nổi tiếng Napoleon Hill cũng từng thấy rằng họ đều chia sẻ rằng khả năng ra quyết định nhanh chóng là rất cần thiết trong sự nghiệp.
>> Xem thêm: Jack Ma: Trở thành triệu phú, không chỉ thông minh – chăm chỉ
5. Đừng khoe mà hãy thể hiện
Triệu phú Cardone kể rằng ông đã không mua cho mình bất kỳ chiếc đồng hồ cao cấp hay xe hơi nào, cho đến khi doanh nghiệp và các khoản đầu tư của ông tạo ra nhiều dòng chảy thu nhập an toàn. Ông vẫn lái chiếc Toyota Camry khi đã trở thành một triệu phú. Bài học của Cardone hãy để người khác biết đến bạn thông qua khả năng của bạn, chứ không phải những món đồ xa xỉ mà bạn sở hữu.
6. Biết khi nào thì nên chấp nhận rủi ro
Ally cho biết rằng trước khi đạt mốc bảy con số, bạn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Điều này đòi hỏi nhiều niềm tin vào bản thân và những người khác, nhưng đó là điều phải làm. Bạn sẽ phải mạo hiểm tạo ra những bước nhảy lớn cho cuộc sống của mình, thậm chí đôi khi còn không biết đích đến là ở đâu.
Bạn không thể làm giàu với những kỳ vọng tầm thường. Những người thành công nhất luôn là người có những suy nghĩ lớn và chịu chơi để giành chiến thắng.
Triệu phú T. Harv. Eker cũng đã nghiên cứu nnhiều người giàu có và cho rằng thành công luôn đòi hỏi yếu tố rủi ro và khả năng chấp nhận những yếu tố bất định. Đó chính là những phẩm chất làm nên sự khác biệt giữa một đời sống trung bình và một cuộc sống giàu có trù phú.
7. Đầu tư vào chính mình
Hughes viết “Việc đầu tư an toàn nhất mà tôi từng thực hiện là cho tương lai của tôi. Tôi đọc sách ít nhất 30 phút mỗi ngày, nghe podcast liên quan tới công việc của mình trong khi lái xe, và luôn tích cực tìm kiếm những người thầy mới (mentor). Bạn không chỉ cần trở thành bậc thầy trong lĩnh vực của mình mà bạn còn cần phải là người có kiến thức toàn diện, có khả năng nói chuyện về bất kỳ chủ đề cho dù đó là tài chính, chính trị hay thể thao. Hãy tiêu thụ kiến thức như hít thở không khí vậy, và hãy đặt mục tiêu theo đuổi việc học tập lên trên hết. ”
8. Trở thành chuyên gia giao tiếp
Xây dựng một gia tài cũng đòi hỏi khả năng giao tiếp và thu hút người khác bên cạnh các chiến lược kinh doanh. Napoleon Hill cảnh báo: “Hầu hết mọi người đánh mất cơ hội lớn của họ vì lỗi bỏ qua yếu tố này nhiều hơn cả so với tất cả các lý do khác cộng lại.”
Ally cũng cho biết “Trong quá trình làm giàu của mình, tôi rút ra được bài học rằng cách đối nhân xử thế là phẩm chất quan trọng nhất. Không ai có thể trở thành một triệu phú mà không biết làm thế nào để xử lý vấn đề một cách quả quyết. Bạn phải chuẩn bị sẵn cho cả tình huống bạn thân trở mặt với bạn hoặc gia đình phản bội bạn. Đôi khi, những chuyện như thế sẽ xảy ra vào những thời điểm khó lường nhất.”
9. Ra mục tiêu 10 triệu USD thay vì 1 triệu USD
Cardone đưa ra lời khuyên: “Sai lầm tài chính lớn nhất mà tôi đã vấp phải là suy nghĩ không đủ lớn. Tôi khuyến khích bạn nên xác định mục tiêu tích lũy hơn 1 triệu USD. Hành tinh này không thiếu tiền, mà chỉ thiếu những người suy nghĩ lớn thôi.”
Ý Nhi / Theo Nhịp Cầu Đầu Tư