Chàng trai 23 tuổi Hồ Đức Hải đã rời khỏi giảng đường đại học để khởi nghiệp trở thành ông chủ chuỗi bánh mì chả cá có tên gọi ấn tượng ở TP HCM.
Bán bánh mì để chống ngủ nướng
Kể chuyện khởi nghiệp, Hải cho biết, cậu chẳng có thời gian chuẩn bị hay ấp ủ ý tưởng đi bán bánh mì, chỉ tình cờ nghĩ đến và… làm luôn. “Giờ học của sinh viên không cố định, có ngày bắt đầu từ 9h sáng, lại có hôm học chiều. Khoảng thời gian trống, tôi thường ngủ nướng. Tôi đã nghĩ ra nhiều cách để trị căn ‘bệnh’ này. Bán bánh mì là hợp lý nhất, bởi công việc này giúp tôi tận dụng được thời gian trống trước giờ học mỗi ngày”, Hải chia sẻ.
Nói là làm, năm 2013, chàng sinh viên năm 3, Đại học Kinh tế TP HCM đẩy xe bánh mì đi bán ngay tại cổng trường. Để tạo sự khác biệt, Hải chọn chả cá, đặc sản quê hương Bà Rịa – Vũng Tàu, làm nguyên liệu chính. “Quê tôi có món chả cá nóng ngon nhưng thời điểm đó chưa phổ biến ở Sài Gòn. Tôi quyết đem đặc sản quê nhà kẹp vào bánh mì để bán”, anh nói.
Để có món chả tươi ngon cho vào nhân bánh mỗi ngày, anh về tận quê đặt nhờ người quen mua cá, làm chả, trộn gia vị, chuyển lên TP HCM qua xe khách.
Từ ý tưởng bán bánh mì để chống ngủ nướng, Hồ Đức Hải trở thành ông chủ chuỗi bánh mì lề đường khá độc đáo ở Sài Gòn khi mới 23 tuổi. Ảnh: NVCC. |
Với 2 triệu đồng dành dụm được nhờ đi làm thêm, Hải mua lại một chiếc xe đẩy cũ với giá 1 triệu đồng, chi thêm 1,5 triệu để tân trang. Bước đầu khởi nghiệp, anh “ôm nợ” 500.000 đồng.
Tuy vậy, ngày đầu khai trương, chỉ vài tiếng, xe bánh mì 100 ổ đã hết. Doanh thu bán bánh, ngoài đủ bù số vốn ban đầu bỏ ra, còn giúp cho Hải có một khoản tiền để mua nguyên liệu cho ngày hôm sau.
Hải chia sẻ, khách mua ban đầu chủ yếu là người quen, bạn bè. Bánh mì bán chạy một phần vì lý do đó, nhưng cũng phần khác bởi món ăn này khá lạ ở TP HCM bấy giờ. Tuy nhiên, sau những ngày đông khách, xe bánh của Hải dần ế ẩm.
Ông chủ nhớ lại, có hôm, tới giờ vào lớp mà còn mấy chục ổ bánh ế. Xót của, Hải làm sẵn tất cả số bánh đó, mang lên giảng đường nhờ bạn bè ủng hộ. Ngày nào, anh cũng bán hết. Song Hải luôn thấy “mắc cỡ”, cảm giác như đang nhờ vả lòng tốt của bạn bè.
Vì sao bánh mì Sài Gòn nổi tiếng?
Không có công thức chung, bánh mì ở Sài Gòn tùy thành phần nhân kẹp bên trong mà có tên gọi khác nhau, nhưng là món ăn quen thuộc trong thực đơn hàng ngày của nhiều người.
Nhưng cũng nhờ chuyện đó mà bạn bè trong trường, từ xa lạ với bánh mì chả cá, trở nên “ghiền” lúc nào không hay. Một số còn thành khách hàng ruột của bánh mì Má Hải. Chính những người bạn ban đầu mua bánh mì vì tò mò, giờ xắn tay phụ ông chủ lúc đắt hàng.
Năm 2014, khi làm đề tài tốt nghiệp, Hải chọn luôn câu chuyện khởi nghiệp bán bánh mì lề đường. Cũng thời điểm này, thương hiệu bánh mì của anh đã có khách ổn định. Từ việc kinh doanh không định hướng, ông chủ trẻ đã tập trung đầu tư bài bản hơn. 10 xe bánh mì lần lượt có mặt dọc các tuyến đường quanh khu vực quận 5, quận 10.
Bánh mì lề đường có đẳng cấp
Hồ Đức Hải cho biết, tên thương hiệu bánh mì gây tò mò xuất phát từ chính biệt danh của anh. Vốn yêu thích phong trào, thời sinh viên, Hải là thành viên nòng cốt của Đoàn trường Đại học Kinh tế TP HCM. Anh thường quán xuyến các công việc từ chơi cho đến ăn của bạn bè những khi Đoàn trường tổ chức các hoạt động.
Má Hải là biệt danh bạn bè đặt cho Hải từ những công việc như thế. Đến khi khởi nghiệp, anh quyết dùng cái tên này cho thương hiệu bánh mì chả cá của mình.
Ông chủ trẻ tự tin khẳng định, dù bánh mì bán ở lề đường, nhưng chất lượng là “5 sao”. Chuỗi bánh mì với bộ nhận diện thương hiệu bắt mắt gồm đồng phục, mũ, tạp dề, găng tay… Mỗi điểm thường có 4-5 nhân viên cùng bán. Một người chào khách, một người giao bánh. Những người còn lại tập trung làm ra bánh mì với tốc độ chớp nhoáng: 10 giây một ổ.
Nhân viên các điểm bán mang bánh mì ra tận nơi giao cho khách. Ảnh:NVCC. |
Hải cho rằng, thời chất lượng sản phẩm quyết định tất cả đã qua. Hiện tại, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, phải đánh vào dịch vụ mới cạnh tranh được. “Trong kinh doanh thực phẩm, để níu chân khách hàng, theo tôi, chất lượng chiếm khoảng 20%, 50% là địa điểm, 30% còn lại chính là dịch vụ phục vụ tốt, an toàn thực phẩm. Món ăn ngoài ngon còn phải tiện lợi, mới mong lấy điểm với khách”, Hải khẳng định.
Chọn mức giá 10.000 đồng, Hải cho biết, mức này phù hợp với số tiền chi cho bữa sáng của sinh viên, dân văn phòng. Ngoài ra, giá này còn là cách để chuỗi bánh mì tạo giá trị về cách phục vụ: không cần trả lại tiền thừa, rút ngắn thời gian chờ đợi của khách.
Không chia sẻ doanh thu, lợi nhuận kiếm được, Hải nói anh làm vì đam mê, cảm hứng làm chủ, đặc biệt là câu chuyện “dám”. Anh chia sẻ: “Ý tưởng, năng lực thì ai cũng có, khác nhau ở chỗ ai dám làm và thành công”.
Ông chủ trẻ cũng không giấu tham vọng xây dựng văn hóa bánh mì lề đường ở Việt Nam theo đẳng cấp khác, văn minh, lịch sự hơn. Thương hiệu sẽ hướng đến việc có một hệ thống cửa hàng với lò nướng bánh, máy làm chả, chế biến chuyên nghiệp, cho khách cảm giác như đang ăn bánh ở nhà hàng.
Hướng lâu dài của Hải là cung ứng nguyên liệu cho các điểm bán ở TP HCM. Việc đưa bánh mì vỉa hè xuất ngoại cũng là mục tiêu của ông chủ 9X.
“Nghe tin con bán bánh mì, cả nhà tôi sốc lắm. Ba mẹ ở quê liên tục gọi điện: ‘Ba mẹ vất vả nuôi con ăn học. Sao không đi làm phòng máy lạnh, mặc đồ đẹp, lương ổn định mà bán bánh mì?’. Càng giải thích ba mẹ càng giận, đã có lúc tôi bị ba mẹ cấm cửa, tuyên bố từ con.
Đến khi mẹ không chịu được, bà đã khăn gói lên Sài Gòn. Chứng kiến những việc tôi làm, mẹ lại là người về quê động viên cả nhà và đi khoe với hàng xóm. Thầy cô, bạn bè ngày đầu không tin, không đồng ý cho tôi bán bánh mì giờ cũng ủng hộ”.
Hồ Đức Hải