Ngày 1/8/2016, sau gần 10 năm làm việc, Brandon – một chuyên gia phát triển phần mềm máy tính và là một blogger nổi tiếng dưới biệt danh Mad Fientist – chính thức về hưu ở tuổi 34.
Trong chia sẻ mới đây với trang Business Insider, Brandon đã tiết lộ những kinh nghiệm, bí quyết để sớm tạo ra nền tảng tài chính vững mạnh:
1. Hiểu điều gì khiến bạn hạnh phúc
Sai lầm mà hầu hết chúng ta mắc phải khi hướng tới việc tự do tài chính là không biết điều gì khiến chúng ta thực sự hạnh phúc. Vì vậy, nhiều người thường xuyên có những quyết định mua sắm và tiêu xài khá hoang phí. Năm trước, bạn mua một chiếc xe và cảm thấy hài lòng, nhưng chỉ sau một năm, cảm giác hài lòng và hạnh phúc đó của bạn nhanh chóng biến mất. Bạn lại loay hoay tìm cách mua một chiếc xe mới. Cứ như thế, chúng ta mua sắm hết thứ này đến thứ khác, chi tiêu hết những gì mình có trong sổ tiết kiệm, mà không làm cơn khát “hạnh phúc” của mình giảm đi.
Trước đây, khi đạt được các mục tiêu của mình, tôi đều không cảm thấy hạnh phúc hơn. Dù tôi đã làm việc rất chăm chỉ vì mục tiêu đó, nhưng khi có được điều mình muốn rồi, tôi vẫn thấy trống trải. Tôi nhận ra rằng, đó không phải là mục tiêu đúng.
Tự do tài chính không có nghĩa là bạn phải được bao quanh bởi toàn những thứ sang trọng, toàn những món đồ đắt tiền và toàn những dịch vụ cao cấp. Tự do tài chính là hiểu được điều gì làm mình hạnh phúc, điều gì là cần thiết nhất trong cuộc sống và có được thứ ấy.
Sự tự do tài chính không phải một đích đến, nó giống như một hành trình kiếm tìm sự hạnh phúc. Bởi khi còn đang chưa có được sự tự do, bạn sẽ thường lẩm bẩm “tôi ghét công việc này, tôi không muốn làm thêm bất cứ điều gì nữa, tôi muốn dừng lại, muốn tự do làm điều mình thích”, nhưng khi đã dừng lại rồi, người có được sự tự do tài chính đến từ việc có được sự hạnh phúc sẽ không bao giờ tự hỏi mình: “Giờ thì sao, tôi thích làm điều gì tiếp theo đây? Tôi đang tồn tại trên đời này vì điều gì?”.
Đôi lúc nhiều người nhìn vào và thấy tôi giống như một “nhà tu hành khắc khổ” vì tôi khá tằn tiện. Tuy nhiên, điều quan trọng là với chính mình, tôi chưa bao giờ cảm thấy “không hạnh phúc” với những điều đó.
2. Tiết kiệm, đầu tư và đầu tư
Trong những năm đầu tiên của sự nghiệp, tôi không học được cách tiết kiệm đúng. Tôi không biết mình nên tiết kiệm vì điều gì. Sau đó, tôi mới học được rằng, để tạo được sự tự do tài chính, mục đích cuối cùng của việc tiết kiệm chính là để đầu tư.
Bằng cách tránh xa những mục tiêu, sự việc, kế hoạch không thực sự tạo ra hạnh phúc như đã đề cập ở trên, sau đó tôi đã tiết kiệm gần 70% tổng thu nhập sau thuế của mình để dành cho đầu tư.
Danh mục đầu tư của tôi khá đa dạng. Các mục lớn bao gồm đầu tư vào bản thân, học thêm các khóa đào tạo chuyên ngành hỗ trợ kiến thức và phát triển những kỹ năng. Kế đến là hệ thống các kênh đầu tư có thể tự tạo ra tiền bạc, như phát triển các ứng dụng, phần mềm và đặc biệt là phát triển trang blog cá nhân với cái tên Mad Fientist (www.madfientist.com) – nơi mang lại những khoản thu nhập đều đặn hằng tháng đến từ việc bán quảng cáo sản phẩm, quảng cáo cho các bên thứ ba, cho Google…
3. Theo dõi sát sao mọi thứ
Tiền bạc cũng giống như những đứa trẻ, chúng ta không thể không chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ, không thể cứ để nó tự “phát triển”, mong chờ một ngày sau nó sẽ lớn lên và thành công.
Không phải là một chuyên gia tài chính, sở hữu những chứng chỉ chuyên ngành, Brandon chỉ đơn giản sử dụng những bảng tính exel để kiểm soát mọi mặt tình hình tài chính của bản thân.
Một bảng tính của Brandon gồm 5 phần, là cân bằng thu chi, đầu tư, tài sản ròng, trung bình cộng và tự do tài chính. Đây là bí quyết giúp Brandon có thể theo dõi sát sao mọi thứ.
Ví dụ như với phần thu chi, Brandon có thể dễ dàng ghi nhận và kiểm soát tất cả những khoản tiêu xài hằng ngày, hằng tháng, hằng năm, nhằm đảm bảo mình không bị “trật đường ray”, luôn chi tiêu hợp lý, giữ được mức tiết kiệm 70% thu nhập để có thể tối ưu hóa những khoản tiền dành cho đầu tư và thỉnh thoảng có thể cân nhắc bỏ bớt những khoản chi không cần thiết nhằm giúp cơ cấu chi tiêu cân bằng hơn.
Còn mục đầu tư, việc ghi lại và theo dõi tất cả các khoản “tài sản” giúp Brandon phân bổ mọi khoản tiền, thời gian và công sức của mình cho những kênh đầu tư khác nhau một cách hợp lý. Ngoài ra, tôi còn phân chia chi tiết những tài sản, những kênh đầu tư dùng cho việc về hưu, những kênh đầu tư rủi ro, có thanh khoản cao, sử dụng cho việc phòng ngừa những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra…
Tuấn Thành | Theo Doanh Nhân Sài Gòn