Không thể phủ nhận yếu tố văn hóa cũng ảnh hưởng đến việc hình thành hệ thống quản trị doanh nghiệp cũng như tư tưởng và triết lý kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân. Có thể so sánh nhóm văn hóa Nam Á mà tiêu biểu là Ấn Độ và nhóm văn hóa Đông Á với đại diện là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để có cái nhìn tổng thể.
Có thể thấy, ngày càng có nhiều người gốc Ấn và Nam Á giữ các vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế hoặc các công ty đa quốc gia (MNE) ở các nước phương Tây cũng như châu Mỹ, đặc biệt là Anh và Mỹ. Chẳng hạn như Satya Nadella – CEO của Microsoft, Sundar Pichai – CEO của Google, Indra Nooyi – CEO của Pepsico và nhiều tên tuổi khác.
Có nhiều nguyên nhân giải thích hiện tượng này nhưng chắc chắn yếu tố văn hóa có vai trò rất lớn trong xu hướng trên. Để có cái nhìn tổng thể, có thể so sánh các nhóm văn hóa Nam Á mà tiêu biểu là Ấn Độ và nhóm văn hóa Đông Á với đại diện là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Yếu tố đầu tiên là những so sánh về mức độ tương đồng của ngôn ngữ. Theo đó, đối với một đất nước nằm trong hệ thống thuộc địa cũ của Anh (Khối Thịnh vượng chung – Commonwealth), văn hóa Anh, Mỹ mà quan trọng là tiếng Anh đã có nền tảng để phát triển tại Ấn Độ lâu dài và xuyên suốt.
Một đặc điểm nữa là ở một đất nước đông dân với nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau cùng tồn tại, việc sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp đã được thúc đẩy nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh và giao tiếp thuận tiện hơn, đồng thời là ngôn ngữ bắt buộc được quy định trong hệ thống giáo dục đã tạo điều kiện cho tiếng Anh có cơ hội phát triển một cách tự nhiên tại Ấn Độ. Theo các thống kê, số lượng người sử dụng tiếng Anh ở mức thành thạo tại Ấn Độ dao động từ 100 – 300 triệu người.
Trong khi đó, tại Đông Á, yếu tố “tiếng Anh tự nhiên” này không tồn tại. Thứ nhất, văn hóa của các quốc gia Đông Á đặt trên nền tảng Nho giáo, vốn coi trọng sự thống nhất, đồng thuận và quốc hồn quốc túy. Vì vậy, mặc dù cũng có nhiều ngôn ngữ riêng biệt tại các vùng khác nhau, Trung Quốc vẫn không dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức để sử dụng rộng rãi mà dùng tiếng Quan Thoại.
Yếu tố tư tưởng, văn hóa cũng là sự giải thích cho các quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan cùng nằm trong hệ tư tưởng Khổng giáo (ngoại trừ quốc gia với đa dạng sắc tộc là Singapore và đặc khu thương mại và tài chính là Hong Kong, nơi tiếng Anh được sử dụng chính thức và rộng rãi hơn do các nguyên nhân tương tự Ấn Độ).
Yếu tố thứ hai là việc quản trị quốc gia và mức độ Tây hóa của các thành phần ưu tú. Rõ ràng có sự tương đồng trong hệ thống luật pháp của Ấn Độ (trên nền tảng luật Anh) và Mỹ (cũng dựa trên nền tảng luật Anh), trong khi Trung Quốc lại dựa trên nền tảng luật Liên Xô (cũ) với nhiều sự khác biệt.
Và mặc dù Hàn Quốc và Nhật Bản xây dựng luật gần với hệ thống luật Anh, Mỹ hơn nhưng do con đường phát triển kinh tế khác với các nước Anh, Mỹ và quan trọng hơn là nền tảng văn hóa Khổng giáo ảnh hưởng đến hệ thống quản trị quốc gia nên ở mặt nào đó, thực tế vẫn có một hệ thống quản trị quốc gia tương đồng nhau giữa Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan.
Hệ thống quản trị quốc gia và các hệ tư tưởng, văn hóa sẽ quyết định các yếu tố khác trong nền kinh tế như giáo dục và hình thành các đặc điểm doanh nhân. Do vậy, sẽ có không ít nhóm ưu tú gốc Ấn có khả năng “thích nghi” và “toàn cầu hóa” tốt hơn theo hệ thống Anh, Mỹ.
Việc có các CEO làm việc trong các MNE của châu Âu và Mỹ là niềm vinh dự cho bản thân quốc gia là quê hương của các nhà lãnh đạo đó. Nó đóng góp vào việc xây dựng quyền lực mềm và hình ảnh quốc gia. Tuy nhiên, sẽ viên mãn hơn nếu các CEO đó có thể đưa được những lợi ích thiết thực về cho quê cha đất tổ (và ở mức độ nào đó, điều này là rất phổ biến, chẳng hạn thông qua lượng kiều hối mà các CEO cũng như cộng đồng thành đạt này gửi về và sự ảnh hưởng trong các quyết định đầu tư của các MNE).
Có thể thấy, yếu tố văn hóa ảnh hưởng lớn thế nào đến việc hình thành hệ thống quản trị doanh nghiệp cũng như tư tưởng và triết lý kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân. Và trong một thế giới vừa hợp tác, vừa cạnh tranh cũng như vừa tương đồng và nhiều khác biệt thì cần có sự điều chỉnh trong chiến lược phát triển doanh nghiệp và con đường hướng đến các vị trí cao trong các MNE của các nhà lãnh đạo tương lai sao cho vừa tận dụng được nền tảng văn hóa hiện có nhưng cũng vừa thích nghi với môi trường kinh tế đang biến đổi không ngừng như hiện nay.
DIỆU LIÊN PHAN/ DNSG Online