Blockchain bắt đầu được nói đến rộng rãi tại Việt Nam thông qua tiền kỹ thuật số, ngoài ra việc có những startup nổi bật trong lĩnh vực blockchain 2 năm vừa qua cũng tạo nền móng để các công ty khởi nghiệp tại đây tự tin phát triển.
TopDev, trang tuyển dụng chuyên về ngành công nghệ tại Việt Nam, công bố số liệu cho thấy tính đến hết tháng 12/2017, mức độ tìm kiếm việc làm liên quan đến lĩnh vực tiền số tại Việt Nam tăng gấp đôi so với năm trước đó. Trang này nhận định số lượng công việc liên quan đến tiền điện tử và blockchain sẽ tiếp tục gia tăng trong năm nay.
Trong khi đó, phát biểu hồi cuối tuần trước tại Lễ hội Blockchain Việt Nam, ông Hubery Yuan, Hiệu trưởng Học viện Ứng dụng Blockchain Huobi (Singapore) cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển blockchain.
Ông Hubery cho rằng, Việt Nam là một quốc gia với ngành tài chính đang trên đà phát triển. Ở khía cạnh này, tài chính sử dụng tiền điện tử có cơ hội lan tỏa nhanh chóng và gặp ít trở ngại.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng là một thị trường rất trẻ. Cơ cấu độ tuổi như vậy mang lại cơ hội tốt hơn đối với việc tiếp nhận các khái niệm và cải tiến mới. Theo thống kê, những người tham gia tiền kỹ thuật số ở quốc gia này đã tăng gấp đôi từ 30.000 người trong năm 2016 lên 60.000 người vào năm 2017.
Ở khía cạnh doanh nghiệp, Việt Nam đã chứng minh năng lực của mình trong ngành công nghiệp Blockchain, theo ông Hubery. Như Kyber Network, startup của CEO một người Việt huy động được số tiền kỹ thuật số đứng top 10 trên thế giới năm 2017.
Ngoài ra, trong năm 2018, Tomochain đã đưa ra các giải pháp chuỗi nhằm mở rộng nền tảng điện toán Ethereum và nhận được sự chú ý rộng rãi. Ngay cả trong một thị trường ảm đạm, Tomochain vẫn giữ vững phong độ và mang lại lợi nhuận cao gấp 6 lần cho những người ủng hộ ban đầu, trở thành hạ tầng blockchain đứng thứ hai trên thị trường phát hành đồng tiền mã hóa vào năm 2018.
“Với Kyber và Tomo là ví dụ điển hình, chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ thấy nhiều dự án Blockchain nổi bật hơn đến từ Việt Nam”, ông Hubery Yuan nhận định.
Blockchain đang khuấy động nền công nghiệp thế giới nhưng theo những thống kê của Google, tại Việt Nam blockchain chỉ được biết và ứng dụng chủ yếu trong lĩnh vực Fintech mà ít ai nhận ra rằng nó còn có khả năng chuyển hóa công nghệ trong nhiều ngành khác nhau.
“Nhờ vào kỹ năng lập trình giỏi và cộng đồng năng động, các startup Việt Nam đang rất quan tâm đến việc xây dựng các ứng dụng blockchain. Điều này về lâu dài sẽ giúp Việt Nam xác định được vị trí chiến lược của mình trên bản đồ blockchain toàn cầu”, bà Nicole Nguyễn, Giám đốc marketing của Công ty Infinity Blockchain Labs khẳng định.
Blockchain có thể hiểu là một dạng thức cơ sở dữ liệu hoàn toàn mới và được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Blockchain với ưu điểm có khả năng truyền tải dữ liệu bỏ qua đơn vị trung gian, tăng hiệu quả và tốc độ vận hành. Mạng lưới blockchain bao gồm nhiều điểm độc lập có khả năng kết nối thông tin, tuy nhiên chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các điểm. Đây là một mạng lưới bảo mật an toàn cao ngay khi có một phần của hệ thống bị sụp đổ.
Blockchain hoàn toàn có khả năng trở thành công nghệ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong tương lai. Chính đặc tính không thể thay đổi giúp công nghệ blockchain tạo ra niềm tin mà không cần đến một cơ quan tập trung như một công ty hay tổ chức xác lập niềm tin đó.
Kể từ năm 2015, blockchain, tiền kỹ thuật số, bitcoin bắt đầu được nhắc đến nhiều. Hình thức gọi vốn ICO (Initial Coin Offering)ngày càng tăng mạnh so với các cách thức đầu tư truyền thống. ICO nhìn chung vẫn là phương pháp tài chính được lựa chọn cho các startup blockchain, chỉ tính trong năm 2017 ICO đã bùng nổ lớn mạnh với 2 tỷ USD tiền tài trợ.
Blockchain được biết đến rộng rãi trong lĩnh vực tài chính, năm 2017, 90% ngân hàng lớn ở Bắc Mỹ và Châu Âu bắt đầu nghiên cứu và ứng dụng công nghệ này và trong 4 năm tới, khoảng 66% các ngân hàng trên thế giới sẽ ứng dụng blockchain để mở rộng dịch vụ thanh toán di động.
Tuy vậy, không chỉ ứng dụng vào ngành tài chính, theo Cbinsights, Walmart và Pfizer đã thành công trong việc thử nghiệm blockchain vào an toàn thực phẩm và theo dõi y học.
Theo ICTNews.