Mong mỏi có một nguồn tăng trưởng mới và tạo thêm nhiều công ăn việc làm, từ năm 2013, chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư hàng tỷ đô la để rót vốn cho startup và các doanh nghiệp nhỏ bằng nhiều hình thức như hỗ trợ, ưu đãi thuế, vay trợ cấp…
Dưới đây là một vài cách thức mà chính phủ Hàn Quốc đã sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập được anh Jason Minkee Kim, một nhà sáng lập của 2 startup và đang làm việc tại ActnerLab, một quỹ đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp chia sẻ trên trang Tech in Asia.
Nhận hỗ trợ của chính phủ (dành cho startup)
Chính phủ Hàn Quốc đã tạo ra một nguồn vốn “rót” từ trên xuống theo từng cấp. Đến cấp cuối cùng, một phần nhỏ của các nguồn hỗ trợ này sẽ đến thẳng các startup được lựa chọn trong chương trình.
Chương trình hỗ trợ phổ biến nhất của chính phủ hoạt động như sau: Bạn có một ngân sách cho một chương trình kéo dài trong một khoảng thời gian (thông thường là chưa tới 1 năm), bạn bỏ vào 30% (10% tiền mặt, 20% bằng tài sản) và các quỹ của chính phủ hỗ trợ phần còn lại (tối đa 70%). Ví dụ:
- Tổng ngân sách 50.000 USD (6 tháng)
- 70% do chính phủ hỗ trợ (bằng hình thức cho vay không lãi hoặc cấp vốn bằng tiền mặt không lấy lãi)
- 10% đầu tư tiền mặt từ startup
- 20% tài sản (vốn chủ sở hữu từ công của người đó, tức là người này sẽ không được trả lương).
Với tổng cộng 50.000 USD ngân sách, startup có thể sử dụng số tiền này để tạo nên các sản phẩm khả dụng tối thiểu (minimum viable product, MVP), tung ra sản phẩm, mua trang thiết bị… Tuy nhiên, mọi giao dịch cần phải lấy hóa đơn thuế, giấy biên nhận và thậm chí là cả ảnh (ví dụ mua máy tính phải chụp lại ảnh chiếc máy tính đó).
Ưu điểm: Với những khoản cấp vốn này, startup có thể bắt đầu tạo nên các dịch vụ và sản phẩm. Với thời lượng chương trình ngắn (chưa tới 1 năm), startup có thể thử nghiệm ý tưởng của mình và xác định kết quả nhanh chóng.
Nhược điểm: Lãng phí thời gian không cần thiết vào việc ghi chép. Để điền đủ giấy tờ cho mọi giao dịch mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra còn có nhiều buổi hội thảo và tư vấn buộc người sáng lập phải tham gia, và điều này có thể khiến việc đưa ra quyết định cũng như hoạt động của công ty bị đình trệ.
Theo kinh nghiệm của ông Kim, sau khi nhận được hỗ trợ của chính phủ (35.000 USD) cho startup, ông đã có thể tạo một MVP và có đủ vốn để hoạt động trong 6 tháng trước khi nhận được các khoản đầu tư cá nhân.
Ông cũng phải tham gia vào các buổi hội thảo bắt buộc và mất nhiều tiếng đồng hồ điền vào những giấy tờ cho mỗi giao dịch ông thực hiện. Thậm chí kể cả một cái kẹp giấy sau khi mua xong cũng phải được chụp lại ảnh để đảm bảo tiền của chính phủ không đi đâu mất.
Nhận trợ cấp của chính phủ với tư cách là các công ty đầu tư mạo hiểm
Việc lựa chọn startup có thể nhận được những khoản đầu tư này là một quy trình hoàn toàn khác. Các cơ quan xúc tiến, viện và trường đại học trong khu vực sẽ tổ chức đấu thấu các chương trình hỗ trợ của chính phủ. Sau khi việc đấu thầu kết thúc, chính phủ tổ chức một chương trình để các startup nộp hồ sơ xin cấp vốn nhưng sẽ không trực tiếp lựa chọn startup ngay lúc đó.
Nhằm tránh tham nhũng và rò rỉ thông tin mật, quy trình lựa chọn startup sẽ được chia thành 2 phần. Phần đầu tiên là xem xét đơn xin cấp hỗ trợ và phần thứ 2 là để một nhóm các cự doanh nghiệp, những luật sư về bằng sáng chế, các giáo sư… đánh giá và lựa chọn ra một danh sách các đơn xin cấp vốn, sau đó một nhóm khác sẽ đánh giá rồi đưa ra lựa chọn cuối cùng. Người tham gia quy trình đánh giá có thể tham gia quy trình lựa chọn cuối cùng nhưng trường hợp này là rất hiếm.
Sau khi những startup này được lựa chọn, chính phủ sẽ chính thức ký hợp đồng với những nhà thầu giành chiến thằng và lựa chọn ra startup. Tiếp theo, phần còn lại của chương trình sẽ do các nhà thầu hoàn tất và báo cáo lại với cơ quan chính phủ khi chương trình kết thúc.
Trong những chương trình này, không một ai thuộc nhóm các công ty đầu tư mạo hiểm, cơ quan xúc tiến hoặc cá nhân có thể sở hữu vốn của những startup này.
Ưu điểm: Với khoản hỗ trợ này, các startup xin cấp vốn có thể đảm bảo đơn của mình được xem xét và lựa chọn dựa trên những nền tảng cũng như kinh nghiệm đa dạng. Quá trình xem xét rất minh bạch và chính phủ đã làm rất tốt trong khâu bảo mật thông tin, tránh tham nhũng.
Nhược điểm: Vì nhóm đánh giá và nhóm đưa ra lựa chọn cuối cùng là khác nhau nên các startup buộc phải giới thiệu đi giới thiệu lại về ý tưởng của mình.
Ngoài ra còn một hình thức khác là quỹ kết nối của chính phủ.
Các TIPS (Tech Incubator Program for Startup – Chương trình vườn ươm công nghệ cho startup) được thiết kế để xác định và hỗ trợ các startup tiềm năng nhất.
Các startup được lựa chọn trong chương trình này sẽ được nhận các nguồn vốn kết nối (lên tới 500.000 USD) từ chính phủ. Ngoài ra, các startup này có thể được nhận một khoản vốn hỗ trợ thêm (lên tới 200.000 USD) tùy theo số tiền startup đó đã được nhận của chính phủ trước khi được lựa chọn là bao nhiêu.
Một số quỹ đầu tư mạo hiểm và các cơ quan xúc tiến được phép đưa ra đề xuất danh sách các startup để TIPS lựa chọn. Sau khi đã được đề xuất, những công ty này đều được Hiệp hội Korea Business Angels Association xem xét hồ sơ. Sau khi qua được vòng đánh giá, Cơ quan quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc sẽ ký hợp đồng với công ty đầu tư mạo hiểm và cơ quan xúc tiến (đầu tư vào startup đó) và cả startup. Khoản tiền 500.000 USD sau đó sẽ được trao cho startup để sử dụng trong vòng 2 năm. Hiện có 170 công ty đươc chương trình TIPS lựa chọn.
Lê Kiên | Theo Techinasia, ICTnews