2017 sẽ là năm sôi động chương trình khởi nghiệp và Hội LHTN VN phải là đơn vị đi đầu. Không phải ai cũng thành công, nhưng “tinh thần khởi nghiệp” rất cần thiết đối với thanh niên VN…
- Khởi nghiệp kinh doanh CNTT dành cho thanh niên – Microsoft / Thanh niên khởi nghiệp luôn gặp khó khăn khi huy động vốn
Anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng – Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn – Chủ tịch Hội Sinh viên VN, đã gợi ý như vậy tại phiên khai mạc hội nghị Ủy ban T.Ư Hội LHTN VN lần 6 khóa 7 tổ chức ở Khu phức hợp Chu Lai – Trường Hải (Quảng Nam) hôm qua 7.1.
Tinh thần sáng tạo khởi nghiệp (KN) đang trở thành “đợt sóng” mạnh mẽ, khi hội nghị quyết định chọn chủ đề công tác năm 2017 là “Thanh niên sáng tạo KN” cùng với những góp ý tâm huyết xung quanh chủ đề này, nhất là những chia sẻ của doanh nhân Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ô tô Chu Lai (Thaco), với gần 160 đại biểu cán bộ hội chủ chốt toàn quốc.
3 mạng lưới
“Startup, khởi nghiệp là một từ được nhắc đến nhiều trong cộng đồng, xã hội, đặc biệt là thanh niên. Nhu cầu làm kinh tế, khởi sự doanh nghiệp trong thanh niên gia tăng mạnh mẽ. Trở thành doanh nhân thành đạt là ước muốn, mục tiêu phấn đấu của rất nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, trong hành trình KN đầy thách thức, có nhiều bạn chưa thành công với nhiều nguyên nhân khác nhau”,
Anh Lê Quốc Phong đặt vấn đề khi đề cập câu chuyện KN tại hội nghị hôm qua 7.1. Mối băn khoăn này cũng đã được các ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban T.Ư Hội LHTN VN đặt ra trong phiên họp chiều 6.1.
Anh Lê Duy Hưng Thịnh, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn, cho rằng cần “tiếp cận” câu chuyện KN dưới nhiều góc độ.
“Đó là sự thúc đẩy tự thân chứ không phải lập ra một doanh nghiệp con con. Chúng ta phải trải qua 3 giai đoạn: đầu tiên là phải hiểu về KN, kế đến là chuẩn bị các công cụ hỗ trợ (như vốn, kinh nghiệm, kỹ năng, đào tạo), sau đó mới tính chuyện kết nối và mở diễn đàn. Cứ chăm chăm đạt đến đích thì lại bỏ trống giai đoạn đầu”, anh Thịnh nói.
Anh Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch Hội LHTN VN – Tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhận xét một “cẩm nang” sẽ trở nên cần thiết cho đối tượng KN dưới hình thức bộ tài liệu giới thiệu chủ trương, đường lối, thuật ngữ về sáng tạo KN. Khẳng định nội hàm “sáng tạo KN” đã được đề cập trong nhiều nghị quyết của Đảng và KN là vấn đề xã hội đang được quan tâm, tuy nhiên anh Nguyễn Quang Thông cho rằng chỉ tiêu tư vấn KN chỉ dừng ở mức 500.000 thanh niên và vỏn vẹn 30 ý tưởng là quá ít. Một đại diện ở tỉnh Bình Định cũng “nhẩm tính” nếu mỗi tỉnh có một ý tưởng thành công thì con số này cũng đã tăng gấp đôi.
Trong khi đó, anh Nguyễn Mạnh Cường, Phó giám đốc Trung tâm khoa học công nghệ và tài năng trẻ, Phó chủ tịch Hội LHTN VN, nêu ra 5 nội dung cần thiết để một chương trình KN đạt hiệu quả, gồm sáng tạo KN, vườn ươm sáng tạo KN, hỗ trợ tư vấn về sáng tạo KN, kết nối về tài chính – thể chế và tham mưu chính sách về sáng tạo KN.
“Về hoạt động của Hội LHTN VN, cần triển khai 3 mạng lưới sáng tạo KN: tại các trường đại học, tại các thành phố lớn và tại các tỉnh nghèo. Các trường đại học có vườn ươm KN. Có thể tập trung cho các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng… Trong khi các tỉnh nghèo nên tập trung lĩnh vực nông nghiệp”, anh Cường gợi ý.
“Sẵn sàng cùng thanh niên khởi nghiệp”
Nhắc lại bình luận của Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong về tinh thần KN trong thanh niên, doanh nhân Trần Bá Dương đặt vấn đề cần “định nghĩa đúng” cụm từ Start-up.
“Mong tổ chức Đoàn, Hội định nghĩa lại. Nên định nghĩa dưới ý nghĩa khuyến khích mọi người lao động, làm kinh tế bất kỳ ở đâu hay đã thành công trên lĩnh vực nào. Tỷ lệ KN thành công sẽ rất cao nếu chúng ta có giải pháp về tư vấn, tổ chức thực hiện, hiệu triệu”, ông Dương nhận được nhiều tràng vỗ tay khi có cuộc trao đổi cởi mở với các đại biểu về chuyên đề KN.
Bày tỏ ý định sẵn sàng đồng hành và trên thực tế đã ký cam kết hỗ trợ 200 tỉ đồng cho quỹ đầu tư KN của T.Ư Đoàn giai đoạn 2016 – 2021, doanh nhân Trần Bá Dương đặt rất nhiều niềm tin vào chương trình thanh niên sáng tạo KN. “Hy vọng chương trình nghị sự tại khu phức hợp Chu Lai lần này là một cột mốc của chương trình KN mà Đoàn, Hội đang khởi xướng. Cột mốc này cũng “cột” tôi ở đây”, ông Trần Bá Dương ví von.
Tự nhận mình “không biết nhiều” về ô tô nhưng vẫn theo đuổi sự nghiệp này rồi thành công, tương tự với bất động sản và đang theo đuổi ý tưởng mới về KN cùng với Hội LHTN VN trên lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, ông Trần Bá Dương chia sẻ cởi mở về tinh thần dấn thân.
“Vai trò thủ lĩnh phải làm gương. Các thủ lĩnh làm đi, để thấy KN khó khăn như thế nào, từ đó mới tập hợp người khác tham gia. Không tự tin và dấn thân, KN sẽ rất khó. KN không chỉ cho chính chúng ta, mà còn nhằm xây dựng tinh thần KN và xây dựng lực lượng. KN thành công thì nền kinh tế mới phát triển và giúp được nhiều thanh niên”, ông Trần Bá Dương nói thêm.
Dưới góc nhìn của ông Trần Bá Dương, trách nhiệm của doanh nhân trong chương trình KN rất lớn: “Tôi xác định, thước đo doanh nhân là sự cống hiến chứ không phải là tỉ phú. Hiện có sự ngộ nhận (về thước đo này). Doanh nghiệp mà không triết lý, không trách nhiệm, không lý tưởng thì không bao giờ thành công”. Ông Trần Bá Dương nhắc đến hình mẫu Microsoft và tỉ phú Bill Gate đã cống hiến cho nhân loại, kể cả Google và mạng xã hội Facebook. Theo ông Trần Bá Dương, Hội LHTN VN là tổ chức rất mở và cần “mở” thêm nữa để nhận lãnh trách nhiệm mới: tạo ra sức bật mới của nền kinh tế gắn liền với vai trò, trách nhiệm của thanh niên.
Đánh giá cao sự nhập cuộc của Báo Thanh Niên khi có chủ trương mở chuyên mục giới thiệu các mô hình KN mỗi tuần 2 số báo, anh Nguyễn Phi Long, Chủ tịch Hội LHTN VN, đã khẳng định cần thổi ngọn lửa vào tinh thần KN. “Làm sao để phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm công tác Hội trong KN để giúp thanh niên lập thân lập nghiệp, làm giàu chính đáng. Muốn cuộc sống tốt đẹp hơn, không còn cách nào khác chúng ta phải KN”, anh Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.
Hứa Xuyên Huỳnh | Theo Thanh Niên Online