Người tiêu dùng khi mua hàng qua mạng, đặc biệt là mua hàng qua Facebook, trước khi mua cần cân nhắc kỹ trước về nguồn gốc, giá cả của sản phẩm. Khi xảy ra tranh chấp nhưng không thể liên hệ với người bán nên để lại đánh giá (Feedback) nêu rõ vụ việc trên trang Facebook bán hàng.
Ngày 11/10/2016, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương nhận được đơn khiếu nại của người tiêu dùng P. H.T về việc mua 3 sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc trên Facebook với tổng trị giá 450.000 đồng.
Tuy nhiên, khi nhận được hàng thì phát hiện ra đó là hàng giả, không đúng sự thực như quảng cáo.
Qua vụ việc nói trên, Cục Quản lý cạnh tranh một lần nữa khuyến cáo người tiêu dùng khi mua hàng qua mạng, đặc biệt là mua hàng qua Facebook, trước khi mua cần cân nhắc kỹ trước về nguồn gốc, giá cả của sản phẩm.
Quan trọng nhất, do tính chất đặc thù của việc bán hàng qua Facebook, người tiêu dùng nên tham khảo kỹ từ nhiều nguồn và lựa chọn nơi uy tín để giao dịch.
Trong trường hợp xảy ra tranh chấp mà không thể liên hệ với người bán, người tiêu dùng nên để lại đánh giá (feedback) trên các trang Facebook bán hàng, trong đó nêu rõ vụ việc của mình.
Trong suốt thời gian qua, một trong những vấn nạn nhức nhối của việc mua hàng online, qua mạng xã hội Facebook tại Việt Nam là tình trạng bên bán hàng quảng cáo sai sự thật, kinh doanh hàng giả hàng nhái để lừa đảo người tiêu dùng trục lợi.
Các sản phẩm bị quảng cáo sai sự thật rất đa dạng, từ sản phẩm đắt tiền như nữ trang, đồng hồ, điện thoại… cho đến sản phẩm sử dụng hàng ngày như quần áo, đai giảm mỡ bụng, mỹ phẩm, đồ gia dụng…
Do người tiêu dùng không có cơ hội quan sát trực tiếp cũng như cầm, thử và đánh giá sản phẩm nên nhiều trường hợp sau khi đặt mua và nhận được sản phẩm mới phát hiện không giống với quảng cáo, tính năng không đầy đủ, hoạt động không hiệu quả hoặc làm bằng chất liệu khác hoàn toàn so với quảng cáo.
H.P | Theo ICTnews