Năm 2016 đã được chọn là năm quốc gia khởi nghiệp và thực tế là chưa lúc nào câu chuyện khởi nghiệp lại được quan tâm nhiều như hiện nay. Chính điều này đã thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam bùng phát mạnh mẽ, lan tỏa toàn xã hội và thôi thúc hàng nghìn bạn trẻ nô nức khởi nghiệp.
Tuy nhiên, đây rõ ràng không phải là con đường trải đầy hoa hồng mà sẽ rất chông gai. Chỉ những doanh nhân có được sự chuẩn bị đầy đủ về năng lực, phẩm chất, đồng thời tràn đầy khát vọng, đam mê và quan trọng nhất là sở hữu những lý tưởng cao đẹp mới thật sự có cơ hội vươn tới thành công.
Ý tưởng từ lý tưởng
Không như nhiều bạn trẻ thường khởi nghiệp với tham vọng nhanh chóng gặt hái thành công và trở thành tỷ phú, lý tưởng của Nguyễn Huyền Phương, Giám đốc điều hành của Tổ chức tình nguyện vì giáo dục (Volunteer For Education Organization – VEO), chỉ đơn giản là mong muốn mang lại nhiều giá trị tốt đẹp hơn cho cộng đồng mà cụ thể là hỗ trợ người dân tại những vùng còn nghèo khó của đất nước có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vốn là một “phượt thủ”, Phương có dịp đi nhiều nơi và chứng kiến nhiều cảnh ngộ. Cảm thương với cuộc sống khó khăn của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, ban đầu, Phương thường kêu gọi mọi người quyên góp tiền bạc, vật dụng để làm quà từ thiện.
Tuy nhiên, khi có dịp quay trở lại những địa điểm này, cô nhận thấy, các hoạt động tặng quà từ thiện không gây được tác động tích cực thật sự nào đến cộng đồng dân cư. Trong nhiều trường hợp, việc tặng quà từ thiện còn khiến người dân nảy sinh tâm lý ỷ lại. Bên cạnh đó, cô cũng nhận ra, để thay đổi một cộng đồng về lâu dài trước hết phải đi từ giáo dục. Cần cho các em nhỏ có được cơ hội tiếp xúc với văn hóa, kiến thức và từ đó giúp các em nuôi dưỡng những ước mơ. Ngoài ra, cần mang đến cho người dân những phương thức sống bền vững…
Để hiện thực hóa lý tưởng của mình, Phương và một số người bạn quyết định khởi nghiệp với VEO. Trọng tâm của tổ chức này chính là những chuyến du lịch tình nguyện, nơi các bạn trẻ đóng tiền để có được cơ hội tham gia nhiều hoạt động tình nguyện. Nghe thì có vẻ rất lạ vì làm tình nguyện sao phải đóng tiền, nhưng thực tế, ý tưởng của VEO lại nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các bạn trẻ trên khắp cả nước. Các đoàn du lịch tình nguyện của VEO thường chọn những địa điểm du lịch chưa được phát triển.
Các đoàn viên ngoài việc được thưởng thức phong cảnh còn có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động giáo dục như dạy trẻ em học tiếng Anh và các kỹ năng mềm; hướng dẫn người dân địa phương cách làm du lịch; hỗ trợ sửa chữa cơ sở vật chất (điện, đường, trường, trạm); tổ chức truyền thông, quảng bá về tiềm năng du lịch của địa phương. Bên cạnh đó, các tình nguyện viên còn hướng dẫn bà con cách triển khai các mô hình kinh tế mới như trồng rau sạch hay phát triển nghề truyền thống,… Những hoạt động này còn giúp thôi thúc ý thức vì cộng đồng của các bạn trẻ, từ đó giúp các bạn nuôi dưỡng lý tưởng và lối sống cao đẹp.
Có thể thấy, VEO tuy không đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, nhưng lại tạo ra những tác động vô cùng quan trọng đến cộng đồng xã hội. Huyền Phương chính là hình ảnh đại diện cho một thế hệ những doanh nhân trẻ của Việt Nam, vừa tràn đầy đam mê khởi nghiệp nhưng vẫn luôn duy trì những lý tưởng cao đẹp và ước vọng được cống hiến cho cộng đồng. Giám đốc điều hành của Công ty CP Vật giá Việt Nam (VNP Group, chủ trang Vatgia.com) Nguyễn Ngọc Điệp chia sẻ: Bản chất của doanh nghiệp sinh ra là để phát hiện các vấn đề hoặc nhu cầu chưa được đáp ứng của cuộc sống; từ đó, nỗ lực giải quyết những vấn đề đó nhằm mục đích đem lại hạnh phúc cho mọi người chung quanh bằng các giá trị thực.
Từ quá trình này, doanh nghiệp sẽ nhận được những giá trị đền đáp ngược lại, trong đó bao gồm cả những giá trị về kinh tế. Chính vì vậy, để trở thành một doanh nhân đúng nghĩa, trước hết phải nghĩ đến việc tạo ra được các giá trị thiết thực cho những người chung quanh mình, đầu tiên từ gia đình, người thân, đến bạn bè và cho toàn xã hội.
Chậm mà chắc
Hiện nay, lớp doanh nhân trẻ đều rất năng động, tràn đầy nhiệt huyết và sáng tạo. Bên cạnh đó, phần lớn họ đều được đào tạo bài bản, có tư duy cởi mở và tràn đầy ý chí kinh doanh. Tuy nhiên, khởi nghiệp là con đường rất dài và gian truân, đòi hỏi doanh nhân phải có tầm nhìn và chiến lược cũng như tích lũy đủ kinh nghiệm thực tế. Nhận định về đội ngũ doanh nhân khởi nghiệp của Việt Nam hiện nay, doanh nhân Nguyễn Huyền Phương đánh giá: Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ vừa mới ra trường, không có nhiều kinh nghiệm nhưng đã sớm bị “cuốn” vào làn sóng khởi nghiệp đang bùng phát mạnh mẽ.
Trong khi đó, môi trường cho khởi nghiệp ở nước ta hiện nay vẫn chưa được hoàn thiện. Số nhà đầu tư còn quá ít khiến cơ hội gọi vốn không cao, những chính sách hỗ trợ thiết thực về thuế hay thủ tục cũng chưa hình thành và như vậy, khả năng để có được thành công là khó. Rõ ràng, “cái phễu” đang được mở ra rất nhanh, nhưng lại không hề có sự cảnh báo nào về rủi ro và nếu quá nhiều bạn trẻ ngay từ đầu đã gặp phải thất bại thì đó có khả năng sẽ là “cú đấm” nặng nề, làm các bạn mất dần niềm tin vào khởi nghiệp. “Vì vậy, các bạn trẻ cần thận trọng khi khởi nghiệp. Đương nhiên, khởi nghiệp là phải nhiệt huyết và không sợ thất bại. Mặc dù vậy, lòng can đảm luôn phải được hỗ trợ bởi sự thận trọng cần thiết, nếu không sẽ rất dễ gặp rủi ro”, Phương gửi lời khuyên.
Giám đốc điều hành TechElite Phạm Kim Hùng cho rằng, phong trào khởi nghiệp nếu được phát triển mạnh mẽ sẽ là yếu tố quan trọng, giúp các bạn trẻ có được niềm tin và dám thử thách, thay vì chọn những hướng đi an toàn. Điều này sẽ thúc đẩy tạo ra cả một thế hệ các bạn trẻ dám đam mê và đương đầu với thử thách. Cũng theo Hùng, khó khăn nhất khi khởi nghiệp là chọn được việc mình thật sự muốn làm. Mọi người thường rất dễ chọn được ý tưởng để thực hiện và đôi khi việc đó đến quá nhanh.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi cần quan tâm xem đó có thật sự là điều chúng ta muốn làm hay không. Trả lời được câu hỏi này không phải là dễ vì rất nhiều người thường có xu hướng khởi nghiệp theo trào lưu. Thực tế, khởi nghiệp là một quá trình đầy gian nan, nhiều khi sẽ tạo sức ép khiến chúng ta có thể mất đi niềm tin và sự đam mê. Vì vậy, trước khi khởi nghiệp, các bạn nên chậm lại một chút lúc ban đầu để lắng lại và trải nghiệm, vì điều đó sẽ giúp chúng ta có được sự lựa chọn hợp lý hơn.
Nền kinh tế thị trường của chúng ta vốn non trẻ, thực chất mới 30 năm. Tuy nhiên, lớp doanh nhân trẻ Việt Nam đã khẳng định được vai trò của mình. Họ có kiến thức tốt hơn vì được đào tạo căn cơ, tiếp thu được nhiều kiến thức của thế giới, giàu nhiệt huyết, học được những bài học thành công và thất bại của lớp doanh nhân đi trước, đồng thời được hưởng thành quả của sự cải thiện thể chế trong nước và tiếp cận với thế giới nhờ đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng.
Các doanh nhân Việt Nam nói chung, doanh nhân trẻ nói riêng cần hiểu biết tốt hơn về thế giới đang chuyển dịch ra sao, từ cơ cấu tiêu dùng tới sản xuất, đáp ứng cái người ta cần chứ không phải cái mình có; cần tìm hiểu những luật chơi mới ra sao; văn hóa kinh doanh của mỗi nước thế nào… Do hoàn cảnh lịch sử nước ta chưa hình thành được một hệ thống văn hóa kinh doanh và cung cách làm ăn của ta chưa bắt nhịp với thế giới, vì vậy phải biết rõ hơn về mình, về người, về thời thế, về luật lệ, về cung cách mới mong “bon chen” trên thị trường thế giới mênh mông, đầy xáo động.
Vũ Khoan – Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ
Bài, ảnh: VIỆT HẢI và XUÂN THỦY | Theo Nhân Dân