CEO Grab: Nếu được khởi nghiệp lại tôi sẽ chọn mảng giao thức ăn sớm hơn
Anthony Tan – CEO Grab khuyên startup cần nắm bắt thời cơ nhanh nhạy, đảm bảo tăng trưởng tốt và mở rộng sản phẩm dịch vụ đáp ứng đúng nhu cầu người dùng.
Trong chương trình đào tạo và cố vấn chuyên nghiệp của Grab Ventures Ignite kéo dài trong vòng 14 tuần, ông Anthony Tan, nhà đồng sáng lập và CEO Grab đã có buổi chia sẻ với 13 startup về những bài học kinh nghiệm mà siêu ứng dụng này đã trải qua. Sau 8 năm thành lập và biến Grab thành siêu ứng dụng, ông Anthony Tan kỳ vọng những chia sẻ về thách thức, vấp ngã mà Grab đã thấm thía sẽ phần nào giúp các startup tránh sai lầm tương tự.
CEO Grab: ‘Tôi startup bằng cả tâm huyết’
Nhà đồng sáng lập của Grab thẳng thắn chia sẻ, trong 5 năm đầu khởi nghiệp, nếu được chọn lại, ông sẽ mở rộng hệ sinh thái Grab sang mảng giao thức ăn sớm hơn. Ưu thế dẫn đầu mảng đặt xe đã giúp ứng dụng này tận dụng đòn bẩy từ mạng lưới đối tác tài xế rộng lớn, từ đó xây dựng nguồn lực logistics và phân phối hiệu quả.
Vào thời điểm Grab phát triển mảng giao thức ăn và ra mắt GrabFood vào năm 2018, đã có một số doanh nghiệp trên thị trường khiến ứng dụng này không giành được thế tiên phong. Tình hình này khiến “kỳ lân tỷ đô” buộc phải đầu tư mạnh hơn để cạnh tranh thị phần. Tuy nhiên với chiến lược phù hợp, Grab hiện thuộc top ứng dụng giao đồ ăn phổ biến, dẫn đầu tại nhiều thị trường khu vực. Theo khảo sát của Q&Me tháng 4/2020 cho thấy 79% người dùng lựa chọn GrabFood, dẫn dầu trong số các ứng dụng tại thị trường Việt Nam.
Điều quan trọng nhất, theo ông Anthony Tan, là phải có chiến lược thực tế và triển khai bằng tâm huyết.
“Để phục vụ nhu cầu tại Đông Nam Á, tôi tin chúng ta cần dành thời gian với khách hàng, đối tác nhiều hơn, để hiểu vấn đề của họ, từ đó cung cấp dịch vụ tốt hơn. Chúng ta có thể đưa ra những quyết định đúng đắn hơn dựa trên những gì đang diễn ra trên thực tế, không phải những gì chúng ta tưởng là phù hợp với khách hàng”, nhà đồng sáng lập Grab khuyến nghị.
Các startup tham gia buổi đối thoại cùng nhà đồng sáng lập Grab cũng quan tâm đến câu chuyện nguồn nhân lực, trước hết là vấn đề tìm kiếm người đồng hành. Ông Anthony Tan chia sẻ, ông và bà Tan Hooi Ling – nhà đồng sáng lập của Grab kết nối với nhau thông qua lớp MBA ở Havard Business School. Cả hai nhà đồng sáng lập có cùng một hệ giá trị và tầm nhìn để có thể cùng đồng hành trên con đường thách thức.
“4 chữ H quan trọng khi tôi tuyển dụng: Hunger – họ có khát khao hay không, Honour – có trọng danh dự hay không, Humility – họ có sự khiêm tốn và sẵn sàng lắng nghe những góp ý – Heart – tâm huyết phụng sự cộng đồng”, ông Anthony Tan nói.
Lời khuyên cho giai đoạn thách thức
Hiện tại, dù thị trường Đông Nam Á nói chung gặp nhiều thách thức do Covid-19, ông Anthony Tan vẫn tin tưởng vào tiềm năng phát triển mạnh mẽ của khu vực này. Theo đại diện Grab, mức độ phát triển của Đông Nam Á chỉ đi sau Trung Quốc khoảng 10-20 năm. 10 năm trước, Alibaba, Tencent là những doanh nghiệp được định giá 50-100 tỷ USD. Hiện nay, nếu tính cả Ant Financial, Alibaba có thể đạt mức giá trị nghìn tỷ USD. Đây là mục tiêu mà Grab hướng tới.
Để đạt mục tiêu này, Grab xây dựng mô hình kinh doanh bền vững và duy trì mức tăng trưởng ổn định. Đây cũng là lời khuyên mà ông Anthony gửi đến startup, cần đảm bảo mô hình kinh doanh hướng đến lợi ích lâu dài để tiếp tục mở rộng hoạt động, đầu tư vào những sân chơi lớn hơn.
Cụ thể với ứng dụngGrab, dịch vụ đặt xe công nghệ đã chứng minh khả năng sinh lời và mở rộng quy mô, đưa Grab lên vị trí số một ứng dụng di động trên toàn khu vực , tạo tiền đề vững chắc để xây dựng những dịch vụ mới như , GrabFood, GrabMart.
“Startup cần liên tục tái đầu tư, không thể xây dựng một mô hình kinh doanh chỉ dựa vào một sản phẩm dịch vụ, mà cần phát triển không ngừng để tiếp tục lớn mạnh”, nhà đồng sáng lập Grab khẳng định.
Về chiến lược cạnh tranh khi thị trường có nhiều đối thủ mạnh, ông Anthony Tan khẳng định không có bí quyết chung cho mọi trường hợp. Điều quan trọng startup cần đảm bảo là phải nỗ lực hết sức, xem xét tình huống và ra quyết định dựa trên tình hình thực tế để cạnh tranh với đối thủ. Ngoài ra, sự am hiểu về thị trường địa phương cũng có thể là lợi thế lớn khi startup cạnh tranh với các doanh nghiệp đa quốc gia, càng sâu sát thị trường thì càng có lợi thế.
Riêng trong giai đoạn cả nền kinh tế chống chọi với Covid-19, startup vẫn cần hướng đến người dùng và đối tác bằng nhiều cách thức. Với Grab,trong tháng 3 và tháng 4/2020, startup này đã cam kết dành hơn 40 triệu USD cho các chương trình đồng hành hỗ trợ đối tác vượt dịch.
Tại Malaysia, trong giai đoạn cách ly xã hội, Grab đã hỗ trợ chuyển đổi và đào tạo 18.000 đối tác tài xế trong hai ngày từ dịch vụ GrabBike sang GrabFood để đảm bảo cơ hội thu nhập cho đối tác. Ngoài ra, startup này cũng nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ bằng hỗ trợ quảng cáo trên siêu ứng dụng cho các nhà hàng, quán ăn để giúp tăng tương tác và thu hút người dùng.
Trong thời gian tới, Đông Nam Á sẽ tiếp tục là miền đất hứa cho các startup sử dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Ông Anthony Tan ví dụ, câu chuyện thiếu giường bệnh trong mùa dịch Covid-19 là một vấn đề có thể được giải quyết bằng công nghệ. Và còn nhiều mảnh đất khác mà startup có thể tham gia khai thác bằng cách mang đến những giải pháp thiết thực, tiện dụng và vì lợi ích của người tiêu dùng.
Một lĩnh vực khác có nhiều triển vọng là giáo dục. Phần lớn dân số tại Đông Nam Á vẫn chưa được tiếp cận các nền tảng giáo dục tiên tiến. Đây chính là cơ hội lớn cho những mô hình dịch vụ giáo dục chi phí thấp và dễ dàng tiếp cận với đông đảo người dùng.
Chương trình tăng tốc khởi nghiệp Grab Ventures Ignite hiện đã hoàn thành Demo Day vào cuối tháng 10. Sự kiện tạo cơ hội cho startup gọi vốn đầu tư với sự tham gia của hơn 20 nhà đầu tư danh tiếng trong khu vực. Top 5 startup thắng cuộc sẽ có cơ hội nhận đầu tư và các hỗ trợ từ đối tác tham gia chương trình, tổng giá trị lên đến hơn một triệu USD.
Theo Vnexpress
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra