NCT Corp (đơn vị sở hữu website nhaccuatui) là công ty cung cấp dịch vụ nhạc streaming (Streaming là công nghệ cho phép người dùng cuối có thể nghe một bản nhạc, xem một bộ phim… ngay trong khi chúng đang được tải về máy tính của họ) giống với Spotify. Sau đây là bài viết trên công nghệ Cnet về NCT Corp.
NCT hiện thu hút hơn 10 triệu người dùng hoạt động mỗi thángvà có giá trị khoảng 20 triệu USD (Trong khi đó, Spotify hiện có 75 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng và trị giá 8,5 tỷ USD). NCT có đặc quyền với khoảng 40% lượng nhạc Việt và sau đó cấp phép cho những công ty khác.
Đâylà công ty biểu tượng cho những gì Việt Nam muốn hướng tới. Đất nước này đang nỗ lực chuyển đổi từ là trung tâm thuê ngoài mới của thế giới trở thành nơi tạo ra những sản phẩm làm thay đổi cách con người sinh sống và giúp nền kinh tế nước nhà phát triển.
Tuy nhiên, những công ty hoạt động tại Việt Nam đối mặt với nhiều thử thách lớn bao gồm cả khó khăn trong việc gọi vốn. Dù chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp rất nhiều nhưng liệu những điều này có mang lại “quả ngọt” hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Thật may mắn, năng lực của những công ty như NCT và Flappy Bird đã cho thấy một vài tia hy vọng. Vấn đề nằm ở chỗ cần phải có nhiều hơn những cái tên như vậy.
Hành trình khởi nghiệp của NCT
CEO Nhan Thế Luân khởi nghiệp NCT vào năm 2009, nó gần như giống với dịch vụ tải nhạc Napster, cho phép mọi người tải và chia sẻ bất cứ thứ gì họ muốn với bạn bè của mình. Tuy nhiên, NCT sớm chuyển sang hướng kinh doanh nhạc streaming giống như Universal Music Group và Sony Music với website Nhaccuatui. Hiện tại, NCT thu phí 2 USD/tháng với người dùng stream nhạc trên các thiết bị di động – thấp hơn mức 3 USD/tháng của Apple Music.
Ghé thăm trụ sở của NCT tại TP Hồ Chí Minh có thể thấy mỗi phòng đều mang một nét trang trí và cho cảm nhận rất khác nhau. Phòng thư giãn với những chiếc ghế dài êm ái và bức tường đá là nơi tuyệt vời để nghỉ ngơi. Thậm chí trên một bức tường còn có hình ảnh đen trắng của nhà sáng lập Apple Steve Jobs.
Phòng của CEO Nhan Thế Luân nằm ở một góc của văn phòng được lắp cửa kính lớn mở tầm nhìn ra toàn cảnh ra thành phố. “Chúng tôi muốn trở thành người chiến thắng trong dài hạn tại thị trường Việt Nam“, anh nói. Rõ ràng, đây không phải là lời khoe khoang vô căn cứ. NCT đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm nhờ việc tập trung vào thị trường nội địa, thậm chí cơ sở của họ đã tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Tuy nhiên, NCT vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn phía trước, đặc biệt là những quy định của nhà nước. Ví dụ như khi một website muốn cho người dùng đăng bình luận trên trang thì theo luật, công ty này cần có giấy phép kinh doanh mạng xã hội. Và việc lấy được giấy phép này không hề đơn giản. “Thị trường công nghệ Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Không chỉ Flappy Bird mà sẽ còn nhiều Flappy Birds khác nữa”, Nhan Thế Luân nói.
Khi được hỏi về khả năng liệu NCT có thể tấn công vào thị trường Mỹ hay không, CEO Luân nói rằng: “Mỹ là một thị trường khó nhằn. Cả Trung Quốc cũng vậy”. Thực tế NCT đã thăm dò thị trường Trung Quốc nhưng họ vẫn chưa có ý định tấn công vào đây. “Kế hoạch của chúng tôi trong tương lai gần vẫn là tập trung vào thị trường trong nước“, Luân nói.
Theo Vân Đàm-Trí thức trẻ/NDH.VN
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra