Money Lover là một sản phẩm ứng dụng quản lý tài chính cá nhân trên thiết bị điện thoại di động do Ngô Xuân Huy – chàng IT sinh năm 1990 sáng lập. Tuy nhiên, đối với Huy, thị trường Việt Nam không phải là “miếng mồi” béo bở để kiếm tiền.
Phải thừa nhận rằng, hiện tại, Money Lover đã thu hút sự quan tâm của hàng chục triệu người, doanh nghiệp trong và ngoài nước cài đặt thiết bị với hơn 34 ngôn ngữ khác nhau.
Doanh thu không tiết lộ song CEO Ngô Xuân Huy cho hay, thị trường Việt Nam không phải là “miếng mồi” béo bở để Money Lover kiếm tiền.
Vậy, Money Lover đang kiếm tiền từ đâu? Dưới đây là chia sẻ của Ngô Xuân Huy “tất tần tật” về thời kỳ phôi thai và phát triển cho đến ngày nay của ứng dụng này.
Chào Ngô Xuân Huy, câu chuyện khởi nghiệp ở Việt Nam đã khó, mà thành công trong khởi nghiệp công nghệ lại càng khó hơn. Với Money Lover, anh đã khởi nghiệp như thế nào?
Cách đây gần 5 năm, lúc đó, Huy lên Google Play Store để tải một số ứng dụng phục vụ quản lý chi tiêu cho nhu cầu bản thân.
Tuy nhiên, có 3 nhược điểm ở các phần mềm tôi nhận thấy là:
Thứ nhất, hầu hết các ứng dụng đều viết cho hệ điều hành Symbian, một nền tảng khá cũ dành cho các feature phone (điện thoại cơ bản). Mà lúc đó, chúng ta đã bước vào buổi bình minh của điện thoại thông minh rồi. Vì vậy, những ứng dụng đó rất khó dùng.
Thứ hai, ứng dụng đó được viết chủ yếu dành cho những người có kiến thức về kế toán, người dùng bình thường rất khó để sử dụng thành thạo.
Thứ ba, đa số các ứng dụng đều được thiết kế dành cho những người phải chi tiêu bằng thẻ tín dụng. Trong khi đó, ở Việt Nam mình vẫn duy trì thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt.
Vậy nên, sau khi đúc rút được những nhược điểm của các ứng dụng đó, xuất phát từ nhu cầu bản thân, tôi bắt tay vào viết Money Lover trong vòng 1 tháng
Lúc đầu ứng dụng còn khá là nhiều lỗi. Tuy nhiên, sau khi chia sẻ lên một số diễn đàn thì đa số mọi người ủng hộ. Không chỉ bạn bè trong nước yêu thích mà nhiều người trên thế giới cũng phản ứng tích cực.
Nhận thấy đây là một sản phẩm công nghệ có tiềm năng trong thị trường nên tôi đã cải thiện và phát triển.
Tóm lại là dự án Money Lover xuất phát hòan toàn từ nhu cầu cá nhân và chưa hề có một ý tưởng gì gọi là khởi nghiệp to tát cả.
Quá trình sau đó đến nay, anh đã phát triển ứng dụng như thế nào?
Sau đó, tôi thành lập nhóm cùng 16 bạn khác bắt tay vào phát triển sản phẩm. Sáu tháng sau Money Lover chính thức được đưa vào sử dụng.
Hiện tại, Money Lover đã có phiên bản dành cho các quốc gia khác nhau với 34 ngôn ngữ. Và lượng người dùng tăng lên dựa vào nhu cầu thực tế.
Ứng dụng Money Lover có mặt trên mọi nền từ iOS đến Android và Windows 10, bản Website. Thậm chí, phiên bản dành riêng cho Mac OS và Watch OS (dành cho Apple Watch) cũng có luôn.
Chúng tôi xác định mục tiêu đưa Money Lover trở thành ứng dụng số 1 thế giới về quản lý tài chính.
Khó khăn nhất của anh khi xây dựng ứng dụng là gì ?
Khó khăn lớn nhất cho đến thời điểm này không phải là công nghệ. Vấn đề là làm sao duy trì được dự án này, làm sao để tăng trưởng tốt hơn. Vì tập khách hàng của Money Lover đa số là người nước ngoài.
Thị trường trong nước hiện giờ không mang lại nhiều doanh thu cho dự án bởi vì bản thân người dùng Việt Nam vẫn chưa có thói quen bỏ tiền đề mua một sản phẩm phần mềm có giá trị.
Trong khi đó, doanh thu từ quảng cáo thôi thì không bao giờ là đủ. Và các lập trình viên khó có thể sống được nếu chỉ trông chờ vào một thị trường như Việt Nam.
Vậy tài chính thì sao? Chi phí trong thời gian 6 tháng đầu để phát triển ứng dụng lấy từ đâu ra ?
Mặc dù lúc đó là sinh viên nhưng tôi đã đi làm thêm rồi. Hơn nữa, tôi đã từng hỗ trợ về mặt công nghệ cho một số công ty lớn của Nhật Bản. Và quan hệ ở đây là Win-Win, khi tôi giúp đỡ họ về mặt công nghệ thì họ hỗ trợ tôi về mặt tài chính.
Nhân nói về vấn đề tài chính thì nói thật tôi có một nguồn vốn khá ổn định, cũng đủ để duy trì bộ máy nhân sự phát triển ứng dụng.
Các ứng dụng quản lý tài chính từ trước đó có phải là đối thủ nặng ký mà Money Lover đang đối mặt?
Như tôi đã nói ở trên, ứng dụng Money Lover được tích hợp và phát triển dựa trên khắc phục nhược điểm của các Apps khác nên đối thủ không phải là khó khăn của nhóm.
Và hiện tại, Money Lover khá tự hào khi được đề cử vào danh sách các ứng dụng do biên tập viên bình chọn (Editor’s Choice) trên Google Play vào cuối năm nay. Đó là danh sách những những Website phổ biến nhất trên Google Play.
Anh có thể tiết lộ nguồn đầu tư của Money Lover và doanh thu hàng năm là bao nhiêu ?
Doanh thu thì tôi xin giữ kín còn nguồn vốn đầu tư Money Lover nhận được khoảng 2,5 tỷ đồng. Tôi cũng chưa biết phải làm gì để tiêu hết số tiền đó (Cười).
Quan điểm của tôi về vấn đề nhận được đầu tư là sản phẩm của các bạn phải tốt trước đã. Nếu các bạn có một sản phẩm tốt, có tiềm năng và chứng minh được điều đó thì các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng.
Bạn thậm chí có quyền lựa chọn các nhà đầu tư trong nước cũng như ngoài nước. Còn nếu ngược lại thì các bạn đừng đòi hỏi điều gì ở họ.
Như anh nói, các lập trình viên khó có thể sống được nếu chỉ trông chờ vào một thị trường như Việt Nam…
Hiện tại, tôi đang áp dụng mô hình Freemium đối với Money Lover. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ được sử dụng ứng dụng này với những tính năng cơ bản nhất. Sau đó, bạn sẽ trả tiền nếu muốn sử dụng phiên bản với những tính năng nâng cao hơn nếu có nhu cầu.
Tuy nhiên, nếu nói riêng thị trường Việt Nam do chưa có công cụ chi trả nên giá trị của người dùng khá thấp. Tôi và nhiều lập trình viên vẫn hay nói đùa là “Nếu bạn sống được ở VN thì hoàn toàn sống được ở các nước khác nữa”.
Phải nói là doanh thu ở thị trường VN quá thấp để duy trì được một lượng nhân sự tốt. Và chính xác là thì còn số đó chỉ là 5% so với toàn bộ doanh thu của Money Lover trên 34 thị trường.
Các thị trường mà Money Lover đang phát triển tốt là Mỹ và châu Âu. Ngay ở Đông Nam Á thôi thì chúng tôi thấy thị trường Thái Lan cũng rất tốt rồi.
Anh có nghĩ rằng sản phẩm của mình chưa đủ hấp dẫn để được người dùng trong nước đón nhận chứ không phải do thị trường VN chưa có văn hóa chi trả cho ứng dụng, phần mềm không ?
Đa phần những người dùng đến với Lover Money là vì họ đã quá cần một ứng dụng có thể giúp họ kiểm soát tiền bạc một cách dễ dàng rồi.
Trung bình trên thế giới là cứ 100 người dùng thì sẽ có 3 người chấp nhận mua bản có phí. Con số đó ở VN là chỉ là 2.
Bản trả phí thì dĩ nhiên có nhiều tính năng tốt và không bị hạn chế như bản Free.
Thực tế thì đã có một số người dùng phản ánh là họ đã xóa Lover Money khỏi thiết bị?
Bạn nói đúng. Đã có nhiều người xóa ứng dụng Money Lover vì e ngại một ngày chi tiêu quá nhiều và bất tiện khi liên tục phải nhập tay.
Phải nói luôn là Money Lover chỉ phục vụ những đối tượng dùng trong thị trường ngách thôi. Tức là không phải ai cũng có thể sử dụng được ứng dụng này. Có những khách hàng có mức độ nhạy cảm tài chính rất cao. Vì vậy, họ sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm giúp họ tạo ra những báo cáo tài chính.
Tuy nhiên, nếu dùng phiên bản mới nhất thì bạn sẽ thấy là tính năng tự động nhập thông tin giao dịch đã được cập nhật. Trong đó, các dịch vụ liên kết với các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, Viettin Bank… đã được tích hợp.
Trong năm 2016, chúng tôi sẽ cố gắng bổ sung các tính năng để nâng cao tính tiện dụng của Money Lover. Làm sao cho người dùng càng ít phải nhập liệu bằng tay càng tốt.
Một trong những điều người dùng quan tâm là mức độ bảo mật trên ứng dụng. Hiện tại mức độ bảo mật trên ứng dụng của Money Lover thế nào ?
Ứng dụng Money Lover cho phép các người dùng sử dụng offline. Ngoài ra, toàn bộ các thông tin tài khoản, giao dịch của người dùng đều được lưu trữ trên đám mây để đồng bộ giữa các thiết bị. Tuy nhiên, việc sao lưu này phải được sự cho phép của người dùng.
Bên cạnh đó, mọi thông tin giao dịch đều được mã hóa. Đến chúng tôi là đội ngũ quản trị dự án cũng không thể biết được những thông tin đó. Chúng tôi cũng tuân thủ các chuẩn bảo mật giống như các đối tác ngân hàng như chuẩn PCIDSS.
Trong năm 2016, Money Lover sẽ có những bổ sung những tính năng gì để hấp dẫn người dùng hơn ?
Gần đây, khi mà đi một số nơi, trao đổi với nhiều người, tôi nhận thấy rằng Money Lover hoàn toàn toàn có thể làm tốt hơn nữa để đáp ứng trải nghiệm người dùng.
Nhu cầu quản lý tài chính không phải dễ thấy, “lộ thiên” giống như giải trí, xem phim, café v.v.. Nhưng khi nhắc đến nhu cầu này thì gần như ai cũng có. Vấn đề là người dùng có sẵn sàng bỏ công sức, thời gian để làm một công việc tưởng chừng như rất nhàm chán này hay không?
Trong năm 2016, chúng tôi sẽ đẩy mạnh khâu quảng bá để sao cho người dùng ý thức được tầm quan trọng của việc quản lý tiền bạc. Tất nhiên, bên cạnh đó, cũng sẽ bổ sung những tính năng sao cho thuận tiện, thân thiện với người dùng nhất.
Đối với các ngân hàng nước ngoài thì chúng tôi có các đơn vị trung gian để giúp công ty kết nối, đám phán để tiến tới hợp tác.
Ngoài ra, trong thời gian tới, chúng tôi muốn ứng dụng có thể tạo ra một báo cáo tài chính hoàn chỉnh qua email, scan hóa đơn, hỗ trợ mạnh hơn nữa việc thanh toán bằng thẻ, thanh toán trực tuyến, đưa ra lời khuyên chi tiêu hợp lý…
Nếu làm được như vậy thì có lẽ là sẽ đánh trúng vào nhu cầu của người dùng và thị trường sẽ mở rộng hơn nữa. Tỷ lệ người dùng có lẽ sẽ lên đến 60-70%.
Xin cảm ơn anh!
Tô Mạn / Theo Cafebiz