Công nghệ có phải là tất cả khi khởi nghiệp?
Công nghệ hiện đang là một lĩnh vực được nhiều người lựa chọn khi khởi nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải cứ có công nghệ tốt là bảo đảm khởi nghiệp thành công.
Đó là chia sẻ của bà Trương Lý Hoàng Phi – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) tại buổi Tọa đàm “ Công nghệ có phải là tất cả” do BSSC tổ chức ngày 18/4 tại TPHCM.
Tận dụng tối đa công nghệ số để hỗ trợ việc khởi nghiệp là chìa khoa dẫn doanh nghiệp trẻ đến với thành công. Thực tế cho thấy khá nhiều doanh nghiệp lớn ứng dụng công nghệ thành công ngoài mong đợi như VNG, VCCorp, Foody,…. Nhưng cũng không ít dự án lại sớm lụi tàn như Nhóm mua, Deca.vn, Thổ địa,.. Không thể phủ nhận, công nghệ đã thay đổi tích cực trong hướng đi của doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đặt ra và mối lo ngại ứng dụng công nghệ không thành công thì khởi nghiệp sẽ thất bại, đây là những dấu chấm hỏi lớn cho doanh nghiệp.
Theo bà Phi, các startup khi đưa ra sản phẩm cần phải có những phản biện thật của khách hàng. Không nên chỉ lấy tư duy của mình để gắn vào sản phẩm. “Công nghệ không phải là tất cả, công nghệ “đỉnh” chưa chắc đã được thị trường chấp nhận. Người tiêu dùng chỉ cần nhìn thấy những gì phơi bày ra bên ngoài sản phẩm chứ ít đi sâu vào công nghệ” – bà Phi nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo bà Phi, những người làm hay có kiến thức về công nghệ lại có lợi thế hơn những người chỉ làm kinh doanh đơn thuần. Bởi họ có sẵn công cụ để thấy thị trường “ngứa” chỗ nào thì “gãi” chỗ đó. “Vì vậy, những startup công nghệ cần tận dụng ưu thế của mình để “gãi” đúng “chỗ ngứa” của thị trường” – bà Phi đưa ra lời khuyên.
Ông Nguyễn Minh Thảo – CEO Umbala – thì chia sẻ, lúc mới bắt đầu khởi nghiệp, ông luôn giữ quan điểm công nghệ phải là số một. Sau một thời gian thất bại rồi thành công, ông cho rằng, cần phải biết dung hòa giữa công nghệ và thị trường. “Nếu không có tiền thì dự án khởi nghiệp sẽ chấm dứt. Vì vậy, công nghệ làm ra phải có người mua và việc kiếm được đồng tiền đầu tiên từ sản phẩm của mình là rất quan trọng” – theo ông Thảo.
Ông Thảo kết luận, các startup không nhất thiết phải nghĩ ra những ý tưởng, sản phẩm to lớn, cao siêu. Quan trọng là những sản phẩm này phải có đủ những tính năng cơ bản, được thị trường chấp nhận sẽ thành công.
Khoa học & Phát triển