Crowdfunding là một xu thế tiến bộ của thế giới và có lẽ Việt Nam không thể đứng bên ngoài mà nhìn được nữa.
Gần đây thông tin về việc Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Đại Sứ Trẻ, hay còn được biết đến với cái tên Yeah1, đang chuẩn bị làm website crowdfunding đã lan truyền trong giới công nghệ.
Phía Yeah1 chưa đưa ra bình luận chính thức nào về vấn đề này. Theo bản khảo sát, Yeah1 sẽ tập trung làm crowdfunding ở lãnh vực mạnh nhất của họ: giải trí – với các MV ca nhạc và phim ảnh.
Vậy Crowdfunding là gì?
Crowdfunding, tạm dịch là gọi vốn từ cộng đồng hay tài trợ bởi đám đông, là một hình thức kêu gọi vốn dành cho tất cả mọi người. Bên cạnh mục đích chính là được nhận vốn thì crowdfunding còn giúp chúng ta giới thiệu ý tưởng của mình đến với đại đa số công chúng.
Vì vậy có thể nói crowdfunding không chỉ dành cho những người thiếu vốn mà nó còn là một phương pháp marketing hiệu quả. Như chúng ta đã biết, trong marketing thì Word of mouth (marketing truyền miệng) là cách thức hữu hiệu nhất để đem lại lợi thế cạnh tranh.
Đối với crowdfunding thì Word of mouth ở đây không còn là: “tôi đã sử dụng sản phẩm/dịch vụ này, nó rất tốt” mà chuyển sang: “tôi đã mua/đầu tư sản phẩm/dịch vụ này từ trước khi nó xuất hiện”. Rõ ràng người ta có một niềm tin to lớn hơn, Word of mouth có sức nặng hơn.
Trên thế giới từ lâu đã xuất hiện hình thức crowdfunding, chẳng hạn như năm 1884, Joseph Pulitzer đã kêu gọi công dân Mĩ đóng góp tiền xây dựng phần đế của tượng nữ thần tự do trên tờ New York World. Đã có hơn 125,000 người tham gia đóng góp thu được hơn 100,000 USD trong 6 tháng.
Ở châu Âu thì Mozart vào năm 1783 đã kêu gọi sự ủng hộ để có thể tổ chức 3 buổi hòa nhạc ở Vienna. Xa hơn nữa ở Việt Nam thì mẹ của Thánh Gióng đã crowdfunding cà và gạo để ông ăn cho lớn rồi đi dẹp giặc Ân. Có thể nói crowdfunding là một hình thức quyên góp nhưng tiến bộ hơn ở chỗ người xin quyên góp sẽ đền đáp lại những người quyên góp bằng một món quà gì đó. Nó có thể là vật chất hoặc cũng có thể là tinh thần.
Thực trạng crowdfunding ở Đông Nam Á và Việt Nam
Theo báo cáo của ngân hàng thế giới tháng 10 năm 2013, crowdfunding đã trở thành ngành công nghiệp tỉ đô. Trong thời gian tới tiềm năng của thị trường toàn cầu có thể đạt đến 96 tỉ đô la Mĩ và riêng khu vực Đông Nam Á là 8 tỉ đô. Trước sự phát triển như vậy của thị trường và các nước nhưng tại sao ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều người chưa biết đến khái niệm crowdfunding là gì. Có lẽ không phải riêng Việt Nam mà đó còn là tình hình chung của các quốc gia Đông Nam Á.
Điều đầu tiên khiến crowdfunding chưa phát triển là do có quá nhiều trang web mở ra làm phân tán sự chú ý cũng như quan tâm của dư luận. Trước sự lớn mạnh của hai trang web crowdfunding: Kickstarter và Indiegogo, người ta lập nên hàng chục trang web khác ở châu Á và hy vọng tiền sẽ đổ vào đó. Tuy nhiên mọi việc không đơn giản như vậy. Rất nhiều trang web ra mắt hoành tráng, hứa hẹn đủ điều rồi lần lượt biến mất không kèn không trống.
Điều thứ hai chính là khác biệt về văn hóa giữa phương Tây và phương Đông. Cách nhìn về thất bại khác biệt khiến crowdfunding chưa thể là nơi mọi người sẵn sàng đưa lên ý tưởng của mình và gọi vốn. Bởi vì họ dễ nhận được chỉ trích, dèm pha hơn là ủng hộ và khi thất bại thì cũng là một thất bại công khai, mất mặt. Với môi trường làm ăn chú trọng đến mối quan hệ như ở châu Á thì việc đầu tư cho một người xa lạ trên internet thật sự không dễ dàng chút nào.
Đối với thị trường Việt Nam ngoài hai lý do kể trên thì việc chưa có nhiều giao dịch online cùng với hệ thống luật pháp còn chưa quy định về crowdfunding cũng là một trở ngại lớn. Cho đến thời điểm này chỉ có những dự án crowdfunding đơn lẻ thành công mà nổi bật trong số đó là dự án truyện tranh Long Thần Tướng.
Với tổng cộng số tiền gần 600 triệu đồng thu được, đây có thể xem là dự án thành công nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Tuy nhiên để so sánh với những án dự triệu đô của Kickstarter hay Indiegogo thì nó còn một khoảng cách quá lớn.
Trở lại với Yeah1, điều họ sắp làm sẽ mang lại cơ hội lớn cho những người làm nghệ thuật và giải trí. Theo nhận định của người viết, Yeah1 đang đi đúng hướng khi tập trung vào việc xây dựng lòng tin bằng cách sử dụng người nổi tiếng như diễn viên, ca sĩ có sức ảnh hưởng đến các fan của họ.
Đây sẽ là lực lượng ủng hộ và tuyên truyền giúp cho crowdfunding không còn là điều quá xa lạ với mọi người. Từ đó các dự án sẽ được mở rộng ra chứ không còn gói gọn trong phạm vi giải trí nghệ thuật. Có thể nói rằng crowdfunding là một xu thế tiến bộ của thế giới và tất nhiên Việt Nam không thể đứng bên ngoài mà nhìn được nữa.