Khi thu dọn đồ đạc, dù là ở đâu, bạn đều phải sắp xếp lại và giải phóng các khoảng không gian, để những tài liệu như sách tham khảo, tạp chí sao cho ngăn nắp, xếp quần áo gọn gàng, vứt bỏ rác, lau sạch bụi bẩn,…
Đa số đều suy nghĩ đơn giản rằng dọn dẹp là vứt bỏ càng nhiều càng tốt những thứ không còn sử dụng nữa, chỉ giữ lại những thứ thật sự cần thiết. Tuy nhiên, Marie Kondo, sinh năm 1985, một chuyên gia tư vấn người Nhật trong lĩnh vực sắp xếp, tổ chức đồ đạc, lại có một tư duy hoàn toàn khác.
Marie hiện là một tác giả của những đầu sách thuộc hàng bán chạy nhất ở Nhật và châu Âu về đề tài dọn dẹp và bố trí đồ đạc. Bốn cuốn sách cô viết trong thời gian gần đây về đề tài này đã bán được hàng triệu bản cũng như được dịch từ tiếng Nhật sang các ngôn ngữ khác như Hàn, Trung, Pháp, Đức và Anh. Marie cho rằng, dọn dẹp không có nghĩa là vứt bỏ càng nhiều càng tốt những đồ vật mà chúng ta có thể cảm thấy rằng mình không còn cần đến nữa mà là giữ lại những vật quan trọng và có ý nghĩa đối với mình. Marie gọi đó là những đồ vật “tỏa ra niềm vui” cho chúng ta.
Nghĩa là, chúng ta nên chọn chất lượng thay vì số lượng trong thu dọn đồ đạc. Khái niệm chất lượng theo cách nhìn của cô cũng có sự khác biệt. Đó không phải là tính hữu dụng hay hiệu quả về mặt công năng của những đồ vật mà phải dựa trên đánh giá mang tính cảm xúc, tình cảm của người sở hữu dành cho chúng. Khi dọn dẹp đồ vật, chúng ta nên tự hỏi rằng mình có tình cảm, kỷ niệm gì với chúng hay không. Đó là một khái niệm sâu sắc và có thể thay đổi hoàn toàn cách chúng ta đánh giá các đồ vật, nhất là khi cần dọn dẹp và giải phóng các khoảng không gian sinh hoạt hay làm việc.
Câu chuyện Marie Kondo đến với nghề tư vấn dọn dẹp bắt đầu khi cô mới lên năm tuổi. Khi đó, cô bé Marie lúc nào cũng cảm thấy mình đang “nghiện” với việc sắp xếp đồ đạc. Vào giờ ra chơi, trong khi các bạn nô đùa với nhau ở ngoài sân thì một mình Marie ở lại lớp để dọn dẹp các kệ sách. Mỗi khi bầu chọn ban cán sự lớp, Marie đều “ứng cử” vào vị trí duy nhất – người quản lý các kệ sách, để cô có thể tiếp tục làm công việc yêu thích.
Vào một ngày cách nhiều năm sau đó, trong một lần dọn dẹp, Marie bị ngất đi và bất tỉnh trong hai giờ. Tỉnh lại, cô chợt nhận ra những gì mình làm trước đó (luôn tìm những đồ vật cần vứt bỏ thay vì tìm những vật mình cần giữ lại trong quá trình dọn dẹp) là sai lầm. Biết được những vật gì giúp cho mình vui vẻ mới chính là mục đích thật sự của việc dọn dẹp.
Năm 19 tuổi, khi còn là một sinh viên khoa Xã hội học của Trường Đại học Nữ Cơ đốc giáo Tokyo, Marie thành lập công ty tư vấn sắp xếp đồ đạc cho riêng mình. Hiện nay, phương pháp dọn dẹp đồ vật của Kondo đang rất nổi tiếng, với tên gọi KonMari. Nguyên tắc cơ bản của phương pháp KonMari là chúng ta chỉ giữ lại những đồ vật “có sức tỏa ra niềm vui”. Về cơ bản, trước tiên phải tập hợp đồ vật lại, mỗi lần theo một phân loại (ví dụ quần áo, sách, tài liệu, đồ lưu niệm, đồ linh tinh…). Sau đó, chọn những vật có thể đem đến niềm vui thay vì chọn những vật hữu dụng cho cuộc sống. Cuối cùng, chọn một nơi để sắp đặt mọi vật.
Khi Marie Kondo thành lập công ty tư vấn sắp xếp nhà cửa, rất nhiều khách hàng đã tìm đến dịch vụ của cô, có những khách hàng phải nằm trong “sổ chờ” ba tháng mới đến lượt được phục vụ.
Do nhu cầu dịch vụ tăng mạnh, một khách hàng của Marie đã đề nghị cô viết sách về đề tài này để khách hàng không phải chờ quá lâu. Và Kondo đã thực hiện yêu cầu trên bằng cách viết cuốn sách đầu tay The Life-Changing Magic of Tidying Up: The Japanese Art of Decluttering and Organizing (tạm dịch: Bí quyết dọn dẹp để thay đổi cuộc sống: Nghệ thuật dọn dẹp và sắp xếp Nhật Bản), một trong những cuốn sách bán chạy nhất sau này.
Trên thực tế, Marie Kondo đã trở thành một người có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Họ của cô (Kondo) đã trở thành một động từ cho những người đam mê công việc dọn dẹp.
Cô tham gia nhiều khóa giảng dạy, xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình trong nước và quốc tế. Marie thậm chí còn tạo ra ảnh hưởng lên một trong những người nổi tiếng nhất thế giới là Ellen DeGeneres (Ellen đã mời Marie tham gia một chương trình của mình). Dưới ảnh hưởng lớn của Marie, khách hàng của cô còn tự gọi họ là những “Konverts”. Năm 2015, Marie được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế giới.
Những “Konverts” của Marie, dù cũ hay mới, đều tìm thấy điều kỳ diệu trong phương pháp dọn dẹp KonMari. Đối với họ, đó không phải là một quá trình mang tính tri thức mà gần với tính thiền hơn. Phương pháp này giúp họ tin vào trực giác và trân trọng cảm xúc dành cho những vật mà mình sở hữu hơn.
Một số hình ảnh không gian được dọn dẹp gòn gàng nhờ phương pháp KonMari:
NHẤT NGUYÊN/DNSGCT