Cassia Investment – quỹ đầu tư Hồng Kông đặc biệt hào hứng về lộ trình phát triển The KAfe được Chi Anh và các cộng sự vạch ra. Một lộ trình sẽ “ngốn” hết 5,5 triệu đô la và thêm nhiều triệu đô la nữa để hoàn thành.
Lạ vì con số đầu tư vào rất lớn so với những gì startup trong nước đã gọi được. Những chuyên gia trong ngành chia sẻ, với các startup Việt Nam, thông thường các founder chỉ gọi vốn được vài trăm nghìn USD cho tới một triệu USD đã là thành công lớn.
Cái lạ thứ hai đó là The KAfe không phải là một startup trong lĩnh vực công nghệ. Lâu nay, hai chữ startup thường gắn liền với ngành công nghệ. Lý do thì có nhiều: startup công nghệ dễ làm, dễ mở rộng, dễ “go global” hơn vì vậy cũng dễ gọi vốn hơn. Trong khi đó, The KAfe lại chọn một lĩnh vực khá truyền thống và đạt được thành công chỉ sau 2 năm ra mắt.
Cái lại thứ 3 là 1 startup của Việt Nam đủ sức cạnh tranh và đánh bật các startup nước ngoài để giành phần thắng lợi về mình.
“Điều tôi làm là kể cho họ nghe một câu chuyện đẹp, một câu chuyện mới, một cơ hội mới ở một đất nước xa xôi nhưng đầy tiềm năng”, Đào Chi Anh, sáng lập kiêm CEO của The KAfe chia sẻ.
Chi Anh và các cộng sự đang phát triển khai thác bốn nhãn hiệu – The Kafe, Kafe Village, Kafe Box, và The Burger Box . Hiện đang phát triển thương hiệu riêng về cà phê và trà (The Kafe Cup), cũng như nước trái cây ép (The Kafe Pressed).
“Nhà đầu tư biết quá ít về Việt Nam”
Đó là chia sẻ của Chi Anh. Khi trao đổi với các quỹ ngoại, cô mới biết rằng hầu hết các quỹ đầu tư vào Việt Nam theo cách rất … cơ học. Họ chỉ là thông qua thị trường chứng khoán với việc mua đi bán lại cổ phiểu của Vinamilk, của Gas, cũng như không quan tâm nhiều những công ty đó đang hoạt động ra sao, hay thị trường Việt Nam như thế nào.
Đến khi nghe cô trình bày, đa phần những nhà đầu tư đều rất sửng sốt. Họ ngạc nhiên khi biết rằng một đất nước có GDP bình quân đầu người chỉ 2.000 USD mỗi năm lại có những khách hàng sẵn sàng trả 10 – 15 USD cho một bữa ăn. Rất nhiều nhà đầu tư hào hứng với câu chuyện này, cũng như không ít người nghi ngờ về tính chân thực của nó. Thị trường Việt Nam, suy cho cùng, vẫn còn là dấu hỏi lớn với những nhà đầu tư.
Cuối cùng, Chi Anh cũng đã thuyết phục thành công được quỹ Cassia Investment của Hồng Kông. Trước The KAfe, Cassia cũng có đầu tư vào một số startup tại Việt Nam nhưng số tiền khá nhỏ. Tuy nhiên , Cassia lại là quỹ hào hứng hơn cả về lộ trình phát triển The KAfe được Chi Anh và các cộng sự vạch ra. Một lộ trình sẽ “ngốn” hết 5,5 triệu đô la và thêm nhiều triệu đô la nữa để hoàn thành.
“Ước mơ với The KAfe với tôi là rất lớn. Ngay khi nhận được số tiền đầu tư lần này, tôi đã “bắt tay ngay vào việc mở rộng và phát triển”, cô cho biết.
“Táo bạo và không dè dặt”
Kế hoạch đầu tiên trong số đó, sẽ là mở liên tiếp 4 cửa hàng The KAfe tại quận 1, quận trung tâm của Sài Gòn vào ngay cuối tháng 10 này. Để triển khai tại thành phố sầm uất nhất Việt Nam, việc mở rộng địa điểm, xây bếp trung tâm, thiết lập nguồn cung ứng và tuyển dụng nhân sự sẽ tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ.
Thậm chí, Chi Anh đã có kế hoạch cho việc tự xây dựng vùng trồng, vùng nguyên liệu để đảm bảo chất lượng thức ăn cung cấp tại các nhà hàng.
Dự kiến từ nay đến hết năm, The KAfe sẽ nâng số địa điểm tại Việt Nam lên hơn gấp đôi, từ 12 hiện nay lên 26 cửa hàng. Không giống như những gì mọi người thường nói về người Hà Nội như nhẹ nhàng hay dịu dàng, táo bạo và không dè dặt là những gì The KAfe hướng tới. “Tôi muốn phục vụ thực khách ở Sài Gòn những dịch vụ tốt nhất của mình. Đó là tinh thần của The KAfe khi Nam tiến”, Chi Anh chia sẻ.
Câu hỏi đặt ra là “chất lượng tốt nhất” của The KAfe đề cập tới liệu đã đủ sức cạnh tranh với các chuỗi nhà hàng ở Sài Gòn? Tỉ lệ lấp bàn trong giờ cao điểm cả The KAfe tại Hà Nội có thể đạt 80 – 100%, nhưng Sài Gòn có thể là một câu chuyện khác.
Đem cảm xúc ẩm thực tạo nên sự khác biệt giữa đất Sài Gòn
Trên thực tế, mô hình “fusion” – lai giữa quán cà phê và nhà hàng của The KAfe không mới, đặc biệt là tại Sài Gòn. Vì vậy, đây sẽ là thị trường hứa hẹn mang tính thử thách cao hơn, khi mô hình The KAfe không mang tới yếu tố mới, lạ như ở thị trường Hà Nội. Để cạnh tranh được với những đối thủ giàu kinh nghiệm hơn, The KAfe phải tạo ra sự khác biệt.
Điểm khác biệt mà The KAfe hướng tới, sẽ là thực đơn của nhà hàng. Cốt lõi chính sẽ là ẩm thực. Thực đơn của The KAfe bao gồm những món ăn tươi sống, thay đổi liên tục và ít nhất, một năm sẽ có 2 lần biến đổi để phù hợp với từng mùa. Yêu thích ẩm thực và từng xuất bản sách về dạy nấu ăn, chọn ngành kinh doanh ăn uống không phải là tình cờ, mà còn là đam mê cá nhân của Đào Chi Anh. Đến khi ra Sài Gòn, cô hy vọng, đây sẽ là trở thành lợi thế cạnh tranh của The KAfe.
“Các nhà hàng ở Sài Gòn hoạt động rất chuyên nghiệp. Họ thuê mặt bằng đẹp, trang trí chuyên nghiệp, đầu bếp nước ngoài phục vụ và hoạt động theo một mô hình ổn định. Thường thì họ sẽ hướng tới việc tối ưu hóa hoạt động, sau đó nhân rộng mô hình hoặc duy trì. Khách hàng đến với họ vì sự chuyên nghiệp và ổn định đó.
The KAfe thì lại khác. Thực đơn sẽ liên tục có món mới, biến đổi theo xu hướng quốc tế, có sự giao thoa giữa các nên văn hóa với nhau. Đã là đồ ăn thì không thể tất cả đều giống y hệt nhau. Cùng một món ăn, hai người khác nhau nấu đã tạo ra sự khác biệt. Con người không phải ai cũng giống nhau và đó chính là điểm mạnh của The KAfe – có cảm xúc trong từng món ăn, từng dịch vụ”, Chi Anh chia sẻ.
“Chắc chắn sẽ có sự chênh lệch giữa các cửa hàng của The KAfe. Bất kỳ một mô hình kinh doanh nào cũng có khuyết điểm, và với kinh doanh nhà hàng thì điều này càng dễ thấy. Điểm quan trọng là phải cho khách hàng thấy là mình luôn cố gắng tạo ra những dịch vụ tốt nhất, và cải thiện những khuyết điểm theo thời gian. Nếu bạn đã yêu mến một ai đó, sẽ có lúc bạn sẵn sàng bỏ qua những sai sót nhỏ của họ”, cô chia sẻ.
Sau kế hoạch mở rộng ở Sài Gòn, điểm đến tiếp theo của The KAfe sẽ là khu vực, xa hơn nữa là tới tận châu Âu. Một kế hoạch cho những đợt gọi vốn lớn hơn cũng đã được vạch ra. Tất nhiên, cũng như bất kỳ một startup nào khác, bên cạnh cơ hội cũng là những rủi ro lớn mà nhà điều hành phải chấp nhận.
“Đó sẽ là một dấu hỏi thú vị”, cô vui vẻ nói. “Nhưng chừng nào tôi vẫn duy trì kinh doanh gần gũi với trái tim của khách hàng, duy trì được đam mê của mình và đội ngũ của tôi vẫn là độc nhất, thì tôi tin rằng mình vẫn khác biệt, vẫn thành công”.