Đế chế fast food đã được nhà sáng lập Jollibee xây dựng như thế nào?
Có 2 thứ đã dẫn lối cho vị chủ tịch của Jollibee - Tony Tan Caktiong, trên con đường xây dựng công ty: Kinh nghiệm và vị giác của ông.
Khi Jollibee quyết định nhảy sang làm hamburgers thay vì kem vào những năm cuối thập niên 1970, nhà sáng lập của họ Tony Tan Caktiong và vợ của ông Grace đã nếm thử tất cả các loại burgers khác nhau mà họ có thể tìm thấy ở Manila nhằm biết được tất tần tật những hương vị burgers đang có mặt trên thị trường lúc đó.
3 tài sản trong tay ông chủ Jollibee
Ngày nay, dù đã là chủ tịch của Jollibee, Tony Tan Caktiong vẫn đang tiếp tục thực hiện những cuộc khảo sát thị trường với cách làm tương tự. Điểm khác biệt duy nhất nằm ở quy mô: Tony Tan Caktiong thử nhiều món ăn hơn ở nhiều quốc gia khác nhau.
Trong những năm gần đây, người đàn ông đứng sau chuỗi cửa hàng fast food phổ biến nhất ở Phillipines dành phần lớn thời gian của mình ở nước ngoài để nếm thử tất cả các món ăn từ Dim Sum tới bánh Taco. Tony Tan Caktiong làm tất cả việc này để hiện thực hóa giấc mơ biến Jollibee trở thành một đế chế toàn cầu trong ngành F&B.
“Chúng tôi vẫn luôn đi nhiều nơi và thử những món ăn mới, rồi lại tiếp tục và thốt lên: Món này thật tuyệt”. Tony Tan Caktiong nói như vậy với các phóng viên vào cuối tháng sáu, ngay trước chuyến bay đến Hong Kong và Trung Quốc đại lục, những nơi được ông xem là trụ cột trong sự phát triển toàn cầu của Jollibee.
Khi Tony Tan Caktiong tìm được những thứ làm mình thật sự thích thú, ông ấy sẽ yêu cầu các ngân hàng đầu tư hoặc các nhà cung ứng kết nối với những mục tiêu tiềm năng đó.
Trong cuộc săn lùng để mua lại những công ty mới, Tony Tan Caktiong có trong tay 3 thứ: Khoản tài chính 1 tỷ USD, hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B và … vị giác của mình.
Từ đứa trẻ kén ăn đến ông chủ trong ngành hàng ăn uống
Tony Tan Caktiong được sinh ra trong một gia đình nhập cư đến từ tỉnh Phúc Kiến – Trung Quốc. Bố của ông từng làm đầu bếp tại một tu viện Phật giáo ở Manila trước khi tự tay mở một nhà hàng ở Davao, miền nam Phillipines.
Chính điều này đã giúp Tony Tan Caktiong có cơ hội quan sát cách vận hành một nhà hàng từ bé. Ông cũng sở hữu một khả năng trời phú trong việc đánh giá các món ăn.
Tony Tan Caktiong là con thứ 3 trong một gia đình 7 anh em. Năm 2013, ông kể với phóng viên của Forbes: “Mẹ của tôi nói rằng tôi là đứa khó nuôi nhất trong nhà vì tôi là đứa trẻ khó tính trong việc ăn uống trong khi các anh em của tôi lại sẵn sàng ăn bất cứ thứ gì”.
Sau khi tốt nghiệp Đại học, Tony Tan Caktiong bắt đầu sử dụng những khả năng này của mình để khởi nghiệp. Năm 1975, Tony Tan Caktiong cùng vợ mở hai cửa hàng kem nhượng quyền Magnolia ở ga tàu điện ngầm Manila. Để cạnh tranh với các đối thủ, cửa hàng của ông sử dụng những chiếc muỗng kem lớn hơn. Nhưng người Phillipines lại thích ăn đồ nóng trước khi dùng thức ăn lạnh như kem. Sự thật này đã đưa vợ chồng Tony Tan Caktiong đến với quyết định bán thêm bánh sandwich rồi sau đó là burger.
3 năm sau, họ giới thiệu một loại hamburger mới có tên Yumburger. Món ăn này sau đó cực kì đắt hàng. Và điều này đã thúc đẩy vợ chồng Tony Tan Caktiong tiếp tục đưa vào menu của Jollibee những món mới như gà rán, pasta và các món ăn bản địa của người Phillipines.
Tony Tan Caktiong từng nói với những cộng sự của mình rằng ông khát khao tạo ra một công ty thực phẩm lớn nhất thế giới. “Đó là khi chúng tôi mới chỉ có 5 cửa hàng và vài người đã cười khi nghe thấy nó, nhưng tôi chưa bao giờ đùa cả.”
Chú ong đỏ từ Philippines và người khổng lồ McDonald’s
Quyết tâm của Tony Tan Caktiong đối mặt một thử thách khó khăn khi McDonald’s đặt chân vào thị trường Philippines vào năm 1981.
“Nhiều người bạn có ý tốt khuyên chúng tôi nên bán đi chuỗi cửa hàng nhỏ của mình khi nó vẫn còn hoạt động tốt. Sau tất cả, làm thế nào một công ty nhỏ bé của Philippines với chỉ 5 cửa hàng lại có thể đấu lại một công ty đa quốc gia hàng đầu trong chính lĩnh vực mà họ đã phát minh – hamburger?”, ông nhớ lại bài phát biểu của mình năm 2013, tránh nhắc đến trực tiếp tên chuỗi cửa hàng fast food lừng danh của Mỹ.
Chú ong đỏ – biểu tượng của Jollibee ngày nay được Tony Tan Caktiong giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1980, đang phải cạnh tranh với người khổng lồ McDonald’s.
Tony Tan Caktiong còn nói đùa rằng nếu nghe theo lời khuyên của bạn mình, chắc hẳn giờ ông ấy đang đứng lật bánh burger cho chính công ty mà bất kì ai cũng đều biết.
Chú ong đỏ – biểu tượng của Jollibee ngày nay được Tony Tan Caktiong giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1980. Chú ong Jollibee đã giúp thương hiệu này càng được yêu thích hơn, đặc biệt đối với trẻ em Philippines khi chúng luôn muốn được bố mẹ tổ chức sinh nhật tại các cửa hàng Jollibee.
Kristelle Batchelor từng là một đứa trẻ như thế. Ngồi trong một cửa hàng Jollibee tại quận Queens, New York, Kristelle chia sẻ rằng cô đến những cửa hàng ở nước ngoài của Jollibee để vơi đi nỗi nhớ nhà. Nữ tiếp viên hàng không 23 tuổi đang sống tại New York cũng nói thêm: “Tôi thích ngồi xung quanh những người Philippines và mùi vị ở cửa hàng này gợi nhớ về tuổi thơ của tôi”.
Thương hiệu Jollibee đã trở thành một biểu tượng đến nỗi khi đầu bếp – người dẫn chương trình truyền hình ẩm thực nổi tiếng Anthony Bourdain ghi hình một chương trình tại Philippines vào năm 2016, ông đã ghé qua một cửa tiệm Jollibee. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã khiến người dân Philippines cảm thấy quý mến mình và làm lu mờ những người biểu tình chống lại việc nhập khẩu rác từ Canada vào quốc gia này khi ông đến một cửa hàng Jollibee ở Manila vào năm ngoái.
Nhiều năm về trước, khi được hỏi tại sao lại chọn chú ong làm biểu tượng của Jollibee, Tony Tan Caktiong nói rằng con vật này đại diện cho những tính cách đặc trưng của người Philippines: Chăm chỉ, lạc quan và vui vẻ. Và chính những đức tính này cũng tồn tại bên trong con người của ông.
Theo Nikkei
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra