Ở Việt Nam hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 21 cơ sở ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, góp phần nuôi dưỡng sự hình thành và phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều DN trong nước chưa có nhu cầu đổi mới công nghệ. Các DN khởi nghiệp cũng gặp nhiều rào cản và chưa tiếp cận được với các DN lớn vốn dĩ là các khách hàng tiềm năng.
“Mảnh đất” giàu tiềm năng
Theo thống kê, hiện có hơn 20 Quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài có hoạt động đầu tư cho hoạt động KN ĐMST tại VN như: IDG Ventures, CyberAgent Ventures, VinaCapital, 500 startups… Tuy nhiên các quỹ này cũng chưa đầu tư thành lập quỹ 100% vốn nước ngoài tại VN mà chỉ có văn phòng đại diện để tìm các khoản đầu tư. Gần đây, nhận thấy tiềm năng phát triển của các DN KN ĐMST ở VN, số lượng các quỹ nước ngoài đang có xu hướng tăng lên. Tổng số thương vụ đầu tư mạo hiểm vào VN năm 2012 là 24 thương vụ thì đến năm 2015 đã tăng lên 67 thương vụ và hứa hẹn sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới.
Tại VN hiện nay cũng đã bắt đầu hình thành một số mạng lưới đầu tư thiên thần như: VIC Impact với khoảng 10 nhà đầu tư là doanh nhân KN thành công và một số nhà đầu tư chuyên nghiệp; Hatch! Angel network – mạng lưới nhà đầu tư do tổ chức Hatch hỗ trợ KN hình thành; iAngel – mạng lưới đầu tư thiên thần mới được hình thành, dựa trên thành viên chính là các thành viên của Hiệp hội DN trẻ Hà Nội (HanoiBA).
Theo đánh giá của công ty quản lý quỹ đầu tư Global Emerging Markets (GEM), nhận thức về cơ hội khởi nghiệp tại VN đã tăng từ 36.8% (năm 2013) lên 39.4% (năm 2014). Tuy nhiên, mức này vẫn còn thấp so với so với mức bình quân 55,6% của các nước đang ở giai đoạn phát triển tương tự như VN. Để hoạt động KN ĐMST thành công cần tạo ra một môi trường “vườn ươm” để các “hạt giống” là các start-up có điều kiện “nảy mầm” tốt nhất. Môi trường này được gọi là hệ sinh thái KN sáng tạo. Tuy nhiên, tại VN, bên cạnh những thuận lợi, lĩnh vực KN ĐMST vẫn là lĩnh vực mới mẻ và các DN KN vẫn gặp nhiều khó khăn khiến môi trường KN chưa bùng nổ như các nước khác.
Đơn cử như về tỉ lệ dân số sử dụng Internet, tại VN là 52% trong Singapore – quốc gia rất mạnh về khởi nghiệp lên tới là 82,5%. Hạ tầng giao thông, năng lượng, ICT… chính là một trong những thành phần quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp và VN đang trong xu hướng phát triển.
Cần đảm bảo môi trường pháp lý
Mặc dù đã có hành lang pháp lý cơ bản để DN khởi nghiệp phát triển, tuy nhiên điểm yếu đối với hoạt động khởi nghiệp ĐMST hiện nay là chưa có hành lang pháp lý, chính sách đặc thù cho khởi nghiệp: về đầu tư mạo hiểm, đầu tư gọi vốn cộng đồng, ưu đãi thuế cho nhà đầu tư cá nhân, cơ chế đối ứng đầu tư từ nhà nước cho các quỹ đầu tư tư nhân, cơ chế thoái vốn của nhà đầu tư.
Chính vì vậy, thách thức đặt ra là nếu không xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, các nhà đầu tư sẽ không lựa chọn thị trường VN mà đầu tư cho các nước khác trong khu vực ASEAN. DN khởi nghiệp ĐMST từ VN sẽ sang các nước khác trong khu vực để lập nghiệp. Hoặc thậm chí các DN khởi nghiệp sẽ không muốn phát triển mạnh mà muốn giữ quy mô nhỏ để tránh các vướng mắc về hành chính, pháp lý.
Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng cho biết: “Các văn bản chính sách có liên quan đến việc đầu tư tại VN cần được quy định rõ ràng để các nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào VN. Ví dụ các nhà đầu tư từ nước ngoài muốn đưa tiền vào VN đầu tư cho khởi nghiệp được phép chuyển tiền ra khỏi VN khi DN làm ăn tốt. Hoặc những chính sách về thuế cho hoạt động khởi nghiệp cần phải nhìn tổng thể vào các dự án họ đầu tư chứ không thể đánh thuế trên một dự án thành công, mà cần đánh giá ngay trên những dự án thất bại… như vậy sẽ khuyến khích họ đầu tư vào VN”.
“Cần phải đảm bảo môi trường pháp lý, công khai minh bạch trong quá trình cung cấp thông tin, các thủ tục thành lập, các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp cho các nhà đầu tư, các nhà khởi nghiệp biết để dàng thâm nhập vào kho cơ sở dữ liệu, điều đó mới giúp cho hoạt động khởi nghiệp tại VN thuận lợi” – ông Tùng khẳng định.
Thay lời cộng đồng startup tại sự kiệnTechFest 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, các DN KN mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện để có không gian sáng tạo chung giúp các DN gặp gỡ các nhà đầu tư, kết nối với các trường đạo tạo; các trung tâm tư vấn về pháp luật, kế toán… Ngoài ra, khi đã đạt được thành công sẽ “bán mình” cho các nhà đầu tư lớn để có nguồn lực sẵn sàng cho các ý tưởng khởi nghiệp mới. Do đó, các DN KN cũng mong muốn có thêm nhiều cơ hội hợp tác, làm việc với các DN lớn vừa để học hỏi kinh nghiệm, tìm thị trường vừa để tranh thủ tìm nhà đầu tư.
K. Linh | Theo Lao Động