Doanh nghiệp tạo tác động xã hội không phải một tổ chức từ thiện mà trước hết phải là doanh nghiệp, tạo ra nguồn doanh thu, lợi nhuận và cung cấp những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đó là những chia sẻ của các doanh nhân tại Impact Enterprise Summit – Diễn đàn Doanh nghiệp tạo tác động xã hội do Seed Planter và Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) đồng tổ chức vào ngày 14/4 vừa qua.
Chương trình được hỗ trợ bởi Lãnh sự quán Mỹ với mục tiêu kết nối các bạn trẻ và các doanh nghiệp đã và đang giải quyết những vấn đề cấp thiết của xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ giáo dục, nông nghiệp, công nghệ, đến tài chính vi mô… và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội ở Việt Nam và trên thế giới.
Khi nói về các tổ chức tạo tác động xã hội, phần đông đa số sẽ nghĩ về hoạt động từ thiện, tình nguyện viên. Nhưng theo một báo cáo của Global Social Entrepreneurship Network, Mỹ, Canada, Anh, Singapore, và Israel là các quốc gia có hơn 60% doanh nghiệp khởi nghiệp tác động xã hội thu được lợi nhuận, tốc độ phát triển lên đến 80%, và đa phần đều nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía chính phủ. Những lĩnh vực này bao gồm giáo dục, hỗ trợ việc làm, nông nghiệp, môi trường,…
Tại Diễn Đàn Doanh nghiệp tạo tác động xã hội 2018, ông Lý Trường Chiến – Chủ tịch Trí Tri Group phát biểu: “Áp dụng tinh thần doanh nhân để giải quyết các vấn đề xã hội là việc vô cùng cần thiết. Vì về bản chất, một tổ chức nếu không thể tự tạo ra nguồn doanh thu thì sẽ không bao giờ bền vững”.
Doanh nghiệp tạo tác động xã hội vận hành như một doanh nghiệp
Doanh nghiệp tạo tác động xã hội, về cơ bản, vẫn là một doanh nghiệp, tuân theo những quy luật cơ bản của thị trường, phải đáp ứng được nhu cầu khách hàng và chỉ kiếm được doanh thu, lợi nhuận nếu có sản phẩm dịch vụ thỏa mãn các nhu cầu đó. Tuy nhiên, không ít người khởi nghiệp trẻ thường sa đà vào các ý tưởng lớn mà quên đi bước đầu tiên quan trọng nhất: tìm hiểu khách hàng. Rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp thất bại hoặc không có khả năng nhân rộng quy mô vì đã xem nhẹ giai đoạn nghiên cứu, tìm hiểu thị trường để kiểm chứng được mức độ khả thi của dự án, hiểu được người tiêu dùng có thật sự cần sản phẩm dịch vụ doanh nghiệp tạo ra hay không. Mặt khác, sự nhập nhằng trong quá trình vận hành, đào tạo nhân sự cũng là vấn đề tồn tại gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Anh Vũ Anh Tú, Founder nhà hàng Noir cho biết, “Khi bắt đầu ý tưởng xây dựng nhà hàng, tôi luôn phải đau đáu tìm hiểu xem mình phải làm gì để khác biệt với 3.000 nhà hàng còn lại ở TP.HCM. Chưa kể, dù nhân viên phục vụ của mình là các bạn khiếm thị, tôi không muốn lấy đó làm chiêu trò, cái tôi muốn mang lại vẫn là những giá trị thực, người đến nhà hàng phải thấy đồ ăn ngon, chất lượng dịch vụ tốt và trải nghiệm thú vị.
Vấn đề nhân sự luôn là vấn đề mấu chốt của doanh nghiệp. Lúc đầu, tôi cũng gặp trở ngại khi đào tạo các bạn khiếm thị. Chúng tôi cũng phải nói chuyện, tìm hiểu cách sống của các bạn để hiểu hơn, từ đó đưa ra phương pháp đào tạo. Với tôi, một doanh nghiệp muốn tồn tại, quan trọng là con người. Chúng tôi trao quyền để nhân viên của mình làm chủ không gian Noir và thưởng phạt phân minh. Các bạn dù khiếm khuyết nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm như một người nhân viên thực sự”.
Cần nhiều ý tưởng kinh doanh đột phá cho giáo dục
Vận hành như một doanh nghiệp, tuy nhiên, điểm khác biệt của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội là họ chọn cho mình sứ mệnh để theo đuổi đến cùng. Giáo dục cũng là một mảng tiềm năng để các doanh nghiệp có thể tạo nên nhiều đột phá. Cơ hội và thách thức trong mảng giáo dục được phân tích, mổ xẻ nhiều nhất trong diễn đàn, khi môi trường giáo dục Việt Nam còn nhiều bất cập.
Ở nông thôn Việt Nam, chỉ có hơn 13% trẻ em hoàn tất trung học phổ thông, so với con số 37% ở thành phố, thể hiện sự bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền, dẫn đến nhiều bất cập về mặt an sinh xã hội và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó còn là tình trạng thiếu hụt các kỹ năng nhận thức, tư duy phản biện, làm việc nhóm,… Theo đánh giá của World Bank, có đến 80% ứng viên tìm việc thiếu các kỹ năng chuyên môn cần thiết và 83% ứng viên thiếu kỹ năng cần cho các vị trí kỹ thuật.
Anh Huỳnh Hạnh Phúc, Founder Teach For Vietnam cho biết: “Không ít các nhà đầu tư trên thế giới thích đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đặc biệt về giáo dục cảm xúc và kỹ năng phát triển cá nhân vì đây là một trong những vấn đề tạo tác động xã hội bền vững. Tuy nhiên, mô hình giáo dục công lập Việt Nam đang thực sự phát triển rất chậm vì không có sự kết hợp với các doanh nghiệp tư nhân để tạo ra những yếu tố đột phá. Giáo dục là một trong những lĩnh vực cần kết hợp nhiều bên thì mới đẩy mạnh đi được. Tinh thần kinh doanh sẽ giúp giáo dục tạo ra nguồn thu để duy trì, gây quỹ hoạt động, và các tổ chức phi lợi nhuận sẽ giúp tạo ra những mô hình sáng tạo, đưa giáo dục gần gũi với thực tế hơn”.
Ứng dụng công nghệ trong giải quyết vấn đề xã hội
Smartphone gắn bó với mọi hoạt động của con người hiện đại. Đây là một dấu hiệu điển hình thể hiện cho sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và mức độ ảnh hưởng của nó lên đời sống con người. Công nghệ đang từng ngày mang đến sự tiến triển trong đời sống xã hội, cụ thể là cách chúng ta kết nối, truyền thông, làm việc và giải trí. Chính vì thế những giải pháp thông minh áp dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề xã hội đã trở thành một hướng đi mới mẻ, nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp hướng về cộng đồng tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.
Anh Văn Trần, Founder Vé Xe Rẻ cho biết: “Tình cờ đọc báo và thấy cảnh hàng ngàn người lao động và sinh viên Việt Nam phải chen chúc xếp hàng mua vé về quê dịp Tết khi đang học MBA tại Mỹ. Tôi tự hỏi tại sao Việt Nam không áp dụng mô hình đặt vé xe trực tuyến giống như ở Mỹ để tiết kiệm thời gian. Với tôi, công nghệ hiện nay rất phát triển, tuy nhiên bạn phải quan sát kĩ lưỡng để cảm nhận sâu sắc những vấn đề đang còn tồn đọng để ứng dụng những giải pháp công nghệ thành một ý tưởng kinh doanh”.
Theo DNSG Online.