Cuối năm, khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng mạnh thì trên thị trường hàng gian, hàng giả càng xuất hiện nhiều. Và dường như các Doanh nghiệp Việt Nam đang né tránh việc chống hàng giả?
Thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), trong 10 tháng năm 2016, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 172.000 vụ liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, tăng 2% so với cùng kỳ 2015.
Nhận định từ các cơ quan quản lý thị trường, thời điểm trước Tết Âm lịch 2017, mức tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng mạnh, nhất là quần áo, vải, giày dép, mỹ phẩm, thuốc lá điếu, rượu, bia, thực phẩm, thiết bị điện tử, sẽ khiến lượng hàng giả xuất hiện nhiều hơn.
Hàng giả muôn hình vạn trạng
Phát biểu tại Hội thảo Giải pháp chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp (DN) do Cục Sở hữu trí tuệ, Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM phối hợp với Công ty Vina CHG tổ chức tại TP.HCM, ông Nguyễn Thành Danh – Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cho biết: “Đủ loại hàng hóa làm giả với đủ kiểu giả, giả gì cũng có. Từ giả hình thức, tức làm giống hàng thật về hình dáng, đến giả nội dung, tức ruột có chất lượng không đảm bảo”.
Hàng tấn bột Knor, bột ngọt Ajinomoto, cà phê làm giả các thương hiệu lớn, hàng ngàn bình gas giả bị bắt giữ cho thấy quy mô làm giả hàng hóa là rất đáng báo động. Theo đại diện cơ quan Quản lý thị trường, các cơ sở vi phạm cho nhân viên đến nhà người tiêu dùng xin vào kiểm tra chất lượng bình gas định kỳ rồi nhanh chóng dán đè tên và số điện thoại cơ sở trá hình lên bình gas thật.
Hầu hết người tiêu dùng sau đó đã gọi đến những số này mà không hề biết đã bị tráo. Hay vỏ xe BLC cũng bị các đối tượng làm giả bằng cách mài tên vỏ xe thật, sau đó in chồng tên BLC lên.
Chia sẻ về mức độ và quy mô của hàng giả trong lĩnh vực chi tiết máy, ông Trần Thanh Kha – một trưởng phòng của Công ty TNHH NGK Spark Plugs Việt Nam cho biết: “Trên thị trường có khoảng 8 triệu bugi bị làm giả, chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc. Trong số 1.208 bugi được kiểm tra tại các cửa hàng xe máy khu vực miền Bắc có 200 bugi giả, chiếm 16,2%; tại các cửa hàng xe máy khu vực miền Trung, lượng bugi giả chiếm 3,4%; và ở TP.HCM có đến 25,5% bugi giả. Theo điều tra của chúng tôi, tại Việt Nam, cứ 10 chiếc xe máy sử dụng bugi NGK thì có 5 bugi giả”.
Về làm giả, xâm phạm quyền sở hữu thương hiệu phải kể đến một loạt cơ sở sửa chữa xe máy không phải đại lý của Công ty Honda Việt Nam nhưng vẫn trưng bảng hiệu, in tên Honda để đánh lừa người tiêu dùng.
Thậm chí cơ sở nhái còn cho nhân viên giả mặc đồng phục giống hệt nhân viên của Công ty Gỗ Trường Thành để người tiêu dùng lầm tưởng đang vào mua hàng của Trường Thành.
Doanh nghiệp né tránh, cơ quan thực thi thiếu quyết liệt
Bị làm giả sản phẩm, bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ngoài thiệt hại kinh tế, DN còn phải đối mặt với nguy cơ tổn hại uy tín thương hiệu khi vướng vào quá trình kiện tụng kéo dài.
Ông Nguyễn Quyết Tâm – Giám đốc Chi nhánh Miền Nam Công ty TNHH Ích Nhân chia sẻ: “Bốn năm liền chúng tôi theo đuổi vụ kiện về tên sản phẩm thực phẩm chức năng Bảo Xuân. Sau 2 phiên tòa hành chính, 13 lần kết luận vi phạm và xử lý vi phạm tại cơ sở và kênh phân phối có sự tham gia của Viện Khoa học – Công nghệ, Thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ, Chi cục Quản lý thị trường, sản phẩm giả vẫn được lưu hành và biến tướng phức tạp. Sự cố tình vi phạm diễn ra nhiều năm với nhiều hình thức khác nhau khiến cho Công ty bị thiệt hại nặng nề”.
Một trong những nguyên nhân khiến cho cuộc chiến chống hàng giả không đạt hiệu quả là do sự thiếu quyết đoán của chính DN bị hại và cả các cơ quan liên quan. Ông Đàm Thanh Thế – Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: ” Phát hiện sản phẩm của công ty mình bị làm giả nhưng nhiều DN âm thầm xử lý hoặc từ chối hợp tác với cơ quan quản lý do lo ngại sức tiêu thụ giảm, uy tín thương hiệu bị ảnh hưởng”.
Lý giải nguyên nhân việc DN né tránh hợp tác, ông Nguyễn Thành Danh cho biết: “Các hình thức xử lý vi phạm trong sản xuất, phân phối hàng gian, hàng giả là dân sự, hành chính và hình sự. Trong đó, các giải pháp dân sự thường kéo dài, dẫn đến việc người bị hại né tránh hợp tác với lý do không có thời gian theo đuổi kiện tụng. Để xử lý hình sự thì cần phải tuân thủ theo quy trình. Vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương đã bắt giữ 4.638 gói Knor, tương đương 5 tấn Knor làm giả nhưng vẫn không đủ điều kiện để xử lý hình sự”.
Không chỉ DN né tránh, phát biểu tại Hội thảo, theo ông Trần Hùng – Phó Ban Chỉ đạo 389 quốc gia: “Phải đặt câu hỏi xem các cơ quan quản lý đã làm việc hết công suất hay chưa. Vụ việc về thương hiệu Bảo Xuân chỉ đến khi cơ quan cấp trên vào cuộc mới chấm dứt quá trình khiếu kiện và vi phạm kéo dài. Rõ ràng ở đây có tình trạng cán bộ ngại xử lý tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ”.
Phạm Thuỷ | Theo Doanh Nhân Sài Gòn