Ông Lê Hoàng – Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam cho biết sẽ ưu tiên đơn vị kinh doanh hợp pháp, có uy tín lâu năm, có khả năng tổ chức các hoạt động tôn vinh văn hóa đọc.
Vừa qua, UBND TP HCM đã ban hành quyết định thực hiện đường sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1. Đường sách không chỉ là không gian văn hóa của thành phố mà còn góp phần phát triển văn hóa đọc cho người dân.
Trước ngày khởi công (15/10) thực hiện đường sách, ông Lê Hoàng, phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam đã chia sẻ cùng Zing.vn những thông tin thú vị về dự án này.
Sẽ mở rộng mô hình đường sách trên cả nước
– Là một trong hai đơn vị được giao thực hiện đường sách, cảm xúc của ông thế nào khi đón nhận quyết định từ UBND thành phố?
– Là người gắn bó lâu năm với ngành xuất bản, tôi rất mừng khi ủy ban đồng ý thực hiện đường sách và chỉ đạo đây là công trình chào mừng Đại hội đại biểu nhân dân lần thứ X. Việc hình thành đường sách là điều cần thiết vì xuất phát từ chuyện “buôn có bạn, bán có phường”. Hơn nữa, ở các nước trên thế giới đều có những phố sách từ lâu. Ở Sài Gòn trước và sau giải phóng cũng có phố sách như phố sách Đặng Thị Nhu.
Trước khi trình ủy ban kế hoạch về đường sách, chúng tôi đã có nhiều thời gian nghiên cứu và tìm hiểu về địa điểm thì thấy rằng, đường Nguyễn Văn Bình là con đường thích hợp nhất làm đường sách. Con đường này ở trung tâm thành phố, cạnh nhà thờ Đức Bà, bưu điện thành phố, UBND thành phố, có chiều dài ngắn chỉ hơn 100 m. Nơi đây từng có các hoạt động văn hóa như bán tem, bưu thiếp, không có nhà dân, không phải vướng mắc ở khâu giải tỏa.
Ông Lê Hoàng, phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam. |
– Ông kỳ vọng gì vào sự ảnh hưởng của đường sách sau khi thành lập?
– Trước khi thực hiện dự án đường sách, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo với sự tham gia của các nhà tri thức, nhà nghiên cứu… thì đa số các ý kiến đều ủng hộ xây dựng. Đường sách là không gian văn hóa, nó không chỉ là nơi trưng bày những quyển sách hay, quý mà còn là nơi diễn ra những hoạt động tôn vinh văn hóa đọc, tác giả gặp gỡ độc giả để trao đổi và cùng sáng tạo…
Xây dựng đường sách nghĩa là sẽ có những phiên chợ, bán những tác phẩm cùng chủ đề như ngày tình yêu, ngày phụ nữ hay những cuốn sách quý mà chỉ có ở đường sách mới có. Nơi này là không gian của những người chơi sách, yêu sách, nói những chia sẻ về sách.
Ngoài ra, nếu đường sách TP HCM hoạt động tốt thì cũng sẽ là mô hình để các tỉnh thành khác triển khai. Đà Nẵng đang nhờ tôi hướng dẫn thực hiện đường sách. Tôi tin rằng, từ những phố sách thế này sẽ làm cho văn hóa đọc của người dân thành phố tăng lên.
Đơn vị kinh doanh gian hàng sẽ không được sang nhượng
– Thiết kế đường sách thực tế có thay đổi gì so với thiết kế được trình UBND thưa ông?
– Về cơ bản, thiết kế đường sách không thay đổi so với thiết kế mà hội và sở Thông tin và truyền thông trình ủy ban. Chỉ có thay đổi nhỏ là những gian hàng sách trong tờ trình có vách ngăn thì khi xây dựng sẽ bỏ vách ngăn và giữa các gian hàng sẽ có một khoảng trống để tạo sự thông thoáng, liên kết.
– Việc khởi công đường sách khá gấp rút sẽ ảnh hưởng thế nào đến tiến độ dự án?
– Ngày 10/10 chúng tôi nhận được quyết định thì ngày 15/10 sẽ khởi công. Dự kiến, công nhân làm ngày làm đêm để đến ngày 23/11 sẽ hoàn thành. Chúng tôi phải hoàn thành trong ngày này nhằm chào mừng ngày Nam kỳ khởi nghĩa. Trước đó, giai đoạn đầu của dự án sẽ hoàn thành vào ngày 6/11. Lúc này chúng tôi sẽ thực hiện những hoạt động triển lãm sách chào mừng đại hội Đảng.
Ông Lê Hoàng nhiều năm gắn bó với ngành xuất bản. |
– Điều rất nhiều các đơn vị xuất bản, phát hành quan tâm là làm thế nào có được gian hàng trên đường sách. Họ phải đóng góp thế nào và có tiêu chuẩn gì thưa ông?
– Trước tiên, những đơn vị kinh doanh hợp pháp trong lĩnh vực xuất bản, có uy tín lâu năm, có khả năng tổ chức các hoạt động tôn vinh văn hóa đọc, có khả năng tài chính để đầu tư cho các gian hàng, chấp hành pháp luật tốt sẽ đủ điều kiện vào kinh doanh.
Có điều, các đơn vị khi đã đăng ký kinh doanh trong gian hàng đường sách sẽ không được sang nhượng cho người khác. Nếu không kinh doanh thì trả mặt bằng cho hội xuất bản.
Theo chỉ đạo, đường sách được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa nên các đơn vị muốn tham gia đều phải đóng góp chi phí. Còn chi phí cụ thể thế nào hội và sở vẫn đang trong quá trình tính toán. Chúng tôi sẽ tập hợp tất cả chi phí liên quan đến đường sách như xây dựng gian hàng, điện nước, ánh sáng, bảo vệ, … sau đó tính ra mỗi gian hàng phải góp bao nhiêu.
Tôi nghĩ, ủy ban đã cho ngành xuất bản một mặt bằng quá lý tưởng. Nếu không có thành phố thì dễ gì các đơn vị xuất bản có mặt bằng đắc địa như vậy.
– Hiện nay đã có 20 yêu cầu được tham gia đường sách như nhà xuất bản Trẻ, Fahasa, Kim Đồng… Tuy nhiên, đây là lời nói, chưa có văn bản cụ thể. Trường hợp quá nhiều đơn vị muốn tham gia chúng tôi sẽ ưu tiên chọn những đơn vị có uy tín lâu năm, có năng lực tổ chức và tài chính…. Và cùng lắm có thể là bắt thăm may mắn.–
Hiện nay đã có những đơn vị nào đăng ký tham gia đường sách. Nếu cung vượt quá cầu thì hội sẽ xử lý thế nào?
Đường sách của TP HCM tất nhiên sẽ ưu tiên cho những đơn vị ở thành phố trước.
– Nhân sự của hội xuất bản ở miền Nam hơi mỏng, điều này khiến hội gặp khó khăn gì khi xây dựng đường sách?
– Không có gì khó khăn vì quá trình xây dựng đường sách đã có ý tưởng, đường lối và phương châm hoạt động rất rõ ràng. Hơn nữa, lại có sự tham gia của những đơn vị xuất bản rất uy tín nên vấn đề không phải là ít hay nhiều mà là định hướng ngay từ đầu.