Đó là một trong những vấn đề được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Khoa học kinh tế trẻ, với chủ đề: ‘Cộng đồng kinh tế ASEAN – Triển vọng và thách thức’, do Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM tổ chức mới đây.
- Sinh viên học cách khởi nghiệp trên ghế giảng đường
- Người trẻ thất nghiệp vì sống bị động và không dám lăn xả
- 5 khởi nghiệp Việt đáng quan tâm trong năm 2016
Nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng các trường ĐH ở Việt Nam cần đẩy mạnh và đưa ngay các chương trình giáo dục khởi nghiệp vào chính khóa để dạy cho sinh viên. Chính điều này sẽ làm nền tảng giúp cho sinh viên có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh để mạnh dạn khởi nghiệp sau khi ra trường, thậm chí ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường.
Đưa kỹ năng khởi nghiệp vào hệ thống giáo dục phổ thông
Đề cập về vấn đề giáo dục khởi nghiệp kinh doanh ở bậc ĐH tại Việt Nam, thạc sĩ Nguyễn Tuấn Dương (Trường ĐH Ngoại thương, cơ sở 2 tại TP.HCM) cho rằng: “Hoạt động khởi nghiệp ở TP.HCM đang diễn ra rất sôi nổi, nhận được sự quan tâm từ Chính phủ và người dân. Tuy nhiên, do thiếu sự chuẩn bị nên sinh viên chưa phát huy hết năng lực bản thân và tận dụng được các nguồn kênh hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan ban ngành vẫn còn thiếu kinh nghiệm và đang trong quá trình gầy dựng khung chương trình khởi nghiệp quốc gia”.
Để khắc phục tình trạng này, thạc sĩ Dương đề nghị: “Nhà nước cần xây dựng các chương trình giáo dục tinh thần và kỹ năng khởi nghiệp trong hệ thống giáo dục phổ thông, tăng cường nguồn vốn Chính phủ dành cho những người khởi nghiệp trẻ và đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển…”.
Cung cấp kiến thức ứng dụng nhiều hơn
Đề cập đến chất lượng nguồn nhân lực trong khu công nghệ cao TP.HCM trong bối cảnh hội nhập Việt Nam đã chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, Lưu Thị Kim Ngân (Khoa kinh tế thương mại, Trường ĐH Hoa Sen) cho rằng: “Việt Nam luôn tự hào về lực lượng lao động trẻ của mình. Tuy nhiên, lợi thế này cũng chỉ dừng lại trong mô tả lực lượng lao động vàng hay lực lượng lao động trẻ mà không thể tiến xa hơn thành lợi thế cạnh tranh của quốc gia. Lý do là vì lực lượng lao động của Việt Nam còn thiếu kỹ năng. Trong khi Việt Nam chỉ ngừng lại việc mô tả lực lượng lao động là trẻ thì các nước khác trong khu vực ASEAN đã tiến hành các hành động thiết thực để đào tạo lực lượng lao động của họ thành lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu ra nước ngoài”.
Cũng theo Kim Ngân, “Lỗ hổng” chính giữa giáo dục và yêu cầu công việc là về kiến thức thực tế. Nơi đào tạo cần cung cấp nhiều hơn lượng kiến thức ứng dụng được vào thực tế. Bên cạnh đó, các kỹ năng mềm cũng là yếu tố quan trọng trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Từ phía nơi đào tạo cũng nên chú trọng vào các kỹ năng này cho phù hợp với yêu cầu công việc của sinh viên sau này. Nơi đào tạo và doanh nghiệp nên chủ động liên hệ và gắng kết với nhau trong quá trình đưa ra chương trình đào tạo cho sinh viên, giúp tạo ra một chương trình đào tạo phù hợp về cả cung và cầu lao động.
Để doanh nghiệp khởi nghiệp của VN có thể đứng vững sau khi thành lập, thạc sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) nêu thực tế: Hiện nay, với đại đa số các doanh nghiệp tại Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp này phát triển và đứng vững trong nền kinh tế thì cần mở rộng thị trường kinh doanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Không chỉ nâng cao, đào tạo chuyên sâu về tay nghề, chuyên môn mà bài học từ các quốc gia phát triển cho thấy người lao động phải nâng cao khả năng hội nhập để lĩnh hội kiến thức rộng và xa thông qua cầu nối ngôn ngữ”, thạc sĩ Trang nói.
Lê Thanh | Theo Thanh Niên Online