Với gói mì ăn liền với giá chỉ tầm 3.000-4.000 đồng, không mấy ai hình dung được, chỉ vì một hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu bị tòa phán quyết, công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu (Asia Food) sẽ phải bồi thường thiệt hại cả gần tỷ đồng.
Hảo hảo, một mặt theo vụ kiện xâm phạm bản quyền, một mặt giảm giá bán để thu hút khách hàng (Ảnh nhỏ: Sản phẩm Hảo Hảo và Hảo Hạng)
Mì Hảo Hạng bị nhiều siêu thị từ chối vì nghi nhái Hảo Hảo
– Hiện nhãn hiệu mì gói Hảo Hạng của Công ty Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) đã gần như biến mất hoàn toàn tại nhiều siêu thị ở Hà Nội và TP HCM. Thậm chí, ở một số hệ thống siêu thị lớn như BigC, Fivimart, Vinmart, Lotte Mart… không chỉ nhãn mì trên, nhiều sản phẩm khác của Asia Foods như mì Gấu Đỏ, mì Trứng Vàng cũng không có mặt trên kệ hàng.
– Nhân viên phụ trách quầy đồ khô tại siêu thị BigC và Fivimart cùng cho biết, từ trước tới nay, hai siêu thị này không bán mì Hảo Hạng, Gấu Đỏ. Những nhãn phổ biến tại đây hầu hết là của những thương hiệu khác gồm Massan, Micoem, Vina Acecook, Vifon… Bà Trần Huỳnh Nhật Thương, đại diện truyền thông của Lotte khẳng định, từ trước đến nay Lotte Mart vẫn bán các sản phẩm của Asia Foods. Tuy nhiên, đầu năm 2015, khi nhận được lời chào hàng của nhà cung cấp với sản phẩm mì Hảo Hạng, bộ phận kinh doanh của siêu thị này nhận thấy dấu hiệu không ổn từ sản phẩm, nên tạm thời từ chối. “Chuyên viên kinh doanh của chúng tôi thấy bao bì bên ngoài sản phẩm Hảo Hạng khá giống bao bì và tên gọi Hảo Hảo, nên quyết định không nhập và tiếp tục thăm dò thị trường”, bà Thương chia sẻ.
Tuy nhiên, cái mất lớn hơn nữa và không đo đếm được sẽ là hình ảnh của một DN trong lòng người tiêu dùng.
Gói mì và… “cơm bữa”
Chuyện xâm phạm sở hữu trí tuệ ở VN thực tế đã và đang diễn ra như cơm bữa. Đó có thể là xâm phạm sở hữu trí tuệ cao cấp với các sản phẩm công nghệ cao mà phần lớn người sử dụng/ tiêu dùng gián tiếp hỗ trợ cho hành vi xâm phạm này là “dân trí thức” (sinh viên, văn phòng công sở). Thấp hơn một chút nhưng trị giá hàng chục đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm là hàng triệu người tiêu dùng VN “vô tư” sử dụng các văn hóa phẩm lậu như đĩa CD writer, VCD, DVD… cho đến các dụng cụ, phụ trang kềm, kéo, áo quần… Gần đây nhất, đồ nhái còn len vào thực phẩm tiêu dùng – một lĩnh vực tiêu thụ quan trọng bậc nhất trong đời sống 90 triệu dân vốn đang có thu nhập mức trung bình và sức tiêu thụ tốt so với thị trường 600 triệu dân ở khu vực.
Chuyện hai DN mì trong nước “đấu” nhau chỉ quanh gói mì mang tên Hảo Hảo – Hảo Hạng và các hình ảnh, mẫu mã bao bì sản phẩm là một ví dụ điển hình cho sự xâm phạm sở hữu trí tuệ trong tiêu dùng hiện đại: lĩnh vực thực phẩm công nghiệp.
Diễn tiến của vụ Vina Accook, DN sở hữu thương hiệu mì Hảo Hảo khiếu nại, đến khởi kiện Asia Food, DN sản xuất sản phẩm mì Hảo Hạng đã được thông tin khá nhiều thời gian qua. Đáng chú ý nhất trong diễn tiến của vụ việc này là ứng xử của hai bên trong vụ tranh chấp. Cùng với đó, là nhận thức người tiêu dùng đối với sở hữu trí tuệ, như một quyền và trách nhiệm ở thế kỉ hội nhập. Theo tìm hiểu, nhãn hiệu mì Hảo Hạng đã được Công ty Asia Foods đăng ký từ 9 năm trước, vào năm 2006. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, thương hiệu này khá chìm trên thị trường, cho tới khi vướng vào vụ kiện tụng về vi phạm bản quyền với mì gói Hảo Hảo của Vina Acecook từ đầu năm 2015. Thậm chí, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Hữu Nam từng khẳng định: “Mẫu bao gói mì Hảo Hạng đỏ hồng của Asia Foods lưu hành trên thị trường khác với mẫu được đăng ký bảo hộ trước đó của Cty này”.
Không chỉ là xin lỗi…
Ở giai đoạn phát hiện hành vi xâm phạm vào tháng 1/2015, Vina Acecook đã gửi công văn khuyến cáo gửi tới Asia Food đề nghị chấm dứt hành vi, tiêu hủy sản phẩm và thừa nhận vi phạm. Đáng tiếc, đi từ phủ nhận bằng công văn chính thức trả lời Vina Acecook đến giai đoạn khó có thể phủ nhận hành vi vi phạm của mình (khi đã có công văn của Cục sở hữu trí tuệ xác nhận sản phẩm “Mì Hảo Hạng, Tôm chua cay & Hình” là có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Hảo Hảo, mì tôm chua cay & Hình”) nhưng Asia Food lại chưa dường như chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Vina Acecook dự kiến sẽ ủng hộ 100% tiền được bồi thường cho một tổ chức nhằm nâng cao ý thức chống hàng nhái, hàng giả vào bảo vệ thương hiệu VN
Như vậy, mấu chốt khiến 2 DN đứng thứ nhất và thứ ba trên thị trường mì VN hiện nay “đưa nhau ra tòa”, vẫn nằm ở chỗ khắc phục sai phạm và ứng xử với sai phạm – một ứng xử đơn giản nhưng cần có ở xã hội văn minh: Nói lời xin lỗi. Nếu Asia Food thừa nhận chuyện sai phạm, có lẽ câu chuyện sẽ không đến mức cầu viện tới pháp luật và cả yếu tố bồi thường.Trao đổi với DĐDN, đại diện của Vina Acecook cho biết: “Asia Foods mới chỉ thực hiện được 1 trong 3 yêu cầu mà chúng tôi đưa ra. Tuy sản phẩm mì vi phạm đã ngưng sản xuất nhưng mặt hàng này vẫn đang lưu hành trên thị trường, chưa được thu hồi và tiêu hủy. Đồng thời, họ cũng chưa chịu thừa nhận việc mình đã vi phạm quyền sở hữu thương hiệu, chưa có công văn cải chính và xin lỗi gửi đến chúng tôi”. Đại diện thương hiệu mì Hảo Hảo cho rằng, việc làm của Asia Foods là chưa đủ với những tổn thất mà đơn vị này phải chịu trong thời gian qua. Bởi thực tế, dù sản phẩm đã bị ngưng sản xuất nhưng vẫn còn lưu hành trên thị trường, gây nhầm lẫn cho khách hàng. Thậm chí, TVC quảng cáo sản phẩm vẫn được trình chiếu trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.
Luật sư Châu Huy Quang (Hãng luật R&T LCT Lawyers) cho rằng: Có khá nhiều điều đáng quan tâm được đặt ra thông qua vụ việc tranh chấp nhãn hiệu mì. Không loại trừ khả năng sẽ còn nhiều “cuộc chiến” xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mà không phải đấu thủ nào cũng đủ bản lĩnh “đua” lành mạnh. Vì vậy, bên cạnh sự chủ động của chính DN, càng cần có sự tỉnh táo của người tiêu dùng và sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
Chuyên gia Kinh tế – Đầu tư Nguyễn Lê Ngọc Hoàn:
“Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ ở VN đã được ban hành đã 10 năm (2005), song nhiều DN kinh doanh trên thị trường vẫn chưa có ý thức tuân thủ Luật. Bản thân người dân cũng chưa có phản ứng “tẩy chay” để thể hiện quyền của thượng đế tiêu dùng. Trong tình trạng đó, sự quyết liệt của các DN bị xâm phạm để bảo quyền sở hữu của mình là vô cùng cần thiết. Bởi với xu thế mở cửa tự do thương mại, đặc biệt với Hiệp định TTP mà một trong những tiêu chí cho mọi quốc gia tham gia là cần phải đảm bảo sở hữu trí tuệ sẽ được kí trong nay mai, người tiêu dùng VN, DN VN không thể xem chuyện sử dụng hay làm làm nhái một gói mì là chuyện bình thường mà phải khẳng định đó là một hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, hành vi vi phạm pháp luật. DN Việt Nam, người tiêu dùng VN đã thực sự sẵn sàng tham gia sân chơi toàn cầu – lành mạnh và sòng phẳng hay chưa – cũng phần nào đã thể hiện qua câu chuyện “gói mì”.
Ý Trung – Theo DDDN