Hơn 7 năm sau khi rời khỏi Trung Quốc, giờ đây Google đang thực hiện những bước đi mạnh mẽ nhất để quay lại thị trường 1,4 tỷ dân này. Không nhắm vào lĩnh vực công cụ tìm kiếm nữa, lần này Google sẽ tập trung vào mảng trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence: AI).
Theo Bloomberg, gã khổng lồ công nghệ này đang tích cực quảng bá cho TensorFlow – phần mềm giúp quá trình xây dựng các hệ thống AI trở nên dễ dàng hơn. Đây được xem như một con đường để Google thúc đẩy việc kinh doanh tại thị trường trực tuyến lớn nhất thế giới. Nghĩa là, Google đang muốn thực hiện một cú “quăng lưới” lớn nhắm đến đối tượng là các chuyên gia công nghệ Trung Quốc.
Chiến lược mới và những rào cản
Tuy nhiên, hoạt động tích cực hơn tại Trung Quốc không có nghĩa là Google sẽ dễ dàng thu được lợi nhuận từ thị trường này. Bởi các nhà phát triển ở Trung Quốc không thể tiếp cận đám mây của Google – yếu tố chính giúp Công ty triển khai các công cụ AI – vì bị chặn lại bởi “Tường lửa vĩ đại” (Great Firewall, hay còn được gọi là “Vạn Lý Trường Thành trên mạng”) của Trung Quốc. Đây là thuật ngữ chỉ dự án Golden Shield – một công cụ của Chính phủ Trung Quốc nhằm kiểm soát kết nối internet trong nước và ngăn chặn kết nối tới nhiều website nước ngoài.
Bên cạnh đó, trong cuộc chạy đua công nghệ này, Google còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ “chủ nhà” Trung Quốc, đặc biệt là Hãng tìm kiếm Baidu Inc.
Bất chấp những khó khăn đó, rõ ràng là Google vẫn đang rất quan tâm đến việc “kích hoạt” lại việc kinh doanh tại Trung Quốc. Sau khi ngừng kinh doanh công cụ tìm kiếm và nhiều dịch vụ khác tại nước này hồi năm 2010, Hãng đã tìm ra một số con đường để quay trở lại thị trường đông dân nhất thế giới, chẳng hạn như thông qua dịch vụ ứng dụng di động, nhưng chưa thu lại nhiều kết quả khả quan. Trung Quốc là thị trường lớn nhất đối với smartphone chạy phần mềm Android của Google, nhưng các điện thoại Android này tại Trung Quốc lại không cài sẵn các dịch vụ của Google.
Thay vì ra mắt sản phẩm mới hoành tráng, chiến lược mới nhất của Google ở Trung Quốc là tập trung đào tạo và thu hút các nhà phát triển Trung Quốc vào mảng AI của mình. Trong tháng vừa qua, một số kỹ sư của Google tại Mỹ đã tổ chức ít nhất là 3 hội thảo nhỏ tại các sự kiện dành cho những nhà phát triển TensorFlow tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Theo một số nguồn tin, 2 trong số đó chỉ dành cho những người được mời đích danh, và người tham gia được yêu cầu không được ghi âm, chụp hình, thậm chí không được viết blog về các buổi họp.
Google cho biết Hãng sẽ hỗ trợ các nhà phát triển sử dụng TensorFlow ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, chứ không ám chỉ riêng một thị trường Trung Quốc. Chiến lược này phù hợp với lời khẳng định của CEO Sundar Pichai rằng Google sẽ chuyển từ ưu tiên điện thoại di động (mobile-first) sang ưu tiên AI (AI-first), biến các dịch vụ web của Hãng từ một thế giới mà mọi người đang gõ trên màn hình thành một nơi mà họ chuyển sang nói chuyện với hàng loạt các thiết bị.
Mảnh đất màu mỡ cho AI
Trên thực tế, khó thể tìm ra mảnh đất nào màu mỡ cho AI hơn Trung Quốc. Đây là quốc gia có một trong những cộng đồng nhà phát triển TensorFlow tăng trưởng nhanh nhất châu Á, bất chấp việc các dịch vụ đám mây của Google không khả dụng tại Trung Quốc. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc cũng xem AI là một mối ưu tiên quốc gia.
Nhiều công ty Trung Quốc cũng đang phát triển các hệ thống máy học để cập nhật các dịch vụ ngân hàng, nhận dạng khuôn mặt trong đám đông và kiểm soát các thiết bị bay không người lái. Matroid Inc. – một công ty khởi nghiệp về máy học ở Palo Alto (California, Mỹ) đã tổ chức một hội nghị về TensorFlow hồi tháng 3. Sau khi trình bày nội dung bài nói chuyện của mình tại hội nghị, kỹ sư của Google là Jeff Dean đã đăng tải chúng lên kênh trực tuyến. Chỉ trong vòng một giờ, các nội dung này đã được dịch sang tiếng Quan Thoại và được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc WeChat, CEO Reza Zadeh của Matroid cho biết.
“Tất cả các nhà phát triển của chúng tôi đều chờ đợi Google đến Trung Quốc để giới thiệu nhiều hơn về các sản phẩm và công nghệ TensorFlow. Các giải pháp đám mây của Google rất thú vị và các công cụ của họ rất tiện lợi”, Jiang Jun – một nhà phát triển tại Trung Quốc bày tỏ.
Wang Xiaoyu (ở Bắc Kinh) cho biết TensorFlow là một công cụ quan trọng cho công ty khởi nghiệp về phần mềm podcast của cô với tên gọi CastBox.FM. Wang cho biết, để phát triển các công cụ riêng, lẽ ra cô phải thuê cả một đội ngũ gồm 20 chuyên gia máy học, nhưng khi chuyển sang sử dụng TensorFlow, cô chỉ phải thuê một nghiên cứu sinh Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm về TensorFlow để tạo ra các kết quả tương tự.
CastBox.FM hiện có giá khoảng 60 triệu USD với hơn 8 triệu người dùng tải xuống các ứng dụng. “Người dùng Trung Quốc chỉ đơn giản là muốn sử dụng thứ tốt nhất với nhiều sự hỗ trợ nhất”, Qiang Yang – Giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong nói khi đề cập đến sự phổ biến của TensorFlow.
Sự thu hút ban đầu có thể giúp ích cho Google tại Trung Quốc, nhưng năm 2016, đối thủ Baidu cũng đã ra mắt bộ công cụ AI riêng với tên gọi PaddlePaddle và cũng đã có được những thành công nhất định. Đối với một số chuyên gia nghiên cứu AI tại Trung Quốc, sự thành công của Baidu phản ánh lòng trung thành của người dùng đối với các nhà cung cấp bản địa và sự thận trọng khi đặt lòng tin vào các công cụ từ nước ngoài.
“Họ có thể sử dụng TensorFlow như một “vật mẫu”, nhưng nếu muốn áp dụng vào trong sản phẩm của mình, họ sẽ sử dụng “nguyên liệu” bản địa”, Jiebo Liu – chuyên gia AI nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Rochester (New York, Mỹ) nhận định.