Khởi Nghiệp | Startup

[Infographic Startup] Pháp luật về Hộ kinh doanh: Quy định & thủ tục lưu ý

Hộ kinh doanh do 1 cá nhân duy nhất hoặc 1 hộ gia đình kinh doanh. Số đông muốn góp vốn kinh doanh sẽ phải cùng nhau thành lập doanh nghiệp. Cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

Cá nhân thành lập và tham gia góp vốn thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn về thủ tục đăng ký kinh doanh của Luật doanh nghiệp 2014 quy định như sau:

Điều 66. Hộ kinh doanh

1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng kýkinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

3. Hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định.

Chủ hộ kinh doanh sẽ là đối tượng duy nhất có quyền hưởng mọi lợi nhuận và chịu mọi nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.

Trường hợp hộ kinh doanh cá thể do một hộ gia đình làm chủ thì hộ gia đình này phải cử 1 người đại diện. Người đại diện này sẽ thay mặt hộ thực hiện quyền và nghĩa vụ của cả hộ. Tuy nhiên, người đại diện không chịu trách nhiệm thay cho các thành viên khac trong gia đình. Lợi nhuận hay rủi ro sẽ chia cho các thành viên theo số vốn góp, công sức và thỏa thuận của các thành viên.

Hộ gia đình có quy mô kinh doanh nhỏ hẹp tuy nhiên không phải là có quy mô kinh doanh nhỏ nhất. Loại hình này vẫn lớn hơn và ổn định hơn hộ gia đình Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối, bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động. Làm dịch vụ có thu nhập thấp. (Mức thu nhập thấp này sẽ do UBND tỉnh quy định)

Sổ tay doanh nghiệp là series của Ezlaw khái quát về các thủ tục hành chính cho từng loại hình doanh nghiệp. Hoạt động doanh nghiệp thường bao gồm các thủ tục thành lập, thông báo thay đổi trong quá trình kinh doanh, chấm dứt hoạt động…

Sau đây là các thủ tục dành cho Hộ kinh doanh.

Thành lập Hộ kinh doanh

Hồ sơ gồm:
 
  • Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh – Phụ lục III-1, Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT;
  • Danh sách các cá nhân góp vốn thành lập hộ kinh doanh – Phụ lục III-2, Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT;
  • Bản sao Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình;
  • Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
 

Đăng ký thay đổi

 
 

Thông báo về việc thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh – Phụ lục III-3, Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT)

Khi đăng ký chuyển địa điểm kinh doanh thì phải nộp kèm theo Thông báo:

  • Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc đăng ký thay đổi địa chỉ đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập
  • Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình.
 
Khi đăng ký chuyển, Hộ kinh doanh gửi hồ sơ đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi dự định đặt địa chỉ mới.
 

Tạm ngừng hoạt động hộ kinh doanh

 
 

Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh – Phụ lục III-4, Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT

 
Khi hộ muốn tạm ngừng kinh doanh trên 30 ngày, thì gửi Thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trực tiếp quản lý ít nhất 15 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh.
 

Chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh

Thành phần hồ sơ làm thủ tục giải thể bao gồm:

  • Thông báo về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh – Phụ lục III-5, Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT;
  • Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Khi chấm dứt hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh phải gửi Thông báo và nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký, đồng thời thanh toán đầy đủ các khoản nợ, gồm cả nợ thuế và nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện.
 
Nguồn tham khảo: Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia
Nguồn: EZLaw.vn – vietnamnet.vn

Khởi Nghiệp Kinh Doanh | Startup Việt Nam | Khởi Nghiệp Tin Gọn | Quốc Gia Khởi Nghiệp
To Top

BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ

Đăng ký thành công

Có lỗi xảy ra