Với suy nghĩ khi bắt đầu khởi nghiệp cần phải đầu tư số vốn lớn, nhiều bạn trẻ đã đặt câu hỏi, ngoài cách có thể kêu gọi đầu tư từ gia đình, bạn bè, người thân thì còn cách nào khác, vì nếu đi từ sản phẩm nhỏ mới có vốn để đầu tư ngược lại thì sẽ rất tốn thời gian và công sức.
Vấn đề này được rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên các ngành công nghệ thông tin quan tâm và đặt câu hỏi trong chương trình giao lưu “Cơ hội thành công của start-up công nghệ Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội mới đây. Chương trình nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Nhân tài đất Việt nhằm chia sẻ những cảm hứng sáng tạo-khởi nghiệp cho sinh viên với các sản phẩm, ý tưởng, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học-công nghệ.
Chia sẻ với băn khoăn trên của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Chiến lược Tập đoàn VNPT cho biết, cách tiếp cận vốn đầu tiên để khởi nghiệp ở một số bạn trẻ còn thụ động.
“Ở Việt Nam hiện nay, các nhà đầu tư mạo hiểm không nhiều, nhưng khi nghĩ đến vốn đầu tư ban đầu, liệu các em đã nghiên cứu tới hàng nghìn nhà đầu tư luôn sẵn sàng và đang rất gần chúng ta như Singapore, Hong Kong không? Chỉ cần 1 vé máy bay sang Singapore 10 triệu đồng là các em có thể gặp được các nhà đầu tư này. Tuy nhiên, tại sao mình lại phải ngồi chờ đợi, thậm chí đặt cược mình vào ai đó, rằng họ sẽ cho mình vay 40-50 triệu đồng?”, ông Hòa đặt vấn đề.
Theo ông Hòa, điều quan trọng nhất của khởi nghiệp là chủ động: “Chúng tôi muốn khuyên các em muốn khởi nghiệp, chúng ta phải chủ động trước tiên”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Long, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam lấy ví dụ điển hình từ Nguyễn Hà Đông với trò chơi Flappy Bird. Trường hợp này cũng chỉ bắt đầu từ một sinh viên ĐH Bách khoa.
“Trên thế giới rộng mở không biên giới hiện nay, mọi cơ hội có thể đến bất kỳ lúc nào, với bất kỳ ai”, ông Long nói.
Một ví dụ điển hình khác tới từ websosanh.vn – một ứng dụng lọt vào Top 18 sản phẩm trong vòng chung khảo Cuộc thi Nhân tài đất Việt năm 2015. Chỉ sau một năm khởi xướng từ một nhóm sinh viên, hiện trang web này đang tới con số hàng triệu USD từ nhiều nhà đầu như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Nga.
Đại diện trang web chia sẻ, ý tưởng ban đầu về trang web này rất đơn giản, vì khi đi mua hàng, nhất là sinh viên, họ không biết chỗ nào giá rẻ hơn, nếu có một công cụ để so sánh giá thì rất tiện cho người mua.
Ý tưởng là thế, nhưng để đi đến hành động lại rất khó khăn, vì câu hỏi đầu tiên của nhóm cũng giống như câu hỏi của các bạn sinh viên hiện nay là lấy đâu ra tiền để đầu tư.
“Nhưng vì thích, vì đam mê, vì chúng tôi rất muốn làm nên chúng tôi bắt đầu bằng việc hỏi và chia sẻ với tất cả bạn bè. Mặc dù khi đó có nhiều người thấy không hợp lý nhưng chúng tôi quyết tâm”, đại diện trang websosanh.vn chia sẻ.
Theo đại diện này, công cuộc đầu tư cho khởi nghiệp hơi ngược so với các đầu tư khác. Những người cứ “lọ mọ” làm ra các sản phẩm tiện ích cho xã hội thì ắt sẽ có các nhà đầu tư tự tìm đến mà không cần phải kêu gọi.
Theo ông Nguyễn Long, trường hợp websosanh.vn là một ví dụ điển hình trong khởi nghiệp của sinh viên. Cách đây đúng một năm, đến với Cuộc thi Nhân tài đất Việt, Ban Giám khảo còn “nâng lên đặt xuống” khi sản phẩm này chỉ lọt vào 1 trong 18 sản phẩm trong Vòng chung khảo của cuộc thi, nhưng hiện nay, họ đã thành công với con số đầu tư hàng triệu USD.
“Tôi khuyên các bạn hãy bật ý tưởng sáng tạo của mình, tập hợp bạn bè để tạo ra các sản phẩm. Sản phẩm đó dù chưa thành công nhưng hãy mạnh dạn đưa ra để thiên hạ phán xét, dù khen hay chê thì đó cũng là thành công đối với các bạn”, ông Nguyễn Long nhấn mạnh.
Thúy Hà | Theo BaoChinhPhu.VN