Các hoạt động chống phân biệt về giới trong các doanh nghiệp đang tạo nên làn sóng mới và đem lại nhiều cơ hội hơn cho những nữ doanh nhân Việt Nam, muốn chứng minh tài năng và bản lĩnh của mình để vươn ra biển lớn.
Lần đầu tiên Trần Bích Hường gặp gỡ một nhóm các nhà đầu tư Việt Nam cho dự án khởi nghiệp Epomi của mình, chị đã rất bất ngờ trước phản ứng của họ. “Họ nói với tôi rằng phụ nữ quá cảm tính để điều hành một doanh nghiệp và họ không thích đổ tiền đầu tư vào những doanh nghiệp như vậy. Đó là một trong những công ty đầu tư mạo hiểm quốc tế hàng đầu tại Việt Nam. Tôi không hề ngờ tới những điều như vậy”.
Cho đến thời điểm đó, chị Hường hiếm khi gặp khó khăn khi phải thuyết phục người khác. Có bằng MBA của Đại học Duke và kinh nghiệm lãnh đạo gần một thập kỷ tại các siêu tập đoàn đa quốc gia như Samsung và GSK, chị đã đi được một con đường dài trên thương trường. Vào thời điểm kêu gọi đầu tư, Epomi của chị Hường đang có doanh số tăng trưởng nhanh chóng, một lượng khách hàng trung thành lý tưởng, các hợp đồng đầy lợi nhuận với những nhà cung cấp hàng đầu và một tầm nhìn rõ ràng với mục tiêu dẫn đầu thị trường bán lẻ sản phẩm làm đẹp tại Việt Nam.
Trần Bích Hường cuối cùng vẫn tìm được nhà đầu tư cho mình, nhưng những trải nghiệm của chị không hề hiếm trong giới kinh doanh. Dù trong nền kinh tế đã phát triển hay nền kinh tế mới nổi, phân biệt về giới vẫn là một thử thách. Và quấy rối, lạm dụng tình dục cũng vậy. Những vấn đề này đang ngày càng hiện rõ trong cơn bão của các vụ bê bối xảy ra gần đây trong giới công nghệ.
Tuy nhiên, so với các nước châu Á, Việt Nam là nước đã đạt được mức độ bình đẳng giới đáng kể. Theo công bố mới đây của Deloitte, tại Việt Nam, số phụ nữ có ghế trong hội đồng quản trị là 17,6%, chỉ xếp sau Australia (20,1%). Nghiên cứu này cũng khảo sát trên 64 quốc gia và cho biết chỉ số bình đẳng giới tại Việt Nam vượt mức trung bình của toàn cầu (15%), cao hơn cả các quốc gia láng giềng với nền kinh tế phát triển như Singpore (9,4%) hay Trung Quốc (9,2%).
Nữ giới cũng nắm vai trò điều hành trong rất nhiều các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Báo cáo năm 2016 của Mekong Business Initiative cho thấy, con số này là 25%, trong khi khu vực Nam Á chỉ đạt 8%.
Không chỉ vậy, một trong những công ty lớn nhất và mang tính biểu tượng cho giới khởi nghiệp Việt Nam cũng có người lãnh đạo cao nhất là phụ nữ. Đó là Vietjet Air và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà sáng lập kiêm CEO của hãng máy bay giá rẻ nổi tiếng này. Bà là nữ tỉ phú duy nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Các tổ chức khác cũng đang có nhiều nỗ lực để hỗ trợ nữ doanh nhân Việt Nam. MBI mới đây đã góp sức trong việc khởi động chương trình Sáng kiến cho nữ doanh nhân khởi nghiệp, một chương trình với sự tham gia của nhiều bên nhằm cung cấp các dịch vụ và hoạt động trợ giúp cho các nữ doanh nhân, như một tầm nhìn để mở rộng và tăng cường sức mạnh kinh tế của khu vực Mekong. Một chương trình khác có thể kể đến như Woman of Vietnam là kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Australia từ năm 2015.
Phong trào khuyến khích bình đẳng giới dâng cao và các hoạt động chống phân biệt về giới trong các doanh nghiệp đang tạo nên làn sóng mới. Trong bối cảnh này, các nữ doanh nhân Việt Nam càng được hy vọng sẽ tạo nên nhiều thay đổi cho một nền kinh tế năng động và đang trên đà phát triển.
Minh Thu (theo Tech Crunch, ICTnews)