Mất từ 2-3 triệu đồng, người ta đã có thể khiến một tài khoản Facebook biến mất. Thủ đoạn này thường được dùng để ‘thanh trừng’ đối thủ trong kinh doanh hoặc trả thù cá nhân.
“Tháng rồi tôi phát hiện có một tài khoản giả danh mình. Chỉ hai ngày sau, tài khoản cá nhân của tôi nhận được thông báo đã bị khóa do mạo danh người khác từ Facebook. Điều này ảnh hưởng tới việc kinh doanh của tôi rất nhiều. Phần lớn khách hàng đều là bạn bè trên mạng xã hội”, chị T.T. Trinh, một người kinh doanh bất động sản có tài khoản Facebook hơn 20.000 lượt theo dõi chia sẻ
Sống hay chết đều mua được bằng tiền
Tại Việt Nam, các ‘nhà cung cấp dịch vụ Facebook’ sinh ra một gói dịch vụ có tên “gói die nick” hay còn gọi là “rip tài khoản”.
Mức giá phải trả để “tiêu diệt” một người trên Facebook cũng không hề đắt: dao động từ 2-3 triệu đồng cho một tài khoản. Thậm chí nhiều “hacker” mới tập tành làm dịch vụ còn nhận hợp đồng với giá chỉ 200.000 đồng.
Đương nhiên khả năng thành công của việc đưa một tài khoản về “nơi chín suối” tỉ lệ thuận với số tiền bỏ ra.
Nguyên tắc kinh doanh được lan truyền ngầm trong giới này là “thuốc giải luôn đắt hơn thuốc độc”. Các bên cung ứng dịch vụ luôn lấy giá cao nếu nạn nhân muốn “hồi sinh” tài khoản Facebook của mình. Giá cho một “liều thuốc giải” dao động từ 2,5-4 triệu đồng tùy thuộc vào độ khó của trường hợp.
Muôn vàn công thức điều chế “thuốc độc”
Facebook có nhiều chính sách để tố cáo một tài khoản cá nhân. Từ tố cáo tội phạm bằng email cơ quan chức năng, tố cáo mạo danh đến tố cáo trẻ em chưa đủ tuổi sử dụng (14 tuổi) theo luật của Tây Ban Nha và Hàn Quốc.
Mức độ thành công của mỗi cách thức là khác nhau. Những cách thức này được chia sẻ công khai trên mạng, đặc biệt là YouTube. “Tố cáo mạo danh là cách thông dụng nhất và mang lại tỷ lệ thành công cao nhất”, anh Mai Thanh Phú (quận 3, TP.HCM) một người am hiểu về các dịch vụ Facebook giải thích.
Cụ thể, các hacker sẽ tạo một tài khoản mạo danh với nạn nhân. Sau đó kết bạn với một vài người có trong danh sách bạn bè của họ. Tài khoản giả này sẽ có tên, ảnh đại diện, ảnh bìa và các thông tin cá nhân y hệt tài khoản chính. Những thông tin đăng tải trên tường của nạn nhân cũng được đổi thời gian lùi về quá khứ để tăng tính tin cậy.
Ở bước tiếp theo, họ sẽ nộp ảnh chụp giấy tờ xác minh nhân thân giả như chứng minh thư, giấy phép lái xe, để hợp pháp tài khoản ảo này thông qua một đường link hỗ trợ dịch vụ của Facebook.
Bước cuối cùng, phía cung cấp dịch vụ chỉ cần tố cáo mạo danh tài khoản trên. Sau đó là chờ đợi mạng xã hội này xác duyệt thông tin và khóa.
“Ngoài những cách trên, trong giới còn truyền tai nhau những bí quyết khác, cơ bản vẫn dựa trên chính sách tố cáo mạo danh. Nhưng cách thực hiện của mỗi người mỗi khác. Những tiểu tiết nhỏ trong cách làm ảnh hưởng rất lớn tới tỉ lệ thành công”, anh M.L Nhân (Đồng Nai) cho biết.
“Thuốc giải” thì chỉ có một
Nếu việc báo cáo một tài khoản có nhiều hướng để thực hiện thì mở khóa nó chỉ có một cách duy nhất. Facebook sẽ yêu cầu chủ sở hữu tài khoản gửi các giấy tờ tùy thân của cơ quan chức năng cấp để định danh chủ tài khoản. Tuy vậy, việc này không phải lúc nào cũng thành công vì giấy tờ này đã được xác minh từ trước bằng giấy giả.
“Em đã tự chụp và gửi chứng minh thư cho Facebook để được hỗ trợ ba lần nhưng kết quả tài khoản của em vẫn không thể hoạt động lại”, Thảo Giang (Bình Thạnh, TP.HCM), một bạn sinh viên có tài khoản bị khóa chia sẻ.
Tương tự như cách tố cáo tài khoản, việc mở lại hoạt động trên nguyên tắc cơ bản là gửi giấy tờ xác thực. Tuy nhiên, những tiểu tiết nhỏ trong cách thực hiện mới quyết định việc làm này có thực sự mang lại kết quả hay không. Và chỉ những người trong nghề mới nắm rõ nhất.
“Những tài khoản sử dụng tên không đúng như trong giấy tờ tùy thân, tài khoản có thời gian hoạt động ngắn thì tỉ lệ cứu sống là rất thấp. Tài khoản đã được cứu sau này sẽ khó bị tố cáo hơn”, Anh Lê Minh Hiệp, một người cung cấp dịch vụ quản lý fanpage.
Tuy nhiên, có những kẻ lợi dụng người dùng đang hoảng loạn vì mất nick đã lừa đảo bằng những dịch vụ chuyển khoản trước mở tài khoản sau với mức giá rẻ chỉ 100.000 đồng, bằng 1/20 giá của các bên cung cấp dịch vụ.
Ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng
Chiêu thức “die nick” này thường được sử trong những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh. Những người buôn bán hàng online hay có hiềm khích từ trước thường là nạn nhân.
“Tài khoản của mình may mắn được phục hồi. Mặc dù vậy, thời gian khóa cũng như chờ xét duyệt mở lại mất đến một tuần, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của mình”, chị Vy (Đồng Nai) chuyên buôn bán các mặt hàng thời trang cho trẻ em tâm sự.
Không may mắn như Vy, chị T.T Trinh đã mất vĩnh viễn tài khoản cá nhân của mình chia sẻ, “Ngoài mất cách liên lạc với khách hàng thì những hình ảnh, video đăng tải cũng như thông tin những người bạn cũ của mình cũng mất hết. Tiếc lắm, vì chỉ dùng điện thoại nên tất cả lưu hết trên đó. Mình lười bắt đầu tạo một tài khoản mới, có lẽ từ nay sẽ không dùng nữa”.
Anh Lê Viết Hãng, quản lý một trang cộng đồng lớn tại Đồng Nai cho biết “tài khoản cá nhân của mình và hai người bạn đã bị báo cáo. Quan trọng hơn là những tài khoản này giữ quyền admin tại fanpage. Điều này khiến cho trang một thời gian dài không hoạt động”.
Tuy nhiên, không phải tài khoản nào bị khóa cũng “vô tội”. Cũng có những nick vi phạm các chính sách của Facebook như đăng ảnh khỏa thân, vi phạm bản quyền. Những tài khoản này sẽ bị cộng đồng tố cáo, thậm chí bị hệ thống máy tính của Facebook tự động xét duyệt và khóa tài khoản.
Những người làm dịch vụ có lương tâm cũng rất cân nhắc trong việc tố cáo một ai đó. “Đây chỉ là một công việc làm thêm vì thế mình rất kỹ lưỡng khi nhận được yêu cầu dạng này. Chỉ những trường hợp xù nợ, tấn công cá nhân người khác có lý do chính đáng mình mới nhận làm. Đặc biệt là những người thường đăng tải các tin tức giả mạo gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng mình sẽ chủ động báo cáo. Trường hợp tư thù cá nhân nhất quyết mình không nhận”, anh Phú trần tình.
Lỏng lẻo trong cơ chế kiểm duyệt
Để hỗ trợ tốt cho người dùng, Facebook tạo ra chính sách cộng đồng vô cùng chặt chẽ. Tuy vậy, việc xử lý các báo cáo vi phạm lại được thực hiện chủ yếu bằng hệ thống máy tính. Điều đó đã tạo ra nhiều kẽ hở và sai lầm khiến người dùng gặp nhiều khó khăn.
“Chính sách kiểm duyệt này đã có cái thiện khá nhiều so với trước đây. Việc báo cáo tài khoản ngày càng trở nên khó hơn. Nhưng những cải thiện này vẫn chỉ mang lại kết quả tương đối. Tình trạng này vẫn xảy ra do Facebook và người dùng chưa thực sự hiểu nhau”, anh K. Minh cho biết.
Cách tốt nhất để người dùng có thể tự bảo vệ mình là sử dụng tên thật, ảnh đại diện chính chủ. Xác nhận giấy tờ tùy thân qua đường link của Facebook. Tuyệt đối không vi phạm các chính sách về bản quyền, cộng đồng của mạng xã hội này.
Ngoài ra một số nguồn tin còn cho rằng việc ẩn danh sách bạn bè, ngày sinh, sẽ giảm rủi ro tài khoản bị báo cáo. Nhưng các bên cung cấp dịch vụ chưa xác thực thông tin này.
Xuân Tiến | Theo Zing News