Khởi nghiệp bánh mì: 7 bước để thành công “dễ như ăn bánh”
Ngoài những tiệm bánh mì truyền thống với pate, chả lụa, trứng chiên,… những hương vị mới của bánh mì với các loại nguyên liệu đặc biệt đang làm mưa làm gió ở nhiều nơi. Chỉ với 7 bước đơn giản mà Khởi Nghiệp Trẻ giới thiệu sau đây, bạn hoàn toàn có thể thành công khởi nghiệp bánh mì mà không cần đắn đo, suy nghĩ.
1. Xác định ý tưởng
Như đã nói trước đó, nhắc đến bánh mì, đa phần người ta nghĩ tới những xe bánh mì thịt, bánh mì trứng, bánh mì chả lụa nho nhỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay có rất nhiều loại bánh mì mới mẻ, hình thức bán cũng đa dạng hơn. Bạn có thể cân nhắc giữa bánh mì ngọt và mặn, bánh mì kiểu Pháp, bánh mì Tây Ban Nha,… và đương nhiên là cả bánh mì truyền thống. Đối với ý tưởng bánh mì truyền thống, bạn có thể triển khai công thức mới với phong phú các loại nguyên liệu hơn để gây ấn tượng với khách hàng.
Việc xác định ý tưởng có tiềm năng sẽ giúp bạn trở nên đặc biệt trong vô số người lựa chọn khởi nghiệp bánh mì là điểm đến. Bạn không nhất thiết phải nghĩ ra một ý tưởng hoàn toàn mới mà chỉ cần biết cách biến những điều cũ trở nên độc đáo và sáng tạo hơn thì bạn hoàn toàn có thể nắm trong tay một ý tưởng khởi nghiệp bánh mì lý tưởng.
2. Lên kế hoạch
Bất kỳ một hình thức kinh doanh hay khởi nghiệp nào cũng cần một bản kế hoạch chi tiết. Trong lĩnh vực bánh mì, kế hoạch mà bạn cần xây dựng không nhất thiết phải quá chi tiết nhưng ít nhất bạn cũng phải viết lên được những mục tiêu gần, những thứ cần phải lưu ý hoàn thành, các chi phí cần phải chi,… Đương nhiên là kế hoạch càng chi tiết thì tỷ lệ thành công của tiệm bánh mì của bạn càng cao.
Đây cũng là bước để bạn liệt kê những đặc trưng của thị trường bánh mì, đánh giá các đối thủ và chuẩn bị cho điều đặc biệt của thương hiệu mình để khách hàng luôn tìm đến thưởng thức bánh mì của bạn. Một bản kế hoạch chất lượng sẽ khiến bạn rõ ràng hơn về diện mạo của “đứa con” mình. Bạn chỉ cần bám theo kế hoạch, cố gắng hết sức để hạn chế những điều rủi ro, bất trắc xảy ra để tiến gần hơn với thành công. Đương nhiên, là một người kinh doanh giỏi, bạn luôn phải linh hoạt, mềm dẻo ứng phó nếu có chuyện xảy ra ngoài ý muốn chứ không phải cứng nhắc làm theo kế hoạch.
3. Chuẩn bị vốn
Công đoạn gon vốn có thể ngốn của bạn rất nhiều thời gian tương ứng với quy mô và hình thức khởi nghiệp bánh mì của bạn. Nếu bạn có ý định gom vốn độc lập, bạ có thể cần phải bỏ ra vài tháng cho đến vài năm để tích góp và chuẩn bị vốn. Điều này có thể ảnh hưởng nhiều đến chi phí sinh hoạt cá nhân và các thói quen chi tiêu của bạn trong cuộc sống. Lời khuyên dành cho bạn là hãy có một cái nhìn thực tế, lựa chọn một ý tưởng khởi nghiệp phù hợp với khả năng của bản thân, khi bạn kinh doanh trong áp lực quá lớn về mặt chi phí thì hiệu quả làm việc của bạn sẽ không cao.
Nếu bạn muốn nhận được sự giúp đỡ, một người bạn cùng chí hướng, người thân, các nhà đầu tư là những sự lựa chọn bạn nên cân nhắc. Có nhiều chương trình mở ra nhằm tìm kiếm nhà đầu tư cho các khởi nghiệp tiềm năng, bạn có thể thử sức tham gia nếu nhận thấy ý tưởng khởi nghiệp bánh mì của mình phù hợp và xứng đáng để mở rộng.
4. Chọn địa điểm
Một địa điểm đắc địa sẽ góp phần to lớn trong việc hút khách cho cửa hàng của bạn. Sẽ rất khó khăn cho người mua đến với cửa hàng nếu nó nằm trong một khu vực vắng vẻ, đường đi khó khăn, nhỏ hẹp. Lưu ý lựa chọn những khu vực trường học, đông dân cư, khu phố ẩm thực hoặc ngược lại, chọn một khu vực ít kinh doanh bánh mì để giảm bớt sự cạnh tranh. Điều này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho cửa tiệm của bạn trên con đường phát triển ngày càng cao.
Đối với hình thức xe bánh mì, sẽ không quá khó khăn để bạn tìm mặt bằng nhưng khu vực bán vẫn phải đảm bảo an toàn vệ sinh và tương đối rộng rãi để khách hàng ghé mua. Đối với những cửa hàng vừa và lớn, hãy dành thời gian khảo sát địa hình. Đảm bảo mọi vấn đề đều được thỏa thuận với chủ mặt bằng đồng thời cân nhắc lựa chọn các mặt bằng nằm trong khả năng chi trả ban đầu và cả chi phí duy trì về sau.
5. Hoàn thành thủ tục pháp lý
Để cửa hàng của bạn danh chính ngôn thuận được hoạt động suôn sẻ thì thủ tục pháp lý là bước tất nhiên bạn cần hoàn thành. Có nhiều loại giấy tờ bạn cần chuẩn bị cho cửa hàng của mình. Trong đó gồm giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận thuê mặt bằng,… Đây cũng là công đoạn tốn kha khá thời gian bởi các thủ tục sẽ không chỉ “búng tay” là xong vì cần chuẩn bị nhiều loại giấy tờ kèm theo.
Về giấy phép kinh doanh, các bước mà bạn cần thực hiện là:
- Bước 1: Gửi hồ sơ và Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đầy đủ đến Phòng Kinh tế – Kế hoạch – UBND quận, huyện, thành phố nơi bạn đặt địa chỉ quán và nộp lệ phí đăng ký đầy đủ.
- Bước 2: Chờ đợi cơ quan đăng ký xét duyệt trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.
- Bước 3: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc nhận thông tin cần sửa đổi, bổ sung trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo sửa đổi bổ sung.
6. Chuẩn bị dụng cụ, nguyên liệu
Tiến gần với đích đến cuối cùng bạn cần trải qua bước chuẩn bị những vật dụng cần thiết và nguyên liệu sẽ sử dụng. Nguyên liệu mà bạn chế biến phải có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, được bảo quản kỹ lưỡng trong thời gian sử dụng, nếu nguyên liệu bị hư, bạn phải lập tức thay nguyên liệu mới. Hương vị và vệ sinh an toàn thực phẩm là 2 tiêu chí hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh thức ăn, nước uống. Thậm chí, bánh mì bạn kinh doanh có ngon đến đâu mà công đoạn chế biến không sạch sẽ thì cũng khó có ai chấp nhận ủng hộ.
Ngoài nguyên liệu, dụng cụ cũng phải hoàn toàn được vệ sinh sạch sẽ. Với những xe đẩy, bạn chỉ cần trang bị tô, muỗng, dao, dĩa,… để chế biến bánh mì. Còn với những cửa hàng có quy mô lớn, có thể bạn sẽ cần thêm máy hâm nóng, máy nướng thịt, thiết bị thu ngân, thiết bị in hóa đơn,…
7. Quảng bá thương hiệu
Nhiều người cho rằng, khởi nghiệp bánh mì có gì mà phải quảng bá? Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, con người sử dụng rất nhiều mạng xã hội, vậy ngại gì mà bạn lại không tận dụng chúng để đem thương hiệu của mình đến gần hơn với khách hàng. Diện mạo hiện đại của cửa hàng bạn cũng là một yếu tố thu hút người mua đặc biệt là giới trẻ. Với sức lan truyền của mạng xã hội, bánh mì của bạn không chỉ đáp ứng nhu cầu của người mua trong khu vực mà thậm chí có thể ở nhiều vùng lân cận khác.
Ngoài mạng xã hội, bạn có thể đăng ảnh và giới thiệu thương hiệu của mình trong các nhóm ăn uống. Nếu có nguyên liệu, hương vị hoặc một hình thức nào đặc biệt của thương hiệu, hãy chia sẻ đến mọi người vì sẽ có rất nhiều người tò mò đến thử và thậm chí là “yêu” luôn bánh mì của bạn. Cho phép khách hàng được quay phim, chụp ảnh khi thưởng thức bánh mì cũng là một cách vừa quảng bá thương hiệu vừa chức thực độ ngon đáng tin cậy của bánh mì bạn kinh doanh đấy.
Khởi nghiệp bánh mì sẽ không còn là quá khó với 7 bước thực hiện mà Khởi Nghiệp Trẻ đã miêu tả hơn. Chần chờ gì nữa mà không bắt tay ngay vào làm?
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra