Tôi đã từng nói chuyện với tuyển thủ bóng đá, anh nói phải mất hơn 3 năm để anh luyện cú đá sút xa cầu môn chính xác. Còn bạn thì sao?
Muốn có kết quả thì cần kiên trì, tập trung nỗ lực làm, khi làm liên tục có những sự cố như sai, không có khách hàng, có khách hàng mà không chốt được… thì đó là phản hồi của thị trường cho ta dấu hiệu để điều chỉnh.
Động lực thật sự của người làm kinh doanh là gì bạn biết không? Đó là mỗi ngày thức dậy đến công ty nhận ra doanh nghiệp và công việc ta còn quá nhiều vấn đề để mà chỉnh sửa, điều chỉnh, làm cho nó tốt hơn, cái nào đang lãng phí, cái nào đang không hiệu quả.
Điều quan trọng là rèn luyện bản thân, tăng năng lực kinh doanh, năng lực lãnh đạo tốt hơn, khả năng marketing và xây dựng mối quan hệ khách hàng ngày càng ngọt hơn. Khi năng lực cá nhân bạn phát triển, chắc chắn doanh nghiệp bạn phát triển.
Có anh A ra làm kinh doanh quà tặng cho doanh nghiệp đã 3 năm nhưng không phát triển được, tháng có đơn hàng, có tháng thì không. Cách đây 2 tháng, tôi gặp anh ấy trong trạng thái công nợ từ các doanh nghiệp đặt hàng – nhưng chưa trả tiền làm anh đuối sức.
Qua trao đổi mới nhận ra rằng, khả năng tìm khách hàng mới của anh kém quá, cứ trông chờ vào những khách hàng cũ nên họ ép giá, họ ép công nợ. Số lượng đặt hàng lớn, tuy nhiên giá quá thấp, khiến anh phải đi mượn tiền về sản xuất. Khi giao hàng rồi thì họ nợ quá lâu làm anh tiêu tan hết không còn lãi nữa. Càng kinh doanh càng đi vào ngõ cụt.
Thực tế thì anh A không hiểu rằng, do năng lực kinh doanh yếu, nền tảng về kinh doanh còn non là nguyên nhân gây ra như vậy. Cá nhân yếu dẫn đến doanh nghiệp yếu theo. Móng nhà xây yếu làm sao lên cao tầng được. Đó là nguyên lý tự nhiên mà phần lớn người ra làm kinh doanh không nhận thấy.
Ngay hôm ấy tôi cũng rảnh nên nói anh rằng: “Tôi có quen một bạn trẻ làm lĩnh vực gần như anh, giờ rảnh tôi gọi bạn trẻ ấy, rồi dẫn anh qua công ty đó chơi, xem người ta làm gì mà phát triển tốt lắm, chứ không kinh doanh theo kiểu chờ sống sót như anh“.
60 phút sau tôi và anh đã có mặt ở doanh nghiệp B, quan sát cách làm, bạn A hỏi thăm người bạn trẻ giám đốc ấy mới có 25 tuổi, làm ăn bài bản, doanh thu tháng rồi hơn 1 tỷ đồng và công nợ chỉ chiếm 5%. Anh ngạc nhiên vô cùng.
Giờ bạn A mới nhận rằng doanh nghiệp B người ta tập trung vào đúng phân khúc khách hàng tầm trung, không làm doanh nghiệp quá lớn, bởi chưa đủ lực, tiếp nữa là bạn liên tục phát triển khách hàng mới để tìm khách hàng tốt xây dựng mối quan hệ làm ăn uy tín lâu dài.
Bạn giám đốc doanh nghiệp B nói rằng: “Lúc đầu em cũng giống anh, không biết đâu là khách hàng chính của mình, thậm chí nôn nóng, muốn làm ăn lớn, muốn làm giàu nhanh nên cũng gây ra nhiều tổn thất. Sau đó, em cơ cấu lại và tập trung vào phân khúc mình làm tốt nhất nên mới được như hôm nay“.
Bạn giám đốc A tham quan, nghe người ta chia sẻ mà thấm vô cùng. Bởi bạn quá tập trung vào tốc độ và muốn có thành quả ngay lập tức, lúc nào cũng nôn nóng vậy. Thói quen suy nghĩ từng bước làm bền vững trong bạn dần có ý thức sau bài học này.
Tôi đã từng có dịp nói chuyện với tuyển thủ bóng đá quốc gia Thanh Bình, anh nói phải mất hơn 3 năm để anh luyện cú đá sút xa cầu môn chính xác. Còn bạn thì sao? Muốn làm nhanh nhanh để chiến thắng hay để thất bại?
(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Thái Duy
Nhà sáng lập Be Training – Vườn ươm doanh nhân