Hơn hai năm nay, khởi nghiệp đang là lĩnh vực được Chính phủ quan tâm và cổ vũ. Nhiều hiệp hội doanh nghiệp và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cùng các trường Đại học đã xúc tiến các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh khởi nghiệp mà không phải ai cũng làm được và thành công thì lập nghiệp cũng quan trọng không kém.
Làm gì khi tỷ lệ thành công của khởi nghiệp chỉ đạt cỡ 10%
Theo chương trình quốc gia khởi nghiệp giai đoạn 2016 – 2021, các cơ quan chủ trì chương trình này đã đặt ra mục tiêu có một triệu doanh nghiệp khởi nghiệp. Như vậy, ứng với con số này trên 25 triệu thanh niên của cả nước thì cứ 25 thanh niên phải có 1 người khởi nghiệp. Số còn lại có thể làm thuê cho chính những người đó hoặc tìm việc ở các doanh nghiệp đã thành công khác hay các cơ quan nhà nước…
Về thực tế này, ông Nguyễn Thế Hùng – Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Phần mềm Nguồn mở Việt Nam (VINADES) cho rằng, mục tiêu một triệu doanh nghiệp khởi nghiệp là không khả thi. Nhất là tỷ lệ thành công theo các tổng kết quốc tế chỉ đạt cỡ 10%.
Cũng cần nói thêm, muốn khởi nghiệp thì đương nhiên phải cần đến vốn. Và như thế là những thanh niên muốn khởi nghiệp sẽ phải huy động vốn hoặc vay vốn từ gia đình của chính họ với số tiền không dưới hàng trăm triệu đồng. Nếu như thành công thì không nói làm gì. Nhưng nếu thất bại thì hẳn rằng đó là những món nợ khó đòi với chính những người thân của họ.
Vì thế, rất nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh lĩnh vực khởi nghiệp mà Chính phủ đang rất kỳ vọng thì vấn đề lập nghiệp cũng quan trọng không kém. Vậy nhưng thực tế là tỷ lệ sinh viên sau khi ra trường bị thất nghiệp hiện còn cao. Thậm chí, không ít thủ khoa cũng lâm vào cảnh thất nghiệp. Điển hình là một sinh viên sư phạm quê Hà Giang đã đành chấp nhận ở nhà chăn nuôi giúp gia đình vì không xin được việc làm.
Lập nghiệp cần là một quá trình song hành với khởi nghiệp
Theo học các trường Đại học, Cao đẳng với nhiều sinh viên thì không gì mong muốn hơn là được làm việc đúng chuyên môn. Tuy nhiên, thực tế với nhiều người thì phải làm việc không đúng với chuyên môn cũng đã là may rồi vì dù sao đã được thị trường lao động chấp nhận.
Theo không ít nhà tuyển dụng, họ không hề đưa ra những yêu cầu quá khó với sinh viên dự tuyển. Thậm chí với nhiều lĩnh vực, các nhà tuyển dụng còn coi sinh viên là bậc thầy của mình vì đó là những kiến thức mà họ chưa được cập nhật. Thế nhưng không ít sinh viên cũng không biết đường ăn nói cho thuyết phục với những yêu cầu đó mặc dù về lý, sinh viên phải giỏi hơn các nhà tuyển dụng do đã được đào tạo bài bản các kiến thức đó.
Cũng cần đề cập đến một thực tế, theo ông Trịnh Thanh Lâm – nguyên Giám đốc Kỹ thuật của Intel Việt Nam thì sinh viên sau khi tốt nghiệp nên có quá trình trải nghiệm thực tế ở các doanh nghiệp lớn trước khi nghĩ đến khởi nghiệp. Bản thân ông Lâm khi được Intel tuyển dụng cũng không hề giỏi ngoại ngữ. Nhưng nhà tuyển dụng đã chấp nhận ông vì giỏi kỹ thuật và có tố chất kinh doanh. Còn yếu tố ngoại ngữ chưa đạt yêu cầu thì họ chấp nhận phải đầu tư cho ông học với chi phí lên đến 5.000 USD.
Xung quanh thực tế về khởi nghiệp và lập nghiệp, TS Hàn Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội các nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam cho biết, nhu cầu về nhân sự cao cấp cho các doanh nghiệp, tổ chức cũng là rất quan trọng. Thậm chí, nhiều nhà tuyển dụng còn đặt ra mục tiêu phải tuyển dụng được những người giỏi hơn mình để quán xuyến công việc.
Kể về thực tế của chính mình khi tuyển dụng chức danh Tổng giám đốc một doanh nghiệp cổ phần do Hiệp hội Công thương Hà Nội thành lập, ông Vũ Duy Thái – cố Tổng thư ký hiệp hội này cho biết, vào đến vòng cuối cùng là những người toàn có bằng cấp ở nước ngoài nên nhà tuyển dụng lâm vào thế không biết hỏi gì. Tuy nhiên, ông cũng cố hỏi lấy một câu là: “nếu một trong số các anh, chị được tuyển dụng vào ghế Tổng Giám đốc mà chúng tôi đang trông chờ thì vị trí đó là nhà doanh nghiệp, nhà kinh doanh hay nhà quản lý?”. Trước một câu hỏi không có gì là quá khó nhưng phải sau cỡ 5 phút mới có người trả lời: đó chỉ có thể là nhà quản lý vì về lý thì họ được hội đồng quản trị thuê để làm việc.
Tựu trung lại, qua những thực tế nói trên có thể thấy bên cạnh hoạt động khởi nghiệp mà Chính phủ đang rất kỳ vọng thì lập nghiệp cũng quan trọng không kém. Nên chăng, bên cạnh việc thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp mà mức độ thành công là rất khó, các nhà trường và tổ chức của thanh niên, sinh viên cần định hướng cả với lập nghiệp. Có được việc làm với những vị trí nhân sự cao cấp cũng là thành công không kém gì thành công của khởi nghiệp và sau một thời gian tích lũy đủ kinh nghiệm thì hoàn toàn có thể khởi nghiệp cũng chưa muộn.
Nguyễn Đức Hoàng