Như mọi năm, khoảng thời gian một tháng trước Tết Nguyên đán luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường hoa, kiểng. Cũng trong dịp này người ta được chứng kiến nhiều sáng tạo mới nhất của nhà vườn.
Nếu Tết năm ngoái, chậu cảnh hình con gà làm bằng hàng trăm trái cà độc dược của miền Tây Nam bộ thường chiếm vị trí đẹp trên nhiều chợ Tết từ Nam ra Bắc thì năm nay, các chợ hoa, kiểng ngày Tết sẽ đa dạng hơn với hàng loạt ý tưởng mới.
Nhà vườn của ông Nguyễn Hoàng Phúc (phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) năm nay thu hút nhiều thương lái nhờ những trái dừa hình hồ lô lạ mắt. Mỗi trái dừa hồ lô độc đáo này được bán với giá 200.000 đồng/quả.
Tại ấp Tân Lợi, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), nông dân Lê Hồng Trung đã trồng thành công và chuẩn bị khoảng 500 chậu tắc cẩm thạch, loại tắc có vỏ xanh vân trắng như cẩm thạch để bán Tết, giá bán dự kiến từ 150.000 – 200.000 đồng/chậu, cây có chiều cao từ 30 – 50cm. Đây là giống cây nhập từ nước ngoài đang được nhiều người Việt ưa chuộng tiếp sau chanh cẩm thạch, chuối cẩm thạch, dưa cẩm thạch, bưởi cẩm thạch, ổi cẩm thạch.
Cũng tại Đồng Tháp, nhà vườn của ông Trần Văn Tiếp (ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông, TP. Sa Đéc) đang chuẩn bị tung ra thị trường khoảng 1.000 chậu dưa pepino (còn gọi là dưa hấu tí hon), với giá bán từ 200.000 – 500.000 đồng/chậu. Bắt đầu trồng loại cây độc đáo này từ 2014, nhưng mãi đến năm 2016 ông Trần Văn Tiếp mới trồng thành công. Sản phẩm được ưa chuộng nhất mỗi cây có ít nhất 3 trái, mỗi trái phải đạt trọng lượng từ 200 – 300gr thì mới được xem là đạt chuẩn “đẹp – độc – lạ”.
Gần đây, nhiều người trồng bưởi ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cũng không còn bằng lòng với việc bán bưởi chưng Tết. Một số hộ gia đình đã tạo thêm giá trị gia tăng bằng cách tạo cây kiểng từ những trái bưởi vàng ươm. Một vườn ở thôn Phi Liệt, xã Liên Nghĩa chỉ trồng 60 cây bưởi, thế nhưng giá trị của vườn bưởi này lên đến hàng tỷ đồng. Giá một cây được ghép trái sai trĩu dao động từ hàng chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng.
Độc đáo hơn, vườn nhà ông Lê Đức Giáp (xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) có hơn 100 gốc bưởi kiểng, mỗi gốc được ghép 10 loại trái khác nhau. Gốc để tạo ra cây cảnh này là phần gốc của cây bưởi Diễn được trồng trong khoảng từ 3 – 9 năm, việc ghép trái phải được thực hiện trước tết khoảng 6 tháng.
“Với mỗi vườn như thế này tôi thu về khoảng 1 tỷ đồng, sau khi trừ công chăm sóc, tiền giống, phân bón thì để ra được khoảng 600 – 700 triệu đồng”, ông Lê Đức Giáp chia sẻ.
Nói về những mặt hàng trưng bày giá trị cao dịp Tết không thể không nhắc đến hoa lan.
Vài năm gần đây, địa lan Sa Pa luôn có mức giá cao hàng đầu nhờ vẻ đẹp hiếm thấy với những chùm hoa màu xanh ngọc hay xanh lá mạ nhìn như sao rơi dài cả mét. Dù các nhà vườn ở Sa Pa đã liên tục mở rộng diện tích trồng địa lan nhưng giá loại hoa này vẫn chưa có dấu hiệu giảm, giá một cành lan dài một mét có 30 nụ hoa dao động ở mức 900.000 – 1.300.000 đồng. Giá mỗi chậu được tính dựa trên số lượng cành trong chậu.
Để có chậu địa lan đẹp, người ta phải chi từ vài triệu đến cả vài chục triệu đồng, thậm tới hơn trăm triệu đồng.
Theo DNSG Online.