Cách đây 2 tháng, tại Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tránh mua sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam nhưng do nước khác sản xuất”.
Đó là trường hợp nước mắm Thái Lan mang thương hiệu “Nước mắm Phú Quốc” vào các siêu thị Mỹ. Nước mắm Phú Quốc là việc đã rồi của một thương hiệu đã bị mất.
Chuyện người Huế chuẩn bị làm thương hiệu cho bún bò Huế “dậy sóng” mấy tuần nay làm nhớ lại chuyện rượu Hồng Đào mười lăm năm trước. Hồi đó một nữ doanh nhân tại Đà Nẵng đã vịn vào câu ca dao nổi tiếng Đất Quảng Nam “chưa mưa đà thấm/Rượu hồng đào chưa nhấm đà say” để sản xuất và đưa ra thị trường một loại rượu mùi có màu hồng nhạt. Rượu được đặt tên “Rượu Hồng Đào”.
Đã bao năm nữ doanh nhân phải đối mặt với dư luận, tại sao dám sử dụng cái tên rượu Hồng Đào của Quảng Nam, đã được ca dao chỉ dẫn địa lý, và nó đã vào ca dao thì nó là sở hữu của người Quảng Nam. Rồi nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa dày công tìm kiếm tung tích của rượu Hồng Đào trong ca dao là loại rượu gì.
Cứ thế, rượu Hồng Đào vẫn ra thị trường, tồn tại đến nay, và là loại quà biếu khách du lịch nội địa thích mua. Và bà chủ nhãn rượu này đã rất chuyên nghiệp khi đăng ký quyền sở hữu thương hiệu “Rượu Hồng Đào”.
Tôi tưởng tượng nếu cả tỉnh Quảng Nam bây giờ phát đạt nghề sản xuất rượu màu hồng đem bán khắp nơi, chắc sẽ có cuộc chiến thương hiệu giữa một doanh nhân đi trước với cả một tỉnh(!). Nhưng may mắn cho nữ doanh nhân đó là Quảng Nam chỉ sản xuất rượu gạo, bán manh mún trong làng xã.
Cái chuyện thương hiệu là thế, có cầu thì mới giữ. Nó giống sự yêu thương cũng cần đúng cách. Mỗi đặc sản đi ra từ dân gian đều cần trân trọng.
Một doanh nhân khác ở Quảng Nam đã từng bỏ kinh phí để làm tô mì Quảng lớn nhất từ truớc đến nay để được sách guinness ghi nhận là tô mì đạt kỷ lục lớn nhất.
Khó nói đây là một “chiêu” thuần quảng cáo. Nhà hàng của doanh nhân này có bán mì Quảng, nhưng công sức của nó là đã tái tạo không gian và quy trình làm mì cổ truyền, hương liệu cổ truyền cho du khách thưởng lãm, đến mức đã có nhiều Việt kiều từ xa tìm tới để học nấu mì Quảng, đưa hương vị mì Quảng ra nước ngoài.
Vừa rồi, một chị đầu bếp sống ở Mỹ đã hơn 10 năm cũng đã về Quảng Nam học nấu mì Quảng, và trong lời quảng cáo của bếp này, thì thực khách dùng ớt xanh Quảng Nam và sợi mì thơm mùi đậu phụng phi với củ nén tươi. Ừ, nghe tới đó là biết hương vị mì Quảng chính hiệu rồi. Thương một đặc sản đi ra từ dân gian như thế cũng đã thỏa lòng rồi. Các doanh nhân đã cố công tạo dựng thương hiệu cho từng món đặc sản như vậy.
Việc chính quyền vào cuộc làm thương hiệu cho tỏi Lý Sơn, bún bò Huế như vừa qua đâu có gì lạ. Chẳng qua cách làm dài dòng và lý sự làm ức lòng những người không có mấy thời gian để hiểu kỹ.
Phải công nhận tỏi Lý Sơn từ ngày được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể, có logo, thì bất cứ ở đâu, thương nhân cũng dùng logo đó để giới thiệu sản phẩm, và củ tỏi Lý Sơn trở thành món quà đắt giá.
Có thể đâu đó có tỏi giả hiệu Lý Sơn. Nhưng đó là thương trường, hãy để người mua định đoạt, không cần phải khoác lên những món ăn dân dã cái gông đè nặng của giấy phép. Củ tỏi Lý Sơn vẫn được hâm mộ, cái logo kèm theo cũng chỉ là một sự khẳng định niềm tự hào, chứ không thể đảm bảo đây đúng tỏi Lý Sơn chính hiệu được. Ở nước mình nó thế!
Hồng Bích | Theo Doanh Nhân Sài Gòn