Luật doanh nghiệp chồng chéo trói chân nhà đầu tư ngoại
Việc không đồng nhất giữa các luật doanh nghiệp, giấy phép con, thực thi còn chồng chéo đang “trói chân” doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
- Muốn khởi nghiệp, cần phải hiểu biết pháp luật / Luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các khởi nghiệp
Theo kiến nghị của Hiệp hội thương mại Nhật Bản tại TP HCM, các doanh nghiệp (DN) nước này đang cân nhắc về quyết định gia tăng đầu tư vào thị trường Việt Nam hay không? Đây cũng là nguyên nhân khiến mức đầu tư đã giảm trong 2 năm qua. 63% DN Nhật Bản xem việc thiếu minh bạch trong các thủ tục hành chính, thuế, hải quan, là nguyên nhân cơ bản kéo giảm mức đầu tư xuống.
Trong khi đó, phía các DN Hàn Quốc cho rằng, Hiệp định thương mại song phương giữa hai nước đang làm cho nhiều DN từ nước này kỳ vọng vào việc đầu tư tại TP HCM sẽ đem lại kết quả tích cực. Tuy nhiên đó chỉ là những động thái mang tầm vĩ mô, còn khi đầu tư và vận hành vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Ban đầu TP HCM có rất nhiều ưu đãi, nhưng những ưu đãi ngày càng thu hẹp, tăng lương, thiếu nguồn lao động chất lượng tạo nhiều khó khăn cho DN. Mặc dù TP HCM đã nỗ lực giải quyết hàng loạt vấn đề nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Một vấn đề được nhiều DN nước ngoài kiến nghị đến lãnh đạo TP HCM trong buổi gặp sáng nay liên quan đến Thông tư 23 về nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng của Bộ Khoa học và Công nghệ, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, quy định không được nhập máy móc cũ trên 10 năm tuổi vào Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội DN Hoa Kỳ (Amcham) cho biết, quy định này đang gây nhiều khó khăn, và các DN đã từng kiến nghị nhiều lần về việc hủy bỏ thông tư này.
Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản cho rằng, DN Nhật đã nhiều lần kiến nghị phía cơ quan quản lý Việt Nam cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc tại quy định trên, để không làm giảm thiện chí của nhà đầu tư Nhật. Cần có một tiêu chí đặc biệt cho thông tư, cũng như hướng giải quyết chứ không phải cấm hoàn toàn các thiết bị này. Có thể sẽ có những quy định khác ràng buộc về mức độ rủi ro của thiết bị chẳng hạn.
Vấn đề muôn thuở là giấy phép con lâu nay gây phiên hà cho DN vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hiện nay, ở Việt Nam, chưa có một quy trình cụ thể, thống nhất các thủ tục hành chính (TTHC) mà nhà đầu tư phải thực hiện khi muốn triển khai một dự án có sử dụng đất. Mỗi địa phương đang có những vận dụng để có một quy trình giải quyết riêng phù hợp với chính sách thu hút đầu tư của tỉnh mình. Bên cạnh đó, các quy trình TTHC đối với mỗi loại dự án trong từng ngành, từng lĩnh vực lại có những quy định khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các khu công nghiệp TP HCM cho rằng, dù các quy định hiện hành của Nhà nước bắt buộc nhiều địa phương phải “dẹp” các loại giấy phép con, nhưng việc này vẫn còn tồn tại rất nhiều nơi, gây phiền hà cho các nhà đầu tư khi muốn thực hiện một dự án tại TP HCM.
Hệ quả là nhà đầu tư cũng phải đồng thời đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của từng cơ quan, làm kéo dài thêm thời gian không cần thiết, dự án không thể triển khai. Cần sớm xóa bỏ các giấy phép con này và thống nhất về một mối, một cửa, nhằm khắc phục sự chống chéo, giúp nhà đầu tư có điều kiện thuận lợi đẩy nhanh dự án.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch đầu tư thừa nhận thực trạng hiện nay nhiều luật đang còn chống chéo nên việc giải quyết rất mất thời gian. Trong khi việc thực thi còn phụ thuộc vào con người và từng đơn vị. Ông Hoàng cho biết những ý kiến đóng góp của DN, cơ quan sẽ lắng nghe để điều chỉnh cho phù hợp với sự đổi mới theo chiều hướng tốt hơn.
“Vấn đề bất cập nhất hiện nay chính là việc chồng chéo giữa các luật và các cơ quan quản lý, nên để điều chỉnh được vẫn là vấn đề nan giải. Khi sửa luật này thì vẫn chưa điều chỉnh luật kia cho đồng nhất, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn với nhau. Điều này làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư”, ông Hoàng nói.
Chia sẻ với bức xúc của các nhà đầu tư, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cho rằng, việc gặp gỡ đối thoại là dịp để khẳng định niềm tin giữa chính quyền địa phương với DN. TP HCM luôn tạo điều kiện tốt nhất để DN kinh doanh đầu tư tại đây. Hiện tại môi trường kinh doanh đang được cải thiện rất nhiều, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu hội nhập cần phải cải thiện hơn nữa. Các kiến nghị của DN thành phố sẽ giải quyết nhanh gọn, vướng ở đâu giải quyết ở đó chứ không chờ tới họp định kỳ.
“Tuy nhiên các DN cũng phải nâng cao năng lực của mình, nghiên cứu để tăng đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Đề nghị các DN phải minh bạch, liêm chính trong hoạt động của mình. Muốn thủ tục đơn giản thì chính DN cũng phải minh bạch, từ đó mới hỗ trợ nhau tốt. DN cũng phải chăm lo cho người lao động của mình từ các chính sách BHXH, nhà ở. Nếu muốn sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần phải có chế độ phúc lợi phù hợp. Tôi tin là TP HCM sẽ đáp ứng được điều này”, ông Đinh La Thăng gửi gắm đến các DN.
Bình Nguyên / Theo Zing
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra