Mở quán cafe có cần đăng ký kinh doanh?
Thị trường kinh doanh quán cafe trong thời gian gần đây là một trong những thị trường khởi nghiệp được lựa chọn hàng đầu. Các cửa hàng cafe trở thành những điểm dừng chân lý tưởng cho đa dạng khách hàng và vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Hàng loạt quán cafe từ những quán có quy mô lớn, diện tích rộng cho đến những quán cafe “cóc” bình dân, nhìn chung, đều phải trải qua bước hoàn thiện về mặt pháp lý trước khi đi vào hoạt động. Vậy mở quán cafe có cần đăng ký kinh doanh? Đăng ký kinh doanh gồm những công đoạn gì? Ngoài đăng ký kinh doanh để mở quán cafe còn cần thủ tục nào khác? Các câu hỏi trên sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Mở quán cafe cần đăng ký kinh doanh
Đầu tiên, bạn cần hiểu được giấy phép kinh doanh là loại giấy tờ thế nào và vì sao để mở một quán cafe bạn cần phải có giấy phép kinh doanh. Giấy phép kinh doanh là điều kiện pháp lý cần và đủ để một cá nhân hay một tổ chức hoạt động trong một ngành nghề kinh doanh đáp ứng điều kiện nhất định được phép hoạt động kinh doanh hợp pháp. Giấy phép kinh doanh là chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở kinh doanh đó và là cơ sở giúp cho cơ quan quản lý nhà nước quản lý trật tự xã hội về điều kiện kinh doanh được dễ dàng hơn.
Theo 6 mục trong Điều 3, Nghị định 39/2007/NĐ-CP thì quán cafe (dưới mọi hình thức, quy mô) đều không nằm trong trường hợp được miễn trừ không cần đăng ký giấy phép kinh doanh. Vì vậy khi mở quán cafe nhỏ hay lớn đều cần giấy phép kinh doanh quán cafe theo đúng quy định của nhà nước.
Trong trường hợp không có giấy phép kinh doanh thì theo Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ký ngày 15 tháng 11 năm 2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả bạn sẽ bị xử phạt hành chính. Mức xử phạt như sau:
“Điều 6. Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Khoản 2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định.”
Nghĩa là tùy theo mức độ vi phạm, công an phường sẽ xem xét và xử phạt từ 5 – 10 triệu đồng với vi phạm không có giấy phép kinh doanh đối với quán cafe.
Nói chung, ở bất kỳ quy mô nào, dưới bất kỳ hình thức nào thì một quán cafe dù nhỏ hay lớn cũng phải đăng ký kinh doanh và hoàn tất thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật.
Đăng ký kinh doanh quán cafe như thế nào?
Với sự trọng yếu của giấy phép kinh doanh, bạn cần hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng trong công đoạn đăng ký kinh doanh cho quán cafe của mình. Về thủ tục xin giấy phép kinh doanh quán cafe, tùy theo mục đích của bạn mà có thể đăng ký kinh doanh dưới danh nghĩa doanh nghiệp, hộ kinh doanh hay cá nhân kinh doanh. Cụ thể như sau:
- Doanh nghiệp: loại hình này phù hợp với hoạt động kinh doanh lớn hoặc trung bình
- Hộ kinh doanh: loại hình này phù hợp với hoạt động kinh doanh trung bình hoặc nhỏ
- Cá nhân kinh doanh: loại hình này phù hợp với hoạt động kinh doanh rất nhỏ
Thủ tục xin giấy phép kinh doanh gồm 3 bước cơ bản sau:
- Bước 1: Gửi hồ sơ và Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đầy đủ đến Phòng Kinh tế – Kế hoạch – UBND quận, huyện, thành phố nơi bạn đặt địa chỉ quán và nộp lệ phí đăng ký đầy đủ.
- Bước 2: Chờ đợi cơ quan đăng ký xét duyệt trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.
- Bước 3: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc nhận thông tin cần sửa đổi, bổ sung trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo sửa đổi bổ sung.
Những giấy tờ cần có đủ trong bộ hồ sơ đăng ký kinh doanh cho một quán cafe gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh theo mẫu địa phương
- Bản sao có công chứng chứng minh thư nhân dân của cá nhân và các thành viên (nếu có) hoặc người đại diện hợp pháp của Hộ gia đình kinh doanh.
- Hợp đồng thuê nhà (nếu có).
- Với mô hình dịch vụ ăn uống, cần có thêm một thủ tục bắt buộc nữa đó là xin Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP)
Một số giấy tờ liên quan trong thủ tục pháp lý cho một quán cafe
Không chỉ giấy phép đăng ký kinh doanh, để mở một quán cafe, bạn cần chuẩn bị thêm một số giấy tờ thủ tục khác. Để tiến đến bước hoàn thiện cuối và chính thức mở cửa đón khách thì quán cafe của bạn trên cơ bản cần có giấy phép kinh doanh, giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận đã tham gia khóa đào tạo về vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy phép xây dựng quán cafe, hợp đồng thuê vỉa hè.
Bên cạnh quá trình hoàn tất các loại giấy tờ nêu trên, trong quá trình hoạt động, các cơ quan quản lý cũng sẽ thường xuyên đến kiểm tra quán của bạn. Lúc này, hóa đơn mua hàng là một yêu cầu thiết yếu. Khi mua hàng hóa, nguyên vật liệu để phục vụ kinh doanh quán cafe, bạn cần yêu cầu nhà cung cấp xuất hóa đơn, cung cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng hóa (bản photo)…
Ngoài ra, đóng thuế cũng là một nghĩa vụ cần được thực hiện nghiêm chỉnh khi bạn kinh doanh một quán cafe. Thông thường, vào mỗi tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ gửi danh sách những hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho cơ quan thuế cung cấp. Đó là lý do mà ngay sau khi nhận được xét giấy phép kinh doanh, bạn cần tiến hành mở mã số thuế cho quán cafe của mình. Sau đó, xét theo Điều 2,Thông tư 92/2015/TT-BTC ký ngày 15 tháng 06 năm 2015 về hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân có cư trú có họa động kinh doanh thì các loại thuế mà quán cafe cần phải nộp bao gồm:
- Thuế môn bài theo năm: dựa trên thu nhập một tháng. Mức thuế này thấp nhất là 50.000 đồng
- Thuế Giá trị gia tăng (GTGT): bằng Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
- Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): bằng Doanh thu tính thuế TNDN x Tỷ lệ thuế TNDN
Trên đây là câu trả lời cho thắc mắc “Mở quán cafe có cần đăng ký kinh doanh?” và những kiến thức cơ bản xoay quanh thủ tục xin giấy phép kinh doanh và các giấy tờ pháp lý khác. Có thể thấy, không chỉ riêng việc kinh doanh quán cafe mà bất kỳ hình thức kinh doanh nào cũng phải tuân thủ pháp luật trong công đoạn hoàn tất giấy tờ, thủ tục. Tuy nhiên, với mỗi địa phương, mỗi mô hình kinh doanh còn có các thủ tục pháp lý khác nữa,thế nên điều bạn cần làm là tìm hiểu và thực hiện cho đúng quy định của pháp luật để quán cafe của mình có thể hoạt động một cách suôn sẻ nhất.
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra