Trong tám tháng đầu năm nay, Việt Nam có thêm 108.400 doanh nghiệp mới thành lập và quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng kinh doanh. Nhưng trong thời gian đó, cũng có tới 72.340 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ giải thể hoặc đã hoàn tất thủ tục phá sản.
Thứ nhất, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập thị trường ở khu vực đồng bằng sông Hồng rất cao, lên đến 97,9%, trong khi ở khu vực Đông Nam bộ tỷ lệ này chỉ có 57,1%.
Thứ hai, nhóm doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phải ngừng kinh doanh, chờ giải thể hoặc đã hoàn tất thủ tục phá sản chiếm số lượng rất lớn, đứng thứ 2 trong số 17 ngành nghề kinh doanh có doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường. Đây là ngành tạo ra công ăn việc làm nhiều nhất, chiếm hơn 35% tổng số việc làm mới được tạo ra, đồng thời đây cũng là ngành khó khởi nghiệp hơn so với các ngành thương mại và dịch vụ. Vì vậy, “tổn thất” này là không nhỏ cho nền kinh tế.
Thứ ba, trong tổng số doanh nghiệp phải rút lui khỏi hoạt động kinh doanh, nhóm doanh nghiệp nhỏ, có vốn dưới 10 tỉ đồng chiếm tỷ lệ lớn nhất. Tuy nhiên, số liệu thống kê chi tiết (sáu tháng đầu năm) vẫn có tới gần 1.100 doanh nghiệp có quy mô vốn từ 50 đến trên 100 tỉ đồng phải ngưng hoạt động, chờ giải thể hoặc đã giải thể, trong khi số thành lập mới trong cùng thời kỳ ở quy mô vốn này chỉ chưa tới 1.600 đơn vị.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh dẫn số liệu thống kê một số nước rồi kết luận tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với số tham gia thị trường ở Việt Nam là bình thường. Tuy nhiên, điều đó chỉ bình thường khi doanh nghiệp bị “tử vong” do các nguyên nhân về thương trường hay những hạn chế nội tại của họ.
Nhưng thực tế hiện nay cho thấy doanh nghiệp không chỉ chết vì các nguyên nhân tự thân, mà còn do các bất cập về môi trường pháp lý và chính sách. Đó là các điều kiện kinh doanh bất hợp lý mọc lên như nấm trong những năm qua; hệ thống luật lệ chồng chéo và thiếu minh bạch dẫn đến việc cơ quan quản lý dễ vận dụng để tạo thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn về phía doanh nghiệp; rồi tình trạng chính quyền không “chung thủy” – sau khi kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư vào địa phương thì thay đổi chủ trương, phớt lờ quy hoạch, đẩy họ vào tình thế khó khăn.
Một rủi ro rất lớn khác là vấn đề thanh tra, kiểm tra. Chỉ cần tin bị thanh tra, kiểm tra lọt ra ngoài là đã đủ khiến doanh nghiệp có thể liêu xiêu. Còn nếu vì lý do vô tình hay hữu ý nào đó mà các thông tin “xấu” về kết quả thanh, kiểm tra bị công khai trên các phương tiện truyền thông, cho dù đó là những thông tin không chính xác như đã xảy ra với một số doanh nghiệp trong mấy tuần gần đây, nó có thể dễ dàng trở thành đòn kết liễu doanh nghiệp.
Tại một cuộc hội thảo bàn về những rào cản kinh doanh được tổ chức cách nay không lâu ở Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng “rủi ro pháp lý và rủi ro chính sách vẫn là rủi ro lớn nhất đối với doanh nghiệp”.
Theo báo Kinh tế Sài Gòn