Người nghèo bị ảnh hưởng thế nào khi tăng thuế giá trị gia tăng ?
Theo dự kiến tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Bộ Tài chính đề nghị nâng mức thuế suất thuế GTGT theo hai phương án: phương án 1 tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1-1-2019, phương án 2 là tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1-1-2019 và 14% từ ngày 1-1-2021. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1 và cho rằng việc tăng thuế GTGT là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cái ”thông lệ quốc tế” mà Bộ Tài chính dẫn là trong giai đoạn 2009-2014, có khoảng hơn 20 quốc gia, đặc biệt là các quốc gia thuộc EU, thực hiện điều chỉnh tăng thuế suất phổ thông thuế GTGT. Hiện nay, mức thuế suất phổ thông thuế GTGT bình quân ở các nước OECD khoảng 19%, ở các nước khu vực EU khoảng 22%.
Tại khu vực châu Á, Nhật Bản cũng đã điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% nhằm tăng nguồn thu mỗi năm khoảng 8.000 tỷ yên cho ngân sách quốc gia để góp phần kiểm soát nợ công tăng cao.
Bộ này cũng dẫn số liệu theo Ngân hàng Thế giới (WB), qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Các nước láng giềng của Việt Nam như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế suất phổ biến là 10%; Trung Quốc có mức thuế suất 17%; Philippines có mức thuế suất 12%…
Bộ Tài chính cho biết trong quá trình thực hiện, Luật thuế GTGT hiện hành đã phát sinh nhiều vướng mắc về đối tượng không chịu thuế GTGT (phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; chuyển quyền sử dụng đất) gây khó khăn cho doanh nghiệp và công tác quản lý thuế.
Mức thuế suất thông thường 10% tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Một số hàng hóa dịch vụ (nước sạch; hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim…) đã được xã hội hóa mạnh mẽ nhưng vẫn chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% chưa bình đẳng với những ngành nghề, lĩnh vực khác đang chịu thuế GTGT với mức thuế suất 10%.
Việc quy định áp dụng thuế suất 5% đối với những loại hàng hóa có thể sử dụng đa mục đích, như: lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá; các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học… dẫn đến không thống nhất trong thực hiện.
Đối với hoàn thuế GTGT, quy định không hoàn thuế đối với “sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” phức tạp trong thực hiện và cùng với quy định không hoàn thuế đối với trường hợp có số thuế GTGT đầu vào lũy kế âm liên tục qua nhiều kỳ khiến doanh nghiệp thêm khó khăn do tăng chi phí thuế.
Vì vậy, hướng sửa đổi sẽ là giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT; giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%; bổ sung quy định để xác định đúng cơ chế thu đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ mới phát sinh theo sự phát triển của kinh tế thị trường; nghiên cứu đến năm 2020 áp dụng cơ bản một mức thuế suất (không kể mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu); hoàn thiện phương pháp tính thuế, tiến tới cơ bản thực hiện phương pháp khấu trừ thuế; quy định về ngưỡng doanh thu để áp dụng hình thức kê khai thuế GTGT phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và thông lệ quốc tế.
Bình luận về vấn đề này, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng đương nhiên tăng thuế thì tăng thu ngân sách. Tỷ trọng thu thuế GTGT vào ngân sách khá lớn dù chi phí thu thấp, nên chỉ cần nâng lên vài % thì tạo nguồn thu khá lớn. Hơn nữa, thuế GTGT dễ thu, thu nhanh và thu được nhiều. Nhưng tăng thu ngân sách như vậy có đúng hay không thì không ai nói được.
Thuế GTGT được ví như vãi thóc cho cả đàn gà, gà to nhỏ, gà lớn bé gì đều bị cả. Thuế gián thu không có tác dụng điều chỉnh thu nhập, hỗ trợ người nghèo chính xác như thuế trực thu, nhưng là loại thuế làm cho giá cả hàng hóa tăng lên, chi phí tiêu dùng tăng lên và tác động mạnh đến người nghèo. Và như thế tác động ngược trở lại doanh nghiệp vì giá hàng hóa bán cao thì sức mua ít đi, làm cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm đi.
Giống như chúng ta bán hàng sang Mỹ, đồng USD tăng giá thì hàng ở Mỹ tăng lên, hàng Việt Nam khó cạnh tranh hàng Mỹ. Như vậy, xét ở phương diện người tiêu dùng và doanh nghiệp thì tăng thuế trực thu hay gián thu đều tác động đến cả 2.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa, theo ông Nghĩa, nghịch lý ở chỗ 1 bên chúng ta đang nới lỏng tín dụng để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, đùng cái tăng thuế GTGT làm cho cầu hàng hóa giảm đi. “Sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ cần xem lại. Hiện các nước hạn chế thuế gián thu, 1 số nước duy trì và tôi không hiểu tại sao lại đề xuất tăng thuế GTGT lên 12%. Chúng ta cần có 1 chính sách nhất quán” – ông Nghĩa góp ý.
Theo CAND
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra