Với quyết tâm thay đổi số phận, dám nghĩ dám làm, ô ng Trần Văn Hài (sinh năm 1957) ở xóm 18, xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế bằng việc đầu tư sản xuất sợi polyester (PE – một loại sợi tổng hợp). Không những làm giàu cho gia đình, cơ sở sản xuất sợi PE của ông Hài còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập ổn định…
Tay trắng lập nghiệp
Sinh ra và lớn lên ở miền quê thuần nông Trực Hùng, ông Trần Văn Hài luôn trăn trở tìm cách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình. Với đầu óc linh hoạt, nhạy bén, nhận thấy những chiếc bao xác rắn đựng hàng hóa có độ bền cao, tiện dụng nên được người dân ưa chuộng, sử dụng nhiều hơn so với những chiếc bao được bện từ sợi đay, sợi cói. Bao xác rắn còn có một ưu điểm nổi bật là khi bị rách, hỏng vẫn được tái sử dụng nhiều lần bằng hình thức rút sợi vỏ bao để làm những cuộn dây hay vá lại thành các loại bao, túi đựng khác.
Qua tìm hiểu, nghiên cứu thực tế thị trường biết được ở nông thôn rất khan hiếm mặt hàng này nên năm 1983, ông Hài đã quyết định khởi nghiệp bằng cách đi thu mua nilon và bao xác rắn rách quanh vùng về khoán cho các hộ nông dân rút sợi và bện thủ công thành dây thừng sau đó lấy sản phẩm đem bán cho các cửa hàng. Khi số lượng nguyên liệu trong vùng thu mua không đủ, ông đã ra Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội… để tìm nguồn nguyên liệu nhằm duy trì, ổn định sản xuất.
Những năm tháng miệt mài tìm nguồn nguyên liệu tại các chợ đầu mối ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã đem lại cho ông nhiều bạn hàng có khả năng cung cấp đầu vào đảm bảo cho sản xuất. Việc làm ăn bước đầu khá thuận lợi nhưng thời điểm đó, quy mô sản xuất của gia đình ông vẫn nhỏ lẻ, manh mún. Từ việc rút sợi, xe sợi đến hoàn thiện sản phẩm hoàn toàn làm thủ công. Do đó, sản phẩm làm ra chỉ đủ phục vụ nhu cầu tại chỗ của bà con trong xã, xa hơn là trong huyện, chưa đủ để xuất đi các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Mở hướng làm giàu
Năm 1992, khi điện lưới quốc gia về đến vùng nông thôn Trực Hùng đã thực sự tạo bước ngoặt cho việc sản xuất sợi PE của gia đình ông Hài. Với số vốn dành dụm được, ông đã quyết định dùng 50 triệu đồng để mua dàn máy rút sợi, xe sợi và mở rộng sản xuất.
Tại thời điểm đó, nhiều người cho rằng, bỏ ra một số vốn lớn để đầu tư mua máy móc là việc làm mạo hiểm nhưng với quyết tâm dám nghĩ, dám làm đã đem lại thành công lớn cho gia đình ông. Việc đưa máy móc vào sản xuất đã giúp năng suất, sản lượng tăng gấp 4 – 5 lần so với làm thủ công, giúp ông thu được lợi nhuận cao để thành lập một trong những cơ sở sản xuất sợi PE đầu tiên của huyện Trực Ninh.
Năm 2007, ông Hài chuyển cơ sở sản xuất ra vị trí mới để thuận tiện cho việc mở rộng nhà xưởng. Bằng sự sáng tạo, cần cù cộng với với kinh nghiệm nhiều năm sử dụng rút sợi, xe sợi và quá trình tham quan, học hỏi ở nhiều nơi, ông Hài cùng các thành viên trong gia đình đã tự phác thảo mô hình kĩ thuật và thành lập xưởng cơ khí, mua phôi sắt về tự rèn, đúc máy móc cho nhà xưởng, giảm tối đa chi phí đầu tư.
Cơ sở sản xuất sợi PE của gia đình ông đi vào hoạt động ổn định từ năm 2008 đến nay đã tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động với thu nhập trung bình 3 – 4 triệu đồng/người/tháng; trong đó, công nhân kĩ thuật cao có thể đạt mức thu nhập 9 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng, cơ sở sản xuất của gia đình ông Hài tiêu thụ trên 30 tấn nhựa nguyên liệu phục vụ sản xuất. Sản phẩm sợi PE của gia đình ông rất đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường và các đơn đặt hàng với kích cỡ sợi dao động từ 0,1mm – 50mm, đủ chủng loại từ sợi nilon dùng thay cho sợi đay dệt chiếu đến xợi se các loại dùng trong nông, lâm, ngư nghiệp.
Ông Trần Văn Hài cho biết, quy trình sản xuất sợi PE bắt đầu từ khâu chọn và sàng lọc, tẩy rửa nguyên liệu, sau đó phơi và phân loại nhựa thành hai loại nhựa trắng và nhựa đỏ để đưa vào máy sản xuất sợi. Mỗi loại nhựa dùng để sản xuất các mặt hàng với giá thành khác nhau. Công cụ để xe sợi PE là một mô tơ điện, sợi được “chập ba” và mô tơ sẽ hoạt động theo nguyên lý quay ngược chiều để xoắn thành các loại dây, chão. Mỗi máy cần ít nhất hai lao động. Sợi càng nhỏ càng khó xe nên thường được trả công cao hơn những loại sợi khác.
Hàng tháng, cơ sở sản xuất của gia đình ông Hài xuất bán gần 30 tấn sợi thành phẩm, với giá trung bình khoảng 30.000 đồng/kg. Sản phẩm sợi PE của gia đình ông đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và miền Trung, trong đó, nhiều nhất là tại Hà Nội, Thanh Hoá, thành phố Vinh…
Không chỉ tạo việc làm cho nhiều lao động, ông Hài còn hỗ trợ những hộ nghèo trong xã vay vốn sản xuất. Đối với những hộ nhận xe sợi cho cơ sở của mình, ông cho vay không lãi suất từ 3 – 5 triệu đồng/hộ để đầu tư máy móc. Một số gia đình trong xã có hoàn cảnh khó khăn, ông tặng toàn bộ số tiền mua máy xe sợi. Ngoài ra, từ năm 2007 đến nay, thông qua chính quyền địa phương, ông Hài còn cho hàng trăm hộ nghèo trong xóm, trong xã vay vốn để mua phân bón chăm sóc lúa và hoa màu, mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ông Hài cũng tích cực tham gia công tác xã hội và các hoạt động tình nghĩa tại địa phương như: hỗ trợ hộ nghèo ăn Tết, bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ đồng bào lũ lụt, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn…
Bà Hoàng Thị Là ở xóm 18, xã Trực Hùng cho biết: “X e sợi PE là công việc đơn giản, dễ làm và tận dụng được thời gian lúc nông nhàn. Từ ngày được ông Hài hỗ trợ tiền mua máy xe sợi và được nhận hàng về làm tại nhà, mỗi ngày gia đình tôi có thu nhập khoảng 120.000 – 200.000 đồng, kinh tế từ đó cũng ổn định hơn”.
Với thành tích sản xuất kinh doanh và những đóng góp lớn cho cộng đồng, ông Trần Văn Hài đã ba lần vinh dự được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ông là tấm gương tiêu biểu trong phong trào vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, góp sức xây dựng quê hương, đất nước của tỉnh Nam Định./.
Hiền Hạnh | Theo Dân tộc miền núi