Khi khởi nghiệp, vấn đề pháp lý là một điểm cần quan tâm đặc biệt cho dự án. Nhưng các startup chưa định hình được “pháp lý” chính thức xuất hiện khi nào và vấn đề nào thực sự gắn với dự án khởi nghiệp.
- Vấn đề pháp lý khi góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp / Cần biết về người đại diện pháp luật của doanh nghiệp
Khi tiếp cận với các startup, chúng tôi hay bắt đầu bằng những câu hỏi để đo lường độ quan tâm dành cho pháp lý của họ: Có bao giờ startup quên sự hiện diện của pháp lý trong những bước khởi đầu của dự án hay ở một chặng đường nào đó trong quá trình phát triển dự án? Có dự liệu những rủi ro khi quên mang theo hành trang pháp lý bên mình? Và điều gì là trở ngại lớn nhất khi chạm vào khái niệm pháp lý?…
Cuộc khảo sát “bỏ túi” này cho chúng tôi câu trả lời: Startup đang rất quan tâm đến pháp lý nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Cần phải xác định rằng, pháp lý chưa bao giờ là điều xa vời, pháp lý luôn gắn với từng dự án khởi nghiệp ngay từ những bước đầu tiên. Hãy định hình nó theo từng giai đoạn của vòng đời khởi nghiệp để pháp lý trở thành công cụ thay vì rào cản và nguyên cớ của những rủi ro tiềm ẩn về sau.
Từ những đơn hàng đầu tiên
Lấy vòng đời khởi nghiệp theo quan điểm của Steve Blank để áp vào từng giai đoạn trong dự án khởi nghiệp. Theo đó, chia dự án ra làm 2 bước: nghiên cứu và thực thi
Bước 1: Nghiên cứu và những vấn đề pháp lý phát sinh.
Bước này sẽ được diễn qua qua 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1 – Khám phá khách hàng. Ở giai đoạn này, startup chuyển ý tưởng kinh doanh thành giả thuyết trong mô hình kinh doanh, kiểm chứng các giả định về nhu cầu khách hàng, tạo phiên bản mẫu tối thiểu cho sản phẩm/dịch vụ để thử xem giải pháp được khách hàng chấp nhận thế nào.
Giai đoạn 2 – Xác nhận khách hàng. Startup tiếp tục kiểm chứng các giả thuyết khác và cố gắng xác nhận sự quan tâm của khách hàng qua những đơn hàng đầu tiên hoặc dùng thử sản phẩm. Trong giai đoạn này, các startup cần lưu tâm những vấn đề pháp lý cơ bản cần lưu tâm như sau:
Ngăn chặn việc đánh cắp ý tưởng là điều các startup vẫn hay lo ngại. Nhưng lo ngại dễ khiến mình rơi vào trạng thái giữ khư khư, dẫn đến hạn chế khả năng phát triển ý tưởng. Những vấn đề khác liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ cần được định hình trong giai đoạn này để tránh những tranh chấp về sau trong quá trình phát triển dự án.
Việc thiết lập những thỏa thuận với đồng sáng lập cũng là một vấn đề các startup quan tâm. Hình thức thỏa thuận trong giai đoạn này được lập dưới một dạng của thỏa thuận dân sự giữa các bên.
Trong đó cần có những nội dung cơ bản trong vấn đề hợp tác, như những đóng góp của mỗi bên, tính cam kết, việc phân chia thành tựu và cùng nhau gánh chịu rủi ro… Các startup cần tập làm quen dần với những thỏa thuận giấy trắng mực đen thay vì “thỏa thuận miệng”.
Việc đưa các sản phẩm/dịch vụ mẫu ra thị trường để thử nghiệm, lấy ý kiến khách hàng nhằm hoàn thiện giả thuyết kinh doanh của mình có gặp phải những trở ngại pháp lý nào không? Ngành nghề của mình có vướng phải những quy định đặc thù nào về mặt pháp lý? Tại Việt Nam, chúng ta cũng không lạ với những startup có ý tưởng rất hay nhưng vẫn chật vật vì hành lang pháp lý chưa khơi thông.
Bước 2: Thực thi và những vấn đề pháp lý phát sinh.
Bước này đi qua 2 giai đoạn:
Giai đoạn 3 – Khởi tạo khách hàng. Sản phẩm đã được hoàn thiện đủ để chính thức bán ra thị trường. Sử dụng những giả thuyết đã được chứng minh, startup phát triển nhu cầu thị trường thông qua các hoạt động bán hàng, tiếp thị để định hình mô hình kinh doanh.
Giai đoạn 4 – Xây dựng doanh nghiệp (DN). Mô hình kinh doanh chuyển đổi từ dạng startup sang DN đúng nghĩa để thực thi mô hình kinh doanh.
Như vậy, trong giai đoạn này, các startup sẽ cần lưu ý những vấn đề pháp lý cơ bản cần lưu ý: Việc lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp bắt đầu được đặt ra để đáp ứng yêu cầu của pháp luật, nhu cầu của khách hàng và đáp ứng các yêu cầu trong việc kêu gọi nhà đầu tư. Các startup trong giai đoạn này sẽ có nhiều câu hỏi về việc chọn lựa loại hình DN, vốn điều lệ tối thiểu có được quy định, cơ cấu tổ chức như thế nào…
Có ý kiến cho rằng, tại sao không thành lập DN ngay từ khi bắt đầu phát triển dự án. Câu trả lời của chúng tôi là hãy nhìn vào số DN giải thể gần đây để thấy một phần không nhỏ là từ việc hăm hở thành lập công ty ngay khi mô hình kinh doanh chưa qua kiểm chứng.
Startup đi theo một quy trình khác, trong đó việc kiểm chứng những giả thuyết, hoàn thiện mô hình kinh doanh là một quá trình, đôi khi mũi tên phải quay ngược chiều cho đến khi đủ điều kiện để chuyển sang bước tiếp theo trong vòng đời dự án.
“Bạn đồng hành” mang tên pháp lý
Việc xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh là điều các startup rất quan tâm. Chúng tôi vẫn luôn lưu ý các startup rằng các quan hệ pháp lý luôn gắn liền với dự án trong giai đoạn này. Bao gồm: pháp lý với cơ quan quản lý nhà nước, pháp lý nội bộ, pháp lý với người lao động và pháp lý với đối tác.
Khi xây dựng được khung pháp lý hoàn chỉnh, chúng ta sẽ có một cơ sở pháp lý làm tăng giá trị dự án trong mắt các nhà đầu tư và làm nền cho những bước phát triển lâu dài. Chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp nhà đầu tư ngán ngẩm với những lỗ hổng pháp lý trong dự án, những rắc rối kiện tụng do việc “bỏ rơi” pháp lý đâu đó trong vòng đời dự án.
Trong phạm vi hạn hữu của bài viết này, chúng tôi không thể chia sẻ toàn bộ các vấn đề pháp lý phát sinh mà chỉ chọn những điểm cốt lõi và cũng không thể phân tích thấu đáo.
Mong rằng các startup không quên mang theo hành trang pháp lý cho quá trình khởi nghiệp của mình. Chỉ khi gắn pháp lý vào vòng đời khởi nghiệp, các startup mới bớt rối, để dành thời gian, chi phí, con người vào những hoạt động khác cho sự phát triển của dự án.
LS. ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ – Thạc sĩ, Chuyên gia Đổi mới sáng tạo Phan Đình Tuấn Anh
Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn