PTT Vương Đình Huệ: startup cần chấp nhận và đương đầu với rủi ro
Khởi nghiệp là cuộc chơi của những người dũng cảm và tiên phong – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ. Chính phủ mong muốn các startup trong nước cần mạnh dạn hơn, đổi mới sáng tạo hơn nữa và trong cuộc chơi đó cần chấp nhận rủi ro, cùng chia sẻ và hợp tác để vượt qua các thách thức.
Startup cần chấp nhận và đương đầu với rủi ro
Sáng ngày 21/9, tại hội thảo quốc tế “Tạo dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam – Bài học thực tiễn từ Israel” do UBND thành phố Hà Nội, Đại sứ quán Israel và FPT tổ chức diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại thời điểm hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để cộng đồng startup phát triển.
Tuy số lượng quỹ đầu tư còn ít nhưng đang không ngừng tăng lên. Về thực tế phát triển cộng đồng doanh nghiệp, 8 tháng đầu năm 2016 bình quân mỗi tháng cả nước có thêm 10.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Riêng tại Hà Nội qua 8 tháng có 15.000 doanh nghiệp.
Trong sự phát triển đó, Phó Thủ tướng lưu ý cộng đồng startup khi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cần gắn liền với đổi mới sáng tạo, với phát triển công nghệ cao và đặc biệt là tính đến hiệu quả kinh doanh, thương mại hóa được ý tưởng.
Nếu như trước đây khởi nghiệp được nhắc đến trong phạm vi hẹp như chỉ là câu chuyện giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường, nhưng đến nay khởi nghiệp đã được hiểu rộng hơn. Tinh thần khởi nghiệp là không ngừng, kể cả các doanh nghiệp lớn hoạt động lâu năm (như FPT) cũng luôn phải nghĩ ra ý tưởng mới, sản phẩm mới để mang lại cơ hội thành công.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, một vấn đề quan trọng trong văn hóa khởi nghiệp đó là phải sẵn sàng chấp nhận thất bại và chấp nhận rủi ro vì đây là hình thức đầu tư mạo hiểm. “Thậm chí 5 phần thắng 5 phần thua đã là may mắn”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ bày tỏ Chính phủ mong muốn các startup cần mạnh dạn hơn nữa, đổi mới sáng tạo hơn nữa và trong cuộc chơi khởi nghiệp cần chấp nhận rủi ro, cùng chia sẻ và hợp tác để vượt qua các thách thức.
Các bộ ngành cam kết mạnh mẽ hỗ trợ startup
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ hiện đã và đang đưa ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chính phủ cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng đồng startup nói riêng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh các cơ quan, tổ chức trung ương và chính quyền địa phương cần tích cực xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách để hỗ trợ startup tiếp cận nguồn tín dụng; tạo môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đăng ký và rút lui, kể cả tại nước ngoài; thu hút các quỹ mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần vào Việt Nam hoạt động; xây dựng cổng thông tin, các trung tâm hỗ trợ thông tin cho khởi nghiệp…
Trong đó, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến vai trò của Nhà nước trong hợp tác công – tư để đầu tư phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm khởi nghiệp và hoạt động theo nguyên tắc quy luật thị trường để có thể ươm tạo được các startup.
Hoạt động này sẽ tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, có điều kiện để giải quyết các vấn đề quốc gia về an sinh xã hội. Và Nhà nước với tư cách là nhà đầu tư mạo hiểm còn có thể mang lại nhiều lợi ích về kinh tế.
Đối với phát triển khởi nghiệp, vấn đề chia sẻ và hợp tác cần được coi trọng, kể cả với quốc tế và từ những startup đã thành công là thế hệ đi trước.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được một nền kinh tế tri thức bắt đầu từ việc xây dựng hệ sinh thái cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vấn đề còn lại chỉ là chính sách.
Trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng chính sách nhằm tạo điều kiện để việc đăng ký kinh doanh được tạo thuận lợi nhất. Với Luật Doanh nghiệp như hiện nay, việc đăng ký cũng như rút lui khỏi thị trường rất thuận lợi. Hiện 38 tỉnh thành trên cả nước đã cho đăng ký online.
Liên quan đến vấn đề để tránh tình trạng có vườn ươm nhưng không có người hoạt động, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng nhà nước cần tạo ra các khu làm việc tập trung để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, những người tiến hành khởi nghiệp gặp nhau. Hoặc có thể, hãy giao cho tư nhân để quản lý, vận hành.
Ông Tùng đưa ra ví dụ tại Hà Nội hiện có khu dành cho cộng đồng startup tại số 1 Lương Yên rộng 800m2 của cá nhân anh Nam Đỗ (một cá nhân có uy tín trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam – PV), các địa phương có nhu cầu có thể tham khảo mô hình này.
Đối với vấn đề hạ tầng viễn thông, CNTT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh trong chương trình phát triển tới năm 2020, Bộ TT&TT đang đẩy mạnh phát triển băng rộng quốc gia hiện đại, tiến tới phủ rộng toàn quốc với băng thông dung lượng cao, đảm bảo khả năng cung cấp đa dịch vụ với giá hợp lý, trong đó đối tượng startup sẽ được hưởng lợi.
Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành hoàn thiện thêm môi trường pháp lý nhằm thúc đẩy phát triển, đồng thời chỉ đạo công tác báo chí truyền thông, để khích lệ tinh thần khởi nghiệp, tạo ra môi trường chính trị xã hội thuận lợi để doanh nghiệp tự tin hơn khi tham gia khởi nghiệp.
Trao đổi tại hội thảo, từ thực tế phát triển của Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho rằng để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, cần đẩy mạnh hỗ trợ các dự án về không gian khởi nghiệp, đào tạo nhân lực, tiếp cận nguồn vốn, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường.
Ngoài ra đẩy mạnh hợp tác với các vườn ươm doanh nghiệp, cơ sở đào tạo quốc tế, kết nối với các tổ chức quốc tế như ADB, World Bank… để vừa tài trợ vừa làm chính sách, khuyến khích tập đoàn lớn trên thế giới mở phòng thí nghiệm để phát triển R&D…
Nguyên Đức | Theo ICTnews
Xem thêm: Khởi nghiệp startup là gì? Định nghĩa khởi nghiệp kinh doanh
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra