Từ vài năm nay, Vũ Đức Thảo – một bạn trẻ ở Hà Nội, ấp ủ khởi nghiệp với một dự án thương mại điện tử. Thảo đã đi gõ cửa nhiều nhà đầu tư và các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp nhưng không nhận được những câu trả lời thỏa đáng. Rồi anh đi làm thuê cho một công ty tư nhân trong khi vẫn chăm chút cho dự án khởi nghiệp của mình với hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm được nhà đầu tư.
Quỹ “ảo” ăn theo phong trào
Một trong những nơi Thảo từng gõ cửa là quỹ khởi nghiệp của dự án “Học làm giàu” (hoclamgiau.vn) thuộc Công ty cổ phần Thương mại đầu tư và Phát triển công nghệ Quốc tế (IDT). Ra mắt quỹ từ cuối năm 2012, IDT cam kết “đầu tư 1 tỉ đồng và huy động 4 tỉ đồng từ các nguồn khác vào quỹ, căn cứ vào hiệu quả hoạt động, nguồn vốn của quỹ sẽ tiếp tục được mở rộng trong những năm tiếp theo”. Nhưng hứa hẹn, cam kết là một chuyện, thực thi là một chuyện khác, không ai với được tới quỹ này hoặc nó chỉ tồn tại trên giấy. Cuối năm 2015, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc IDT là ông Phạm Thanh Hải bị công an Hà Nội bắt giữ để điều tra hai hành vi “kinh doanh trái phép” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Khởi nghiệp đang là một trong những cơn sốt trong giới trẻ. “Ăn theo” cơn sốt này là các trung tâm đào tạo kỹ năng làm giàu, đào tạo kỹ năng trở thành doanh nhân thành đạt. Họ liên tục mở các lớp khởi nghiệp và để việc chiêu sinh hiệu quả, họ lập ra các quỹ khởi nghiệp với sự hứa hẹn đầu tư đến 50.000 đô la Mỹ vào một dự án. Tuy nhiên, “điều kiện đầu tiên để tiếp cận quỹ là phải tham gia lớp khởi nghiệp do họ đào tạo với học phí 20 triệu đồng”, anh Thảo cho biết. Thảo đã từng tham dự một khóa học như vậy, nhưng khi kết thúc khóa học, anh không nghe trung tâm đào tạo đả động gì đến việc đầu tư.
Có một quỹ hứa hẹn cấp vốn lên đến 250.000 đô la Mỹ giai đoạn serie A cho startup, trong danh mục đầu tư của quỹ xuất hiện 5 startup, nhưng người sáng lập của 3 trong số 5 startup đó cũng là đồng sáng lập của quỹ. Vậy chẳng khác nào họ lập quỹ ra để tự đầu tư cho mình. Một chuyên gia về khởi nghiệp nhận xét: “Lập quỹ thì đâu tốn nhiều công sức. Họ lập quỹ ra để kêu gọi các nhà đầu tư khác góp vốn vào, và với danh nghĩa là quỹ, họ có uy hơn khi đi bàn chuyện làm ăn với các đối tác khác”.
Quỹ thật thì lại khó tiếp cận
Theo bà Lê Thị Bé Ba, Trưởng phòng Quản lý và Hỗ trợ doanh nghiệp – Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp thuộc khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, một số doanh nghiệp thuộc trung tâm đã nộp hồ sơ xin hỗ trợ từ dự án FIRST, nhưng sau một thời gian, các doanh nghiệp cho biết họ không nhận được phản hồi nào từ dự án, rằng hồ sơ của họ nộp đã đúng hay chưa, hay ngành nghề hoạt động của họ có phù hợp với tiêu chí hỗ trợ của dự án hay không? FIRST là tên viết tắt của dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ”, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện với vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới, có tổng mức đầu tư lên đến 110 triệu đô la Mỹ, được lập vào cuối năm 2013.
“Nhiều quỹ hay dự án hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được lập ra và treo như vậy, tiếp cận rất khó, thủ tục xin hỗ trợ, thậm chí xin vay vốn ưu đãi cũng rất khó”, ông Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu công nghệ phần mềm (ITP) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết. Theo ông Thi, chưa có dự án khởi nghiệp nào từ ITP có được sự hỗ trợ từ các quỹ khởi nghiệp trong nước.
Tháng 1-2015, Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (Vietnam Startup Foundation – VSF, vốn điều lệ là 5,2 tỉ đồng) đã ra mắt hoành tráng với sự xuất hiện của nhiều quan chức Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhưng kể từ đó đến nay, hoạt động của quỹ khá lặng lẽ. Bà Thạch Lê Anh, Giám đốc đầu tiên của VSF, cho biết: “Nhiều người lầm tưởng đây là quỹ của Nhà nước, nhưng thực ra là quỹ tư nhân. Những người sáng lập vẫn đang tiếp tục tìm nguốn vốn đầu tư vào quỹ. Vì định hướng hoạt động của họ không phù hợp với tôi nên tôi đã bàn giao vị trí giám đốc quỹ cho người khác”.
Tiếp cận một cách từ từ
Hiện tại, bà Thạch Lê Anh đang làm Chủ nhiệm đề án Vietnam Silicon Valley (VSV) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Hoạt động mạnh nhất của VSV là đóng vai trò của một tổ chức thúc đẩy kinh doanh (business accelerator). Các nhóm khởi nghiệp nộp hồ sơ dự thi VSV Startup Contest hàng năm, nhóm nào vượt qua vòng phỏng vấn trực tiếp với những nhà đầu tư và cố vấn của VSV sẽ được đầu tư vốn mồi 10.000 đô la Mỹ, đổi lại, VSV sẽ giữ 10% cổ phần của startup.
Các nhóm khởi nghiệp sẽ có bốn tháng được huấn luyện về kinh doanh, pháp lý và phát triển sản phẩm với các cố vấn của VSV; được làm việc tại khu làm việc do VSV cung cấp; được tham gia các sự kiện kết nối với khách hàng và các nhà đầu tư do VSV tổ chức. Khi các startup trưởng thành, VSV sẽ thoái vốn bằng cách bán cổ phần cho các nhà đầu tư lớn hơn. Trong hai năm 2014 và 2015, VSV Accelerator nhận được 194 hồ sơ đăng ký dự thi, qua sàng lọc, còn 17 nhóm được nhận đào tạo. Trưởng thành từ đây, các startup như Lozi, Tech Elite, LoanVi, Jobwise đã nhận được vốn đầu tư từ nước ngoài.
Bà Lê Anh cho biết: “Mô hình này đã thành công ở Silicon Valley tại Mỹ. Ba cột trụ quan trọng nhất trong hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững là doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital) và tổ chức thúc đẩy kinh doanh (business accelerator) thì chúng tôi đóng vai trò thứ ba còn đang trống vắng ở Việt Nam”.
Cũng như thế, theo quan điểm của Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp (VIISA) – một quỹ đầu tư có sự phối hợp giữa tập đoàn FPT và Dragon Capital, để phát triển cộng đồng khởi nghiệp, trước tiên cần chú ý việc đào tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Mục tiêu của VIISA là đào tạo, đầu tư, hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nền tảng di động (mobile), dịch vụ Internet, tài chính… trở thành các doanh nghiệp thành công.
Ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc điều hành Dragon Capital, thành viên sáng lập VIISA, cho biết ở giai đoạn đầu, VIISA đang tập trung vào việc đào tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; hoàn thiện cơ chế hợp tác, chương trình hoạt động giữa các đối tác tham gia quỹ. Hiện VIISA đã hợp tác với một số trường đại học, trung học phổ thông… tổ chức các khóa đào tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, VIISA còn hợp tác với một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn để cung cấp đội ngũ người hướng dẫn (mentor) cho các dự án khởi nghiệp.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, Trưởng dự án khởi nghiệp cộng đồng thuộc Hoa Sen Group, hai mô hình tăng tốc khởi nghiệp trên hiện phù hợp nhất với bối cảnh khởi nghiệp ở Việt Nam: “Về phía các nhóm khởi nghiệp, được đào tạo bài bản trong vài tháng, cơ hội thu hút các nhà đầu tư của họ tốt hơn. Về phía nhà đầu tư, muốn có một dự án tốt để đầu tư, họ có thể đến các địa chỉ tăng tốc khởi nghiệp tin cậy để lựa chọn vì các dự án này đã qua sự sàng lọc khá kỹ từ các chuyên gia. Tôi cho rằng các nhóm khởi nghiệp thực sự có tiềm lực, thay vì mất nhiều thời gian đi xin hỗ trợ từ các quỹ khởi nghiệp thì nên tham dự vào các chương trình tăng tốc khởi nghiệp sẽ thiết thực hơn”.
Muốn vay vốn phải chấp nhận nhiều điều kiện
Nói về đối tượng nhận vốn từ Quỹ Đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TPHCM (HSIF), bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), cho biết các doanh nghiệp khởi nghiệp muốn tiếp nhận vốn từ HSIF phải đăng ký kinh doanh, hoạt động tại TPHCM. Đồng thời, các dự án được cấp vốn đầu tư phải đáp ứng một số điều kiện thẩm định do HSIF đặt ra, như ít nhất phải có một thành viên sáng lập dưới 35 tuổi (ưu tiên doanh nghiệp trẻ); ưu tiên cho các dự án có định hướng phát triển công nghệ (ứng dụng nền tảng di động; nông nghiệp công nghệ cao)…
HSIF có nguồn vốn ban đầu là 30 tỉ đồng từ các Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Ngân hàng Phương Đông (OCB) và Ngân hàng Phát triển nhà TPHCM (HDBank). Đại diện BSSC, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) cùng với ba ngân hàng góp vốn kể trên (nhà đầu tư) đã thành lập hội đồng thẩm định các dự án khởi nghiệp. Hội đồng sẽ thẩm định để xác định dự án có khả thi khi đưa vào kinh doanh hay không. Những dự án không đủ điều kiện nhận vốn từ HSIF có thể được chuyển sang đăng ký vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TPHCM (thuộc BSSC).
Do HSIF hoạt động theo mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm nên các dự án phải có sản phẩm cụ thể đưa ra thị trường; các dự án mới chỉ dừng lại ở mức ý tưởng sẽ khó được nhận vốn. Cho đến thời điểm này, chưa có dự án khởi nghiệp nào được chính thức tiếp nhận vốn đầu tư từ HSIF. Tại lễ ra mắt quỹ này, một cá nhân có ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực cung cấp văn phòng phẩm đã tâm sự: “Xét về quy mô kinh doanh lẫn khả năng ứng dụng, có lẽ chúng tôi chưa đủ điều kiện nhận vốn từ HSIF. Tuy nhiên, việc ra đời các quỹ khởi nghiệp địa phương như TPHCM là sự “tiếp lửa”, tạo động lực thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp tiếp tục dấn thân, phát triển các dự án đầu tay”.
Cũng có một số bạn trẻ tỏ ra lo lắng về việc HSIF yêu cầu dự án được nhận vốn đầu tư phải bổ sung một cố vấn chuyên môn từ quỹ này vào ban điều hành dự án. Họ e ngại rằng, nếu quỹ can thiệp “sâu” vào bộ máy điều hành, có thể sẽ gây trở ngại cho hoạt động của dự án. Tuy nhiên, ông Phạm Phú Quốc ở HFIC lại cho rằng các cố vấn chỉ tư vấn về mặt chuyên môn, mục đích là để nguồn vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả nhất. Người cố vấn này sẽ cùng với nhóm khởi nghiệp vạch ra chiến lược kinh doanh, hoạt động quảng cáo – truyền thông, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh kịp thời nếu gặp trở ngại khi thực hiện dự án…
Theo thesaigontimes.vn