Từ những rặng dừa Bảy Mẫu bạt ngàn, Nguyễn Thị Như Lý – cô gái sinh ra ở vùng sông nước Cẩm Thanh tận dụng để khởi nghiệp phát triển du lịch sinh thái.
- Doanh nhân vàng trong làng khởi nghiệp, 3 lần gây dựng đều bất bại cả 3
- Startup lẩn tránh sau khi nhận vốn vì khó khăn, buộc ‘cá mập’ phải ‘chạy’ theo để tư vấn
- Những lời khuyên tài chính dành cho doanh nhân khởi nghiệp không nên bỏ qua
Tham quan Hội An (tỉnh Quảng Nam), ắt hẳn du khách không thể bỏ qua cơ hội thưởng lãm các di tích cổ xưa hàng trăm năm tuổi tọa lạc men theo dòng sông Hoài thơ mộng.
Ấy nhưng, ở phía hạ nguồn sông mẹ Thu Bồn, Cẩm Thanh – vùng đất được ví von “miền Tây thu nhỏ giữa lòng đô thị cổ Hội An” cũng đang trở thành điểm dừng chân hút hồn bao lữ khách.
Sinh ra và lớn lên ở rừng dừa nước Bảy Mẫu, từ nhỏ, Nguyễn Thị Như Lý (29 tuổi, thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh) nuôi dưỡng trong tâm hồn mình một tình yêu quê hương, yêu xứ dừa da diết.
Bởi lẽ, tuổi thơ của Lý gắn liền với những buổi cùng cha mẹ bơi chiếc thuyền thúng luồn lách qua những tán dừa phủ một màu xanh khắp bề mặt con nước nơi hạ nguồn Thu Bồn.
Ngày ấy, nghề bủa lưới trên sông của đấng sinh thành đã mang lại cơm ăn, áo mặc và nâng bước 3 anh em Lý đến trường. Cánh rừng dừa Bảy Mẫu theo năm tháng ăn sâu vào tiềm thức của Lý và bao thế hệ bạn trẻ khác.
Tốt nghiệp phổ thông (năm 2009), Lý thi đỗ đại học trong niềm vui khôn xiết của người thân và bè bạn. Thế nhưng, Lý đã “nói không” với giảng đường đại học.
Đơn giản, với Lý, cánh cửa đại học không phải là con đường duy nhất mở lối đến sự thành công.
“Thời điểm 10 năm trước, mình nhận thấy khách du lịch tới Hội An rất đông. Từ suy nghĩ giản đơn ấy, mình chọn ngành du lịch làm kế sinh nhai.
Xuất phát điểm, mình vừa học tiếng Anh giao tiếp vừa xin đi làm thêm cho một shop vải ở ngay trung tâm phố cổ để ngày ngày được tiếp xúc với người nước ngoài. Qua đó, mình có cơ hội trau dồi vốn ngoại ngữ”, Lý chia sẻ.
Ngót 10 năm trời trang bị kiến thức, mới đây, Lý quyết định nghỉ việc ở một shop vải lớn bậc nhất trong phố cổ Hội An và trở về nương thân nhà cha mẹ.
Ở đó, rừng dừa Bảy Mẫu xanh thắm một màu vẫn bao bọc lấy làng quê Cẩm Thanh yên ả.
Rừng dừa Bảy Mẫu cũng chính là nguồn cơn thôi thúc Lý bỏ ngang công việc gắn bó suốt 10 năm qua và thai nghén ước mơ khởi nghiệp bằng du lịch sinh thái.
Vậy là vốn liếng bao năm trời chắt chịu dành dụm, Lý dựng cơ ngơi bên mép sông Đò (một nhánh nhỏ của hạ nguồn Thu Bồn).
Ban đầu, ai nấy cứ ngỡ cô gái trẻ mở quán cà phê, bày bán nước giải khát. Mãi đến đầu tháng 2 vừa qua, khi tấm biển Riversite Coconut được treo ngay bên khúc sông chạy băng cắt trước nhà Lý, người ta mới trầm trồ vì Nguyễn Thị Như Lý chính là bà chủ của doanh nghiệp lữ hành, phục vụ du khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu bằng dịch vụ thuyền thúng.
Nhắc đến bước ngoặt chẳng khác nào trang sách mới của cuộc đời mình, Lý cho hay: “Hàng chục người dân địa phương đã thành công với dịch vụ đưa khách tham quan rừng dừa bằng thuyền thúng, tại sao mình lại không thử sức?
Nghĩ là làm, mình dốc sức đăng ký giấy phép kinh doanh, sau đó hợp đồng với 30 hộ có thuyền thúng tham gia và Riversite Coconut chính thức đi vào hoạt động vào tháng 2 vừa qua”.
Sau 6 tháng rẽ hướng sang con đường làm du lịch sinh thái, trung bình mỗi ngày, cơ sở của Lý phục vụ trên dưới 100 khách.
Theo Lý, một “cuốc” tham quan rừng dừa Bảy Mẫu sẽ kéo dài trong khoảng thời gian từ 45-60 phút, mỗi thúng 2 du khách với giá vé 80 nghìn đồng/khách.
Đăng ký tour này, du khách sẽ được bơi thuyền thưởng ngoạn cảnh sắc với rừng dừa bao phủ, được nghe giọng hát hò khoan đậm chất miền sông nước của các nghệ nhân trên sông và thích thú trước các màn biểu diễn thúng chai hết sức điêu luyện của ngư dân địa phương.
Đề cập đến thu nhập từ du lịch sinh thái mang lại, Lý không ngại bộc bạch: “Với mỗi cuốc chèo, người chèo được trả thù lao 70 nghìn đồng. Trung bình một ngày, một người chèo thúng có từ 3 chuyến, tính ra thu nhập mỗi tháng dao động trong khoảng 6 triệu đồng.
Còn lại, mình là người đứng ra kết nối khách, trừ chi phí trả cho người chèo thúng và tiền vé phải thanh toán cho Ban quản lý rừng dừa, thu nhập trung bình hằng tháng của mình rơi vào khoảng vài chục triệu đồng”.
Thời điểm Lý mở dịch vụ tham quan rừng dừa Bảy Mẫu, Trần Văn Phú (28 tuổi, thôn Vạn Lăng) cũng xin nghỉ hẳn công việc bảo vệ khách sạn với thu nhập không tài nào đủ phụ giúp ba mẹ nuôi em ăn học.
Cũng như Lý, Phú quyết định neo nghiệp làm du lịch sinh thái nhờ vào rừng dừa. Hiện tại, Phú chính là một trong số hàng chục người có thúng và đang hợp đồng với Lý để thực hiện tour tham quan rừng dừa Bảy Mẫu.
“Mấy tháng chèo thúng đưa khách tham quan, thu nhập của mình cải thiện thấy rõ. Trong mơ mình cũng chưa từng dám nghĩ có một ngày rừng dừa gắn bó với những năm tháng ấu thơ lại đem đến cơm ăn, áo mặc và giúp mình có cuộc sống sung túc hơn”, Phú nói.
Thanh Ba/ VTC.