Startup chuyển mô hình kinh doanh để “sống chung với dịch”
Nhiều doanh nghiệp đã đóng băng vì cơn đại dịch Covid-19 nhưng đây cũng là cơ hội cho sự chuyển hóa và thích nghi. Nhiều startup với những lĩnh vực kinh doanh mới ra đời.
Những mô hình kinh doanh mới
Đại dịch thay đổi hoàn toàn thói quen sống, mua hàng của mọi người, gia tăng lĩnh vực trực tuyến và tác động mạnh đến thị trường thương mại điện tử. Các công ty vận chuyển, logistics như UPS và XPO tại Mỹ chứng kiến sự gia tăng lớn các đơn hàng và rơi vào tình trạng quá tải. Nhu cầu của họ về quản lý các xe hàng ở chặng cuối và tìm chỗ an toàn để đậu các container tăng cao.
Mike Landau – Giám đốc điều hành của ParkMyFleet – trước đó là dịch vụ kết nối bãi đậu xe ô tô trong thành phố – nghĩ đến phương án thay đổi hình thức kinh doanh. Bởi trong giai đoạn dịch, tất cả ô tô đều không được phép ra ngoài, nhu cầu về chỗ đậu ô tô hầu như là không có. Vì vậy, Landau chuyển hướng sang các container. Ông nhanh chóng tìm kiếm các lô đất trống ở ngoại ô, thiết lập các vành đai an toàn và hợp tác với các đối tác cùng ngành chuẩn bị bãi đổ.
Tháng 2/2021, ParkMyFleet hợp tác cùng TruckPark và Fuel Me, bổ sung thêm 10 địa điểm đỗ xe mới tại 5 bang ở Mỹ, với tổng số 300 vị trí. Với sự hợp tác này, công ty có kế hoạch sẽ tăng thêm 30 địa điểm đỗ xe trong cuối năm nay.
Bên cạnh đó, Laudau cũng thuê thêm một đội ngũ làm việc từ xa, để điều phối các xe và bãi đậu xe trong thành phố, đồng thời cung cấp dịch vụ sữa chữa và rửa xe tại nhà ngay giai đoạn giãn cách. Mike Landau nói: “Với cách làm việc hiện tại, tôi đã dừng các hợp đồng thuê văn phòng. Công ty vẫn tuyển dụng, thậm chí tuyển rất nhiều các vị trí như Giám đốc điều hành và cho phép họ làm việc tại nhà nhưng vẫn đảm bảo năng suất”.
Với hai doanh nhân Christie Zwahlen và David Taffet, dịch Covid-19 như một phép thử lớn, vừa phá hủy các thành quả vừa tạo nên cơ hội mới. Vốn cả hai có một start up về thùng rác thông minh tại Texas, trong đại dịch nhu cầu về sản phẩm này tăng tuy nhiên chuỗi cung ứng đứt gãy, họ không thể sản xuất với giá hợp lý, công ty rơi vào khủng hoảng, không thể vực dậy.
Christie Zwahlen và David Taffet một lần nữa cùng nhau khởi nghiệp ngay đại dịch. Họ tung ra dịch vụ tư vấn kinh doanh trực tuyến có tên Jukestrat. Jukestrat tập hợp các nhà tư vấn có chuyên môn, hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề như: Định vị thương hiệu và thị trường trong bối cảnh dịch bệnh, Chuyển đổi số, Chuyển đổi mô hình kinh doanh và Xử lý các tác động xã hội…
David Taffet chia sẻ: “Dịch bệnh đã làm thay đổi hoàn toàn về cách tôi dự phòng dự rủi ro. Mọi thứ đến một cách đột ngột nhưng tôi kỳ vọng nhiều về mô hình hiện tại và thế giới ở tương lai”.
Vượt qua nhiều mạo hiểm đề lập công ty giữa đại dịch, Andrew Levi, người sáng lập nền tảng làm vườn PlantTAGG trở thành một trong những doanh nhân mới nổi tại khu vực Texas. Levi nhận định, trong bối cảnh đại dịch, mọi người ở nhà nhiều hơn và có thời gian tập trung vào khu vườn hay mảnh đất trước nhà.
Bằng chứng là hoạt động kinh doanh của các nhà bán lẻ thực vật trên toàn nước Mỹ tăng lên đáng kể. Vì vậy, tháng 3 năm nay, ông cho ra mắt PlantTAGG – một ứng dụng web được thiết kế để cung cấp cho những người làm vườn kiến thức chuyên môn cần thiết để trồng cây. Đồng thời, cung cấp các dữ liệu về thời tiết và các thuật toán thông minh để tính cụ thể nhu cầu phát triển các loại cây mọi người đang trồng.
“Mô hình này đang phát triển và nếu thế giới có trở lại trạng thái bình thường thì việc mọi người sử dụng ứng dụng cũng không có gì thay đổi, đặc biệt sẽ còn tăng hơn” – Levi nói. Hiện công ty thu lợi bằng cách hợp tác với các đơn vị giống cây trồng để xây dựng một nền tảng bán hàng như Amazon, tương lai sẽ mở rộng nhận tài trợ, quảng cáo và bổ sung thêm các thuật toán mới thu hút người dùng.
“Doanh nhân không phải là nạn nhân của đại dịch”
Đó là nhận định của nhà chính sách kinh tế Annie Lowrey. Theo nguyên tắc chung, DN thành lập theo chu kỳ, khi nền kinh tế ổn định, nhu cầu thị trường tăng và các khoản cho vay được mở rộng. Tuy nhiên, khi đại dịch đang bùng phát ở nhiều nước trên thế giới, nền kinh tế suy thoái thì số DN đăng ký thành lập lại tăng cao. Có khoảng 500.000 DN được thành lập từ giữa năm 2020 đến giữa năm 2021. Trong đó, Mỹ là nước dẫn đầu về tốc độ hình thành các công ty, startup mới.
Lý do chủ yếu là phần lớn người tiêu dùng tại Mỹ vẫn sẵn sàng chi tiêu và có thể chi tiêu nhiều hơn trong giai đoạn không thể ra ngoài. “Mọi người ở nhà và không có gì khác để làm ngoài việc lướt internet và mua sắm online. Vì vậy, nếu bán những thứ họ cần, bạn sẽ thành công” – Marc Bridge ở Seattle, Washington, thành công với cửa hàng bán trang sức trực tuyến chia sẻ.
Lợi ích lớn nhất mà dịch Covid-19 mang đến cho các doanh nhân là sự sáng tạo, thúc đẩy tính mạo hiểm, sẵn sàng chuyển đổi, vượt khỏi các mô hình kinh doanh truyền thống.
Dịch bệnh khiến các nhà hàng đóng cửa nhưng lại gia tăng hình thức đặt trực tuyến và giao hàng tận nhà. Phòng gym, các lớp dạy yoga đóng cửa nhưng sự quan đến các dụng cụ tập thể dục tại nhà lại tăng. Thời trang công sở dường như không thể bán nhưng đồ mặc tại nhà, mỹ phẩm chăm sóc da tăng doanh số bán hàng.
“Tôi không thể chứng minh được xu hướng này sẽ đi đến đâu, các nhà hoạch định chính sách trong tương cũng khó dự đoán. Tuy nhiên, các nhóm ngành mới sẽ bùng nổ trong giai đoạn đại dịch và các doanh nhân với những bước đột phá khác nhau sẽ giúp nền kinh tế cân bằng” Annie Lowrey nói.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra