Theo Giám đốc Chiến lược Tập đoàn VNPT Nguyễn Hữu Thái Hòa, khi khởi nghiệp cần phải biết tìm ra cho mình cơ hội lớn từ thị trường ngách, những mảng chưa ai làm, đừng đi vào những vấn đề lớn, cạnh tranh với những tập đoàn lớn như VNPT, Viettel, FPT với hàng chục nghìn nhân sự đã làm rồi.
Tại tọa đàm “Cơ hội thành công của startup công nghệ Việt Nam” do Ban Tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016 tổ chức ngày 31/8 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược, Giám đốc Chiến lược Tập đoàn VNPT cho hay, hiện có nhiều bạn trẻ đang lao vào khởi nghiệp, thậm chí muốn bỏ học để khởi nghiệp, thế nhưng có rất nhiều người đang hiểu lệch lạc về khởi nghiệp.
“Khái niệm khởi nghiệp đang được nhiều người hiểu là đi kiếm tiền, kinh doanh. Đây là cách hiểu méo mó, rất nguy hiểm”, ông Hòa nhận định, đồng thời cho rằng việc đi kinh doanh kiếm tiền chỉ là một việc nhỏ trong lập nghiệp, nếu chỉ nghĩ đến kinh doanh kiếm tiền là làm hẹp khái niệm khởi nghiệp.
Bởi có rất nhiều người khởi nghiệp bằng cách đi làm từ thiện, nghiên cứu khoa học… Hoặc ví dụ trong một doanh nghiệp, có nhiều người không phải làm sale, mà làm ở bộ phận R&D, Marketing, quan hệ khách hàng… Hay ngay tại Tập đoàn FPT, 13 người của Tập đoàn FPT đầu tiên khởi nghiệp là các giáo sư ở nước ngoài về nước. Họ đã cùng nhau liên kết, xây dựng nên FPT.
Nếu tất cả các bạn trẻ, sinh viên khởi nghiệp đều sớm lao vào công cuộc đi kinh doanh kiếm tiền là cách hiểu méo mó, chỉ mang tính chất phong trào do 99% là dễ thất bại. Khởi nghiệp tưởng như không liên quan đến việc học, nhưng với các bạn trẻ, đây lại là điều rất quan trọng để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm.
Giám đốc Chiến lược Tập đoàn VNPT Nguyễn Hữu Thái Hòa cũng khẳng định, khởi nghiệp là cách bắt đầu một công việc, một nghề và phải tạo ra giá trị. Hãy có sự khao khát, sáng tạo rồi hãy nghĩ đến tiền. Tiền là điều sau cùng, sẽ đến khi nhà đầu tư nhìn nhận bạn có năng lực, có dự án, sản phẩm tốt.
Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm thực tế và nhiều năm từng chấm thi các cuộc thi khởi nghiệp, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa cũng chỉ ra một thực tế hiện nay là hầu hết các bạn trẻ khi khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp kinh doanh luôn hỏi tới tiền và vốn. Điều này không hoàn toàn đúng với lứa tuổi của họ.
Đầu tiên của khởi nghiệp là cần tinh thần của một nhóm đồng đội. Những người khởi nghiệp nghiêm túc là phải vẽ ra cho mình một lộ trình rõ ràng. Trong thời gian đầu có thể là vài năm đi làm thuê, học hỏi kiến thức, tinh hoa của doanh nghiệp khác để tích lũy cho mình kinh nghiệm. Khi đã tích lũy và đạt tới độ chín, đủ tự tin, hoặc có được sản phẩm lạ, khác, độc… thì hãy bắt đầu tìm vốn khởi nghiệp.
Nếu làm ngược lại, “mở miệng” ra là đòi hỏi phải có vốn, có tiền ngay thì rất dễ thất bại, dễ đi kết kết cục lãng phí sức lao động, trí tuệ và cả tiền đi mượn của gia đình, bạn bè vào những cuộc chơi mà mình không chủ động, không ý thức được con đường đang đi.
Vị Giám đốc Chiến lược của VNPT cũng lưu ý: một dự án khởi nghiệp cần có tính mới và khác biệt; tính lợi thế cạnh tranh; tính khoa học và đo đếm được; tính hiệu quả đầu tư và tính giá trị cộng đồng, nhu cầu xã hội.
Một vấn đề quan trọng là phải biết tìm ra cơ hội lớn từ thị trường ngách, những mảng chưa ai làm, đừng đi vào những vấn đề lớn, cạnh tranh với những tập đoàn lớn như VNPT, Viettel, FPT với hàng chục nghìn người đã làm rồi.
“Nếu chui vào là chết! Phải cố gắng, tìm cơ hội cho mình bằng cả máu và tinh thần. Có người thất bại 1 lần đã nản và như thế là không ổn. Các bạn khởi nghiệp có thể sẽ thất bại 10 lần, nhưng may ra lần thứ 11 có thể sẽ thành công. Tôi không muốn làm cho các bạn trẻ khởi nghiệp chùn bước, nhưng đây là thực tế cần được cảnh tỉnh”, Giám đốc Chiến lược Tập đoàn VNPT nói.
Nguyên Đức | Theo ICTnews