Startup UniTour tổ chức lần đầu đã thu hút 25 doanh nghiệp khởi nghiệp, cùng 3.000 sinh viên của các trường đại học. Mục đích của sự kiện là giúp các startup có cơ hội giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình để cộng đồng trải nghiệm trực tiếp.
Có thể cảm nhận được sự sôi động của các gian hàng startup tại sự kiện Startup UniTour với những cái tên nổi bật và quen thuộc với cộng đồng như Foody, Uber, Shopee… hay những trải nghiệm lý thú khi tranh tài trực tiếp về kiến thức môn Toán và tiếng Anh dưới hình thức eSport thể thao điện tại gian hàng của dự án BigSchool.
Tại sự kiện, ông Phạm Đức Nghiêm – Cục Phó cục Phát triển Thị trường kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án Đổi mới Sáng tạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu Việt Nam VCIC (Bộ Khoa học & Công nghệ) cho biết, Trung tâm VCIC có mục đích cung cấp gói dịch vụ tài chính toàn diện giai đoạn đầu, hỗ trợ các hoạt động kinh doanh và xây dựng năng lực cho khu vực tư nhân Việt Nam để phát triển, tăng cường các dự án công nghệ khí hậu đổi mới nhằm biến những thách thức về khí hậu trở thành cơ hội.
Với nguồn cung cấp tài chính dồi dào, nguồn tài nguyên về kỹ thuật và nhân lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Nghiêm cho biết VCIC có đầy đủ điều kiện cho sự phát triển của cá nhân, tổ chức trong hoạt động start-up. Đến với VCIC, các cá nhân tổ chức không chỉ được hỗ trợ về mặt tài chính mà còn có một cơ hội phát triển và đưa giá trị của mình ra toàn xã hội thông qua việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với quốc gia.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc vận hành và tài chính Shopee: “Tại Startup UniTour có nhiều ý tưởng rất hay và tôi nhận thấy ở họ sự quyết tâm để phát triển. Việc tham dự những sự kiện như thế này sẽ rất có lợi cho các startup vì sẽ được biết đến nhiều hơn, có thêm các cộng sự . Nếu các startup đã có sản phẩm thì trước hết cần phát triển số người sử dụng, nếu không thì dự án chỉ nằm trên giấy. Các startup cũng cần minh chứng cho hiệu quả của sản phẩm đó bằng cách áp dụng thực tế”.
Các gian hàng nghiệp khởi nghiệp giới thiệu tại Startup UniTour đa dạng về các lĩnh vực. Về giáo dục có thể kể đến BigSchool, Tree, StudyNow. Về lĩnh vực ăn uống có Foody, Coffeebike, Goofoo. Lĩnh vực giao thông có Uber, Vietgo, Vexere… Lĩnh vực môi trường có Dobody… Ngoài ra còn các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ thanh toán…
Coffeebike lấy ý tưởng từ những hình ảnh đời thường. Phạm Văn Quyết – người sáng lập Coffeebike – cho biết anh đã liên tưởng hình ảnh những chiếc xe ba gác một thời và ước mơ về một thương hiệu cà phê Việt chất lượng Coffe Bike – cơn lốc màu da cam lăn bánh đến từng con phố trên mảnh đất hình chữ S, một cửa hàng cà phê đường phố nhưng chuyên nghiệp, dùng máy pha sẵn.
Mô hình này đang tạo việc làm thêm cho nhiều sinh viên tại Hà Nội và TP HCM. Nhóm cũng mong muốn với sự phát triển của mô hình, giá cà phê sẽ cao hơn, đem lại doanh thu lớn cho nông dân Việt Nam. Khó khăn mà nhóm đang gặp phải là vấn đề về thời tiết ngoài đường phố, và phương án dùng ô mái che thêm cho các gian hàng nhỏ đang được áp dụng.
Bogo có ý tưởng đơn giản từ mong muốn của người tiêu dùng khi mua sản phẩm muốn có một phần tiền nho nhỏ quay trở lại với họ. Bogo hợp tác với một số trang thương mại điện tử lớn, khi khách mua hàng ở một con số nhất định sẽ được hoàn lại tiền với tỷ lệ có thể lên đến 30%.
“Người Việt Nam hay bất cứ nước nào cũng vậy, khi thanh toán điện tử nếu nhận lại được tiền mặt thì họ rất vui, đó là ý tưởng đưa sản phẩm Bogo.vn vào Việt Nam giúp mọi người tiết kiệm tối đa nhất khi mua hàng”, Lê Xuân Hoàng, CEO Bogo, chia sẻ.
Còn Volunteer for Education(V.E.O) là một loại du lịch mới kết hợp giữa tình nguyện và du lịch. Nguyễn Huyền Phương, CEO V.E.O, chia sẻ: “Thông qua các chương trình du lịch tình nguyện, V.E.O mang đến những lợi ích lâu dài, cơ hội nghề nghiệp và cuộc sống ổn định cho các cộng đồng cư dân nghèo trên toàn Việt Nam bằng cách tổ chức cho các bạn trẻ tham gia chương trình 2 ngày 1 đêm tại đây. Các bạn vừa đi du lịch vừa làm tình nguyện. Trong ngày thứ nhất, các bạn có thể dạy tiếng Anh cho trẻ em, hỗ trợ người dân sửa điện, đường, trường trạm, chăm sóc trồng trọt hiệu quả. Ngày thứ hai sẽ được trải nghiệm du lịch, những món ăn đặc sắc…”
Trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, VCIC kết hợp các đơn vị tổ chức Startup Unitour cũng mong muốn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) với cộng đồng. Đặc biệt VCIC mong muốn sẽ là cầu nối giữa lực lượng đông đảo sinh viên và các doanh nghiệp đặc biệt dấy lên tinh thần khởi nghiệp của những nhân tố khởi nghiệp tiềm năng này.
Loan Lê | Theo Khoa học phát triển