Khi nhìn Việt Nam từ góc độ của một quốc gia khởi nghiệp, định hướng ngành nghề hiện có, tiềm năng, nguồn lực, và thế mạnh bản địa thật ra nên được xác định một cách hết sức rõ ràng, qua đó tạo ra giá trị cao hơn cho các startup (doanh nghiệp khởi nghiệp). Việt Nam không nên được đưa ra so sánh một cách khập khiễng với những nền kinh tế sáng tạo hàng đầu thế giới như Phần Lan, Thụy Điển, Hàn Quốc, hay Israel.
Sở dĩ startup tại các quốc gia này nhiều về số lượng, cao về chất lượng, là do hệ sinh thái khởi nghiệp của họ được xây dựng hết sức nền tảng, từ giáo dục sáng tạo cấp mẫu giáo, phổ thông, đến trường nghề, cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu, và nhất là số lượng và đề tài nghiên cứu tiến sĩ về khoa học và kỹ thuật.
Không thể bắt chước mô hình khởi nghiệp của các quốc gia khác
Ví dụ, Israel tự hào là quốc gia có tỷ lệ nhà khoa học cao nhất thế giới, tỷ lệ tiến sĩ khoa học và kỹ thuật cao nhất thế giới, có mật độ nhà nghiên cứu cao nhất thế giới, đạt nhiều giải Nobel về khoa học kỹ thuật. Với một nền tảng đổi mới sáng tạo được chuẩn bị và nuôi dạy từ trong trứng nước, cùng với chính sách hỗ trợ có chiến lược của chính phủ, dĩ nhiên, họ trở thành quốc gia sáng tạo.
Tương tự như thế, trong chương trình trao đổi startup giữa Việt Nam và Hàn Quốc vừa qua, nhận xét đầu tiên của tác giả, cũng là giám khảo chính trong cuộc thi lựa chọn startup để trao đổi với Việt Nam, là tất cả startup Hàn Quốc đều bắt đầu bằng những nghiên cứu khoa học nhiều năm, có bằng sáng chế được cấp tại Mỹ hoặc tại các quốc gia trong hệ thống WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới). Điều này cho thấy sự chênh lệch cực lớn của nguồn lực startup tại Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới.
Với nguồn lực và nền tảng đổi mới sáng tạo hoàn toàn khác biệt, chúng ta không nên hoang tưởng và định hướng sai lệch cho giới startup Việt Nam về việc tạo ra các unicorn – doanh nghiệp tỉ đô, từ một nền tảng giáo dục trọng thành tích, đóng khung, và đi ngược lại toàn bộ những phương pháp nuôi dưỡng sáng tạo. Trừ phi Việt Nam có chính sách thu hút nhân tài từ các quốc gia khác đổ về Việt Nam khởi nghiệp, nhằm khai thác được chi phí hoạt động thấp, nguồn lực lập trình viên và kỹ sư nhiều, chất lượng, chúng ta mới có hy vọng tạo ra những startup đúng nghĩa disruptive – tạo ra các phát minh tái định nghĩa ngành nghề truyền thống, bằng những phát minh được cấp bằng sáng chế.
Đối với nguồn lực startup trong nước, liệu có một giải pháp nào khác tạo ra giá trị? Thiết nghĩ, startup Việt nên bắt đầu từ việc kiểm kê lại tài sản bản địa của Việt Nam nhằm nắm bắt các xu hướng có thể khai thác được từ chuyển động của thị trường thế giới. Ví dụ, một trong những xu hướng chính, rất thuận lợi cho Việt Nam trong thế kỷ 21 này, là khởi nghiệp dựa vào tài sản bản địa kết hợp cùng nguồn lực công nghệ.
5 yếu tố thúc đẩy nền kinh tế trải nghiệm
Thế giới trong thế kỷ 21 chứng kiến sự thay đổi mang tính nền tảng khi các quốc gia đang phát triển vượt qua các quốc gia đã phát triển về đóng góp GDP vào nền kinh tế toàn cầu (dựa trên PPP – sức mua tương đương). Sự phát triển này không ngừng và dự đoán đến năm 2030, tỷ lệ đóng góp sẽ tăng lên thành 2/3 tổng GDP thế giới. Đến năm 2030, dự đoán top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có 6 đến từ các thị trường đang phát triển. Chính sự gia tăng nhanh chóng và nền tảng này của tầng lớp thu nhập trung bình tại các quốc gia đang phát triển sẽ làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc tiêu dùng toàn cầu.
Yếu tố thứ 2 ảnh hưởng đến sự ra đời của nền kinh tế trải nghiệm là những thay đổi về cấu trúc dân số. Thế hệ thiên niên kỷ (Millenials) trở thành thế hệ làm thay đổi mọi quyết định tiêu dùng. Đến năm 2030, thế hệ thiên niên kỷ chiếm 2,8 tỉ dân số thế giới. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của thế hệ tiếp theo, thế hệ Z và Alpha, dự đoán chiếm 3,7 tỉ dân trên toàn thế giới đến năm 2030, cũng bắt đầu tạo ra những xu hướng tiêu dùng dựa hoàn toàn trên trải nghiệm.
Bên cạnh đó, yếu tố thứ 3 và cũng là yếu tố tạo ra những thay đổi gốc rễ và sự bất định cho thế giới hiện nay, công nghệ. Công nghệ dần trở thành công cụ chính đóng góp vào quyết định mua hàng của người tiêu dùng toàn thế giới. Những công nghệ như Internet di động, in 3D, trí tuệ nhân tạo có sức mạnh khủng khiếp trong việc xây dựng và phóng đại trải nghiệm và cảm xúc.
Yếu tố thứ 4 và cũng là ảnh hưởng không thể tránh khỏi là các vấn đề về môi trường, sự cạn kiệt của tài nguyên, sự cằn cỗi của thiên nhiên, và các giới hạn mới về an toàn cho môi trường sống của trái đất, đã khiến người tiêu dùng không thể bàng quan trước các vấn đề thời sự mang tính sống còn này. Người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến tính bản địa, sự bền vững và an toàn cho cộng đồng bản địa, tài nguyên bản địa. Sản phẩm không còn mang tính vật chất nữa. Sản phẩm cần phải gắn liền và không thể tách rời với sự phát triển bền vững của tài nguyên, con người, cộng đồng bản địa nơi nguyên vật liệu được sử dụng, sản phẩm được sản xuất và hoàn thiện.
Cuối cùng, tất cả những yếu tố trên tạo ra một thái độ và văn hóa tiêu dùng hoàn toàn mới trên thế giới. Trải nghiệm trở thành yếu tố chính thúc đẩy hành vi mua hàng, thúc đẩy quyết định chọn lựa và trung thành cùng thương hiệu.
Kinh tế trải nghiệm – Startup từ đâu?
Có hai vấn đề mà các startup Việt Nam cần lưu ý phân tích và áp dụng nếu muốn tận dụng được sự phát triển của nền kinh tế trải nghiệm. Trước hết là khả năng tạo ra trải nghiệm. Khi đã xây dựng trải nghiệm dựa trên tính bản địa, các yếu tố cấu thành nên trải nghiệm đó phải thật sự xác thực và nguyên bản. Airbnb, nền tảng kết nối với người cho thuê nhà tại địa phương, hay Vizeat – nền tảng kết nối khách du lịch và người nấu ăn bản địa chẳng hạn, thành công chính là nhờ trải nghiệm rất bản địa này. Ngoài ra, trải nghiệm đó cần tạo cho người dùng cảm giác cộng đồng, nhằm giúp cho thành viên cảm thấy được thuộc về. Một ví dụ thú vị là thương hiệu nhà hàng Little Yellow Door tại Anh, phát cho mỗi thành viên một chìa khóa cửa ra vào nhà hàng để có thể đến bất cứ lúc nào như trở về nhà. Cuối cùng, tính bản địa phải được nâng cao bằng cách kích thích các giác quan khi kể chuyện. Ví dụ thương hiệu Dinner Time Story sử dụng công nghệ VR – thực tế ảo, để đưa thực khách vào thế giới của những câu chuyện bản địa cấu thành nên món ăn bản địa mà họ sắp thưởng thức.
Sau khi đã xây dựng trải nghiệm bản địa, startup cần lưu ý lựa chọn các công nghệ có sức ảnh hưởng để xây dựng và tăng cường cảm xúc trong trải nghiệm. Những công nghệ có sức ảnh hưởng lớn nhất đến kinh tế trải nghiệm hiện nay có thể nhắc đến AI – trí tuệ nhân tạo, cho phép tương tác với từng cá nhân và cung cấp thông tin tức thời và chính xác, công nghệ VR/AR – thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường giúp kết nối thế giới ảo và thật, tạo ra trải nghiệm mang tính thực tế và kết nối. Cuối cùng, UX – thiết kế giao diện mang lại trải nghiệm tốt, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thu hút và giữ chân người dùng.
Tuy nhiên, startup Việt có ý tưởng hay sản phẩm bản địa thường thiếu hiểu biết về công nghệ và ngược lại. Do đó, cần phải có sự kết hợp đồng sáng lập giữa những người xây dựng trải nghiệm và người có kiến thức công nghệ để có thể tạo ra một sản phẩm trải nghiệm tiềm năng, đúng xu hướng và hoàn chỉnh. Trong thế kỷ 21, chìa khóa của mọi sự thành công là hợp tác. Nếu cứ giữ tinh thần làm một mình, phát triển một mình như nhiều thế kỷ qua, doanh nghiệp và thương hiệu Việt sẽ khó có thể mà phát triển.
Khi hiểu về nội lực và tài nguyên bản địa, startup Việt sẽ dễ dàng thành công hơn mà không cần phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các startup quốc tế cùng ngành, và với nguồn lực giàu có hơn rất nhiều. Tính bản địa là một trong những tài nguyên ưu đãi của đất mẹ Việt Nam dành cho chúng ta. Nếu đã là thế mạnh, là tài nguyên, là những gì chúng ta quen thuộc nhất, sao không bắt đầu từ đó? Đã đến lúc ta cần tự hỏi mình, tài nguyên bản địa nơi ta startup là gì, và làm thế nào để có thể kết hợp những nguồn lực như trên, để startup thành công, để mang chút tự hào Việt Nam ra thế giới?
(*) Chủ tịch HĐQT – Retail & Franchise Asia; tác giả sách “Go Global”.
Nguyễn Phi Vân*
Thời báo Kinh tế Sài Gòn